Vụ “trốn thuế” từ việc xuất rượu Halico “khống” sang Lào: Bị cấp dưới lợi dụng, Giám đốc vướng vòng lao lý?

(PLO) - Bị Tòa cấp sơ thẩm kết án 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Hồ Văn Hải (nguyên Giám đốc Cty  CP Cồn Rượu Hà Nội- Halico) cho rằng mình đã bị lợi dụng vì quá tin tưởng cấp dưới. Trong khi đó, cấp dưới trực tiếp thực hiện việc “thông đồng” trốn thuế lại được “thoát tội”.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Vào cuối năm 2008, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Lân (Cty Hoàng Lân, do Hoàng Văn Xưởng làm Giám đốc) ký hợp đồng mua rượu của Halico để xuất khẩu (XK) sang Lào nhưng để lại tiêu thụ ở thị trường nội địa nhằm trốn thuế tiêu thụ đặc biệt. Xưởng đã gặp Nguyễn Hồng Tiến (Phó phòng Phát triển thị trường của Halico) và Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nhân viên của Tiến) để thống nhất việc Trang cùng Hoa (vợ Xưởng) lo thủ tục, giấy tờ. Trang được chia 7.500 đồng/thùng. Xưởng được chia 22.000 đồng/thùng.

 Đến tháng 2/2012, Halico nhận được phản ánh loại rượu XK được bán ở trong nước nên tạm dừng việc bán rượu xuất khẩu cho Cty Hoàng Lân.

 Đến tháng 3/2012, Hồ Văn Hải giao Trang và Xưởng thực hiện nhiệm vụ  XK rượu cho đối tác bên Lào. Tháng 9/2012 thì lực lượng hải quan đã phát hiện vụ trốn thuế do bắt quả tang việc XK “khống” (container không có rượu).

Tại bản cáo trạng năm 2015, VKSNDTC đã truy tố Hồ Văn Hải và Nguyễn Thị Kim Hạnh (cán bộ Hải quan) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; truy tố Xưởng, Hoa, Trang và Nguyễn Thị Thúy về tội “Trốn thuế”. Tại phiên tòa, Hạnh đã được thay đổi tội danh truy tố sang tội “Trốn thuế”. 

Theo HĐXX TAND TP Hà Nội thì các bị cáo Xưởng, Hoa, Trang đều khai không bàn bạc gì với Hải về việc mua rượu XK để bán trong nước nhằm trốn thuế và không bàn bạc gì về việc ăn chia. Bị cáo Hải không biết việc hợp thức hồ sơ XK rượu của vợ chồng Xưởng, không làm trái chức vụ quyền hạn để bị cáo Xưởng tiêu thụ rượu XK ở trong nước. Vì vậy, bị cáo Hải không có dấu hiệu hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng bị cáo Hải đã biết Cty Hoàng Lân có tiêu thụ một phần rượu XK ở trong nước nhưng khi ký các hợp đồng bán hàng XK cho Cty này và ký các chứng từ do cấp dưới trình đã không kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, bị cáo còn ký khống giấy giới thiệu (GTT) để nhân viên sử dụng không đúng quy định. Như vậy, bị cáo Hải đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Từ đó, tạo điều kiện cho vợ chồng Xưởng tiêu thụ rượu XK trong nước, gây thất thoát hơn 8,6 tỷ đồng tiền thuế. Từ nhận định trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hải 36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau phiên tòa, bị cáo Hải đã kháng cáo khẳng định mình đã làm hết trách nhiệm; vụ trốn thuế này xảy ra là do mình đã quá tin tưởng vào cấp dưới nên bị “lợi  dụng”.

Theo bị cáo Hải thì Nguyễn Hồng Tiến là người có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ, hợp đồng bán rượu với Cty Hoàng Lân và trình Giám đốc ký. Anh Tiến được giao nhiệm vụ thực hiện việc giám sát hàng bán nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn việc rượu XK bán trong nước. Tuy nhiên, trong vụ việc này thì chính anh Tiến lại thông đồng với Trang và vợ chồng Xưởng về việc để rượu tiêu thụ trong nước.  Như vậy, Tiến, Trang, Xưởng đã thông đồng, lừa dối Giám đốc để trình ký hợp đồng bán rượu cho Cty Hoàng Lân. 

Trong vụ việc này, Tiến có vai trò chính và xuyên suốt, là người hưởng lợi 450 triệu đồng nhưng không hiểu sao lại được đình chỉ bị can và “thoát tội” và   đổ trách nhiệm lên Giám đốc. 

Trong khi đó, Giám đốc đã làm hết trách nhiệm như ký ban hành nhiều quy chế, quy trình, yêu cầu khách hàng đặt cọc…nhằm kiểm soát hoạt động bán hàng, XK, thanh toán và ngăn ngừa vi phạm. Đối chiếu với quy chế trên, bị cáo Hải khẳng định, để xảy ra vụ trốn thuế trên là trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên Phòng Phát triển thị trường, Phòng Kế toán Tài chính chứ không phải trách nhiệm của Giám đốc.

Sau khi phát hiện có hiện tượng rượu XK được bán ở trong nước, Giám đốc đã yêu cầu Tiến, Trang tìm kiếm đối tác XK trực tiếp sang Lào và thực hiện biện pháp phòng ngừa và yêu cầu thực hiện chặt chẽ các thủ tục, chứng từ thực xuất qua cửa khẩu và sang Lào nhằm kiểm tra tính xác thực của việc XK  rượu.

Về việc cấp GGT khống cho Trang đi làm thủ tục XK rượu, bị cáo Hải cho rằng, đây là việc “vô ý” do tin lời cấp dưới để làm thủ tục XK được thuận lợi”, xuất phát từ động cơ muốn thúc đẩy hoạt động XK sang Lào. Hơn nữa, việc cấp GGT trên chỉ ở một lô hàng với giá trị các đối tượng trốn thuế tiêu thụ đặc biệt là hơn 400 triệu đồng (chưa gây hậu quả nghiêm trọng). Năm 2013, Halico đã nộp khoản thuế này, tức là hậu quả đã được khắc phục. 

Ai chịu trách nhiệm trong vụ 22.000 thùng bia tiêu thụ trong nước, trốn thuế 1,3 tỷ đồng? 

Theo Cáo trạng thì ngoài việc gian dối xuất khẩu rượu Vodka của Halico sang Lào để trốn thuế, vợ chồng Xưởng còn đưa hơn 54.000 thùng bia lon của Cty CP Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) để xuất khẩu nhưng đã để lại tiêu thụ ở trong nước hơn 22.000 thùng, trốn thuế hơn 1,3 tỷ đồng. Theo lời khai của Hoa thì sau những phi vụ trên, bị cáo có đưa 540 triệu đồng cho Nguyễn Tiến Dũng (Phó phòng Thị trường của Habeco) để “cảm ơn”. Trong khi đó, Dũng chỉ thừa nhận được Hoa đưa 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, CQĐT và VKSNDTC đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Dũng vì cho rằng không có căn cứ xác định anh này làm sai chức trách, nhiệm vụ hoặc biết bị can Hoa tiêu thụ bia xuất khẩu trong nước.

Đọc thêm