Trước khi vụ án được cơ quan điều tra (CQĐT) VKSND Tối cao khởi tố, điều tra thì Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có trả lời rằng “nội dung vụ việc là tranh chấp dân sự”.
Có hai cơ quan từng “thống nhất” xác định vụ việc là “tranh chấp dân sự”
Vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được CQĐT VKSND Tối cao khởi tố ngày 3/4/2013. Đến ngày 22/4/2013 thì cơ quan này đã có quyết định khởi tố đối với Trương Thị Tuyết Nga vì cho rằng bị can này đã dùng thủ đoạn làm thiết kế dự án đầu tư xây dựng (Khu chung cư cao cấp – tháp văn phòng BLUE SKY TOWER) tại khu đất 35.000m2, thuộc phường Bình Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh, lừa dối bán dự án không có thật thông qua việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để chiếm đoạt 3,1 triệu USD của bà Dương Mỹ Linh.
Tuy nhiên, như PLVN đã từng thông tin thì trong vụ việc này, Trương Thị Tuyết Nga đã không hề có hành vi làm giả hồ sơ tài liệu nhằm tạo dựng nên một dự án không có thật. Trái lại, các thông tin về dự án, về quy hoạch, về Giấy chứng nhận đều được công khai. Tài liệu vụ án cho thấy bà Linh đều biết nội dung này, biết được việc dự án chưa được phê duyệt và thống nhất việc các bên sẽ phối hợp thực hiện xin phép làm dự án. Thậm chí, bà Linh còn thỏa thuận “hỗ trợ” bị cáo Nga lập thiết kế dự án nên không thể nói bà Linh “tin” dự án là có thật. Hơn nữa, pháp luật cũng không hề cấm việc lập thiết kế dự án vì để thực hiện thì bản thiết kế này phải được cơ quan chức năng phê duyệt.
Đáng nói hơn, trước khi vụ án được khởi tố hơn 1 năm thì Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã từng có văn bản trả lời đơn tố cáo của bà Linh với nội dung “Cơ quan CSĐT- Bộ Công an nhận được đơn tố cáo bà Trương Thị Tuyết Nga lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 1.500.000 USD là tiền đặt cọc của bà trong việc chuyển nhượng 30.000m2 đất tại phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM để xây dựng dự án và chiếm đoạt 2.000.000 USD của Cty Kenmore Holdings để chi phí đền bù, lo các thủ tục pháp lý đảm bảo có được khu đất dự án và xin được giấy chứng nhận đầu tư trong việc đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, chung cư tại phường Phước Long B, quận 9, TP HCM.
|
Trả lời của CQĐT Bộ công an rằng "nội dung vụ việc là tranh chấp dân sự" |
Căn cứ kết quả xác minh và kết quả nghiên cứu hồ sơ của VKSND Tối cao (Vụ 1) thống nhất thấy: Nội dung sự việc là tranh chấp dân sự…”.
Như vậy, không chỉ Cơ quan CSĐT Bộ Công an mà cả Vụ 1, VKSND Tối cao đều “thống nhất” cho rằng vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến tháng 4/2013 thì CQĐT VKSND Tối cao lại khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trực tiếp điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này.
Việc tiến hành điều tra trên đây bị ông Vũ Văn Hải (chồng bị án Nga) cho là “không đúng thẩm quyền” vì CQĐT VKSND Tối cao chỉ được điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp.
Tiền nhận đặt cọc bị tính hai lần?
Theo trả lời của cơ quan CSĐT Bộ Công an như trên thì ban đầu, bà Linh cho rằng bị Trương Thị Tuyết Nga chiếm đoạt 1,5 triệu USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, theo nhận định tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì con số này lại trở thành 3,1 triệu USD. Theo HĐXX thì Nga nhận đặt cọc 500.000 USD theo hợp đồng ngày 24/12/2007; nhận 1,1 triệu USD ngày 30/1/2008 và ngày 1/2/2008 (giấy ghi ngày 10/1) là 1,5 triệu USD (tổng cộng là 3,1 triệu USD).
Tuy nhiên, tại các phiên tòa, bị cáo Nga phủ nhận số tiền trên và cho rằng ngày 1/2/2008, bị cáo ghi con số 1,5 triệu USD là tổng số tiền thực nhận từ những ngày trước.
Trình bày cụ thể hơn, ông Vũ Văn Hải cho biết, từ ngày 24/12 đến sáng 30/1/2008 , bà Linh đã giao tổng cộng 1 triệu USD. Đến chiều 30/1/2008 thì bà Linh đưa thêm 100.000 USD nên Trương Thị Tuyết Nga đã viết giấy với nội dung “tổng số tiền đã nhận là 1,1 triệu USD”. Đây là số tiền Nga đã nhận tính đến chiều 30/1/2008 chứ không phải là tiền nhận riêng trong ngày 30/1/2008 như cách hiểu của HĐXX.
Đến ngày 1/2/2008, các bên thoả thuận nâng số tiền đặt cọc lên 1,5 triệu USD nên bà Linh có đưa thêm cho Nga 400.000 USD cho đủ. Chính vì vậy, tại phần cuối của “Bản ghi nhớ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, Nga có ghi là “tôi có nhận 1.500.000 USD”. Đây cũng là số tiền Nga đã nhận tính đến ngày 1/2/2008 chứ không phải số tiền nhận riêng trong ngày 1/2/2008 như cách hiểu của HĐXX.
|
Nội dung thỏa thuận thể hiện số tiền đặt cọc là 1,5 triệu USD chứ không phải 3,1 triệu USD |
Từ diễn biến trên, ông Hải khẳng định vợ ông chỉ nhận tổng cộng 1,5 triệu USD tiền đặt cọc. Con số này phù hợp với nội dung “bản ghi nhớ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 1/2/2008; Phụ lục chuyển nhượng vốn điều lệ ngày 17/3/2008 và Bản ghi nhớ về chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 20/3/2008. Hơn nữa, các bên thỏa thuận đặt cọc là 1,5 triệu USD thì không có lý do gì mà bà Linh lại tự nguyện giao số tiền đặt cọc lên đến 3,1 triệu USD cả. Sở dĩ, HĐXX tính toán từ 1,5 triệu USD thành 3,1 triệu USD là do số tiền 100.000 USD nhận ngày 30/1/2008 và 1,5 triệu USD (nhận trước 1/2/8008) đã bị HĐXX cộng 2 lần.
Trong khi đó, bà Linh là người vi phạm hợp đồng đặt cọc, đáng lẽ phải chịu mất số tiền đặt cọc 1,5 triệu USD thì nay lại được Tòa tuyên được trả số tiền tương đương 3,1 triệu USD.
Chuyển tiền “khắc phục hậu quả” cho bị hại trước khi có đề nghị của bị can
Theo Cáo trạng của VKSND Tối cao thì ngày 25/3/2014, bị can Trương Thị Tuyết Nga đã có đơn đề nghị CQĐT chuyển 26,8 tỷ đồng từ Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu (là tiền của Nga đặt mua cổ phần của Cty này) cho bị hại Dương Mỹ Linh để “khắc phục hậu quả”. Cty Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu đã chuyển số tiền trên cho bà Linh theo ủy nhiệm chi không số ngày 20/2/2014.
Ông Vũ Văn Hải (chồng bị án Nga) cho rằng diễn biến trên là bất thường bởi số tiền 26,8 tỷ đã được chuyển cho bà Linh trước khi có đơn “khắc phục hậu quả” của bị can tới 1 tháng, 5 ngày. Thực chất, việc chuyển tiền của Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu cho bà Linh vào ngày 20/2/2014 là do có yêu cầu tại Công văn của CQĐT VKSND Tối cao chứ không phải theo đề nghị của bị can Nga.
Theo ông Hải, yêu cầu chuyển tiền trên là không đúng vì chính tại Công văn này, CQĐT VKSND Tối cao đã thừa nhận 26,8 tỷ trên là tài sản chung của vợ chồng ông (chứ không phải là tài sản riêng của bị can). Hơn nữa, tại thời điểm đó thì không có chứng cứ nào khẳng định 26,8 tỷ này là số tiền do Nga lừa đảo mà có (tức là không phải là tang vật vụ án). Ngoài ra, việc Cty Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn- Á Châu chuyển tiền mà không có chữ ký của bà Nga cũng không đúng quy định.
Sau này, tại các bản án của Tòa cũng không hề xác định số tiền 26,8 tỷ trên là tang vật của vụ án. Vì vậy, ông Hải đề nghị được hoàn trả 1/2 số tiền trên (13,4 tỷ đồng).