Vụ tử vong do ngã xuống mương nước ở Đồng Nai: Trách nhiệm thuộc về ai?

(PLVN) - Liên quan đến vụ người phụ nữ tử vong ở Đồng Nai vừa qua, Luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nguyên nhân từ đâu mương nước không có nắp đậy để truy trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Con suối tìm thấy thi thể bà Mừng. (Ảnh: Thanh niên)
Con suối tìm thấy thi thể bà Mừng. (Ảnh: Thanh niên)

Cần làm rõ tại sao mương nước không có nắp đậy?

Như Báo PLVN đã thông tin, vào khoảng 17h5 chiều 21/9, bà Trần Thị Mừng (tạm trú tại ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1) trong lúc đi bộ dọc đường Đức Huy  - Thanh Bình, đoạn thuộc ấp Dốc Mơ (xã Gia Tân, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) không may lọt xuống mương nước ven đường và bị nước cuốn mất tích. Mặc dù người dân phát hiện đã lập tức chạy ra ứng cứu nhưng không kịp.

Sau 2 ngày tìm kiếm, lúc 9h40, ngày 23/9, đội tìm kiếm của UBND xã Gia Tân 1 phát hiện thi thể của bà Mừng tại suối Đá Dựng, đoạn thuộc ấp Đức Long 1, xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, cách nơi nạn nhân lọt mương khoảng 1km đường chim bay. Đáng chú ý, cũng tại đoạn đường này, trước khi bà Mừng gặp nạn khoảng 30 phút đã có một bé gái khoảng 8 tuổi đi học về cũng bị ngã xuống mương, nhưng được người dân xung quanh cứu kịp thời.

Vậy để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên thì trách nhiệm thuộc về cơ quan hay tổ chức nào? Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, gần đây không chỉ có một vụ việc bà Trần Thị Mừng mà còn nhiều vụ việc thương tâm khác tương tự như vậy. Do đó, tình trạng này mang tính chất nghiêm trọng, cần xem xét trách nhiệm của các cá nhân hoặc tập thể về việc tại sao mương nước lại không có nắp khiến xảy ra những việc thương tâm như trên.

Để xem xét trách nhiệm thì LS Hùng cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ nguyên nhân từ đâu mương nước không có nắp đậy như: Từ khâu thiết kế kỹ thuật, khâu thi công hay cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, sửa chữa, bảo dưỡng.

Thứ nhất, tại khâu thiết kế công trình mương nước, nếu có đủ căn cứ cho rằng thiết kế mương nước không có nắp nên khiến nạn nhân bị rơi xuống thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bên thiết kế.

Trường hợp thứ 2, nếu thiết kế nắp mương nước đầy đủ thì cần xem xét đến việc thi công của công nhân đã đảm bảo đúng thiết kế chưa, nếu phát hiện là do lỗi của bên thi công thì bên thi công sẽ phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Còn trong trường hợp thứ 3, nếu cả khâu thiết kế và thi công đều đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, không xảy ra vấn đề gì thì khi đó cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý dự án đó.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo đó, LS Hùng cho biết, tùy vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng thì bên vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015 hoặc tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 BLHS 2015. Ngoài ra, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng
Luật sư Nguyễn Đức Hùng 

Về hình thức xử lý, LS Hùng cho biết, trong trường hợp có căn cứ xác định người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điểm a Khoản 1 Điều 360 Luật BLHS 2015 thì người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm:

“1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên”.

Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Khoản a Điểm 1 Điều 298 BLHS 2015 thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a, “Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.

Được biết, tuyến đường Đức Huy - Thanh Bình thuộc UBND huyện Thống Nhất quản lý, có chiều dài khoảng 7,1km, rộng 7m, hai bên có hệ thống mương thoát nước hở dọc tuyến đường (rộng 0,6m và cao 0,6m). Năm 2006, tuyến đường này được duy tu, sửa chữa bằng nguồn kinh phí của huyện Thống Nhất.

Đọc thêm