Dùng “luật rừng” phá sạch nhà người khác
Bà Hồ Thị Hà (SN 1972, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) có đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, tố cáo ông Hà Uy Nghiêm (SN 1979, ngụ TP HCM) về hành vi cho hàng chục người đến phá nhà của bà. Bà bức xúc với việc công an huyện Phú Quốc không thụ lý đơn tố cáo của bà vì cho rằng hành vi của ông Nghiêm là dân sự.
Theo trình bày của bà Hà, phần đất tranh chấp với ông Nghiêm có diện tích 665,5 m2 nằm trong tổng diện tích 1300 m2 mà bà và chồng là ông Hồ Văn Sĩ (đã chết) khai phá từ năm 2001. “Năm 2001, thấy tôi nghèo khổ, cán bộ ấp Bến Tràm đã chỉ cho vợ chồng tôi phần đất này để khai phá. Nói là đất nhưng khi đó toàn rừng và bị ngập nước. Vợ chồng tôi khai phá được 1300 m2 vừa canh tác vừa làm nhà để ở. Năm 2003, ấp đã lập biên bản xác nhận ranh giới sử dụng phần đất mà vợ chồng tôi khai phá, sử dụng. Theo đó, phía đông giáp đường đi, phía tây giáp đất ông Lê Văn Năm, phía nam giáp đất trống (xã quản lý), phía bắc giáp đất ông Trực”, bà Hà nói.
Theo bà Hà, phần đất 1 300 m2 có hàng rào bằng cột cây tràm và dây kẽm gai. Năm 2010, bà Hà và ông Sĩ ly hôn, tự thỏa thuận chia 1300 m2 đất làm hai phần, vợ được 634,5 m2, chồng được 665,5 m2. Bà Hà trình bày: “Phần đất chồng cũ tôi có một căn nhà bằng lá. Còn hai đứa con lúc ở với tôi, lúc ở bên nhà cha. Chồng cũ tôi bị khuyết tật nên không đi đăng ký quyền sử dụng đất được. Phần đất của tôi, tôi đăng ký từ năm 2010 và được cấp sổ đỏ năm 2015. Năm 2012, chồng cũ tôi bị tai nạn chết, không để lại di chúc. Tôi và các con tiếp tục sử dụng phần đất của chồng cũ”.
Tháng 3/2017, trên phần đất của chồng cũ, bà Hà xây dựng một ngôi nhà bằng tôn, khung thép và ở được nhiều tháng. Theo bà Hà, căn nhà trị giá 300 triệu. Thời điểm bà Hà xây nhà, sử dụng, không có bất cứ cơ quan nào đến lập biên bản xử lý hay người nào đến tranh chấp, ngăn cản.
“Sau đó cán bộ ấp có dắt theo một người đến đo đất. Cán bộ ấp nói rằng đo định vị, không liên quan đến căn nhà. Nhưng đo xong là có người đến phá nhà của tôi”, bà Hà nói. Theo bà Hà và biên bản được lập, phần đường đi dài 17m từ đường chính vào nhà bà Hà bị xe cuốc đào bới và có bảy cột bê tông liền kề cũng bị đào, di chuyển đi đâu không rõ. Ngày 12/9/2017, có hai người đến đòi đào cột mốc nhưng bà Hà không cho. Tuy nhiên, vào khoảng 18h, ngày 14/9/2017, lợi dụng lúc gia đình bà Hà không có người ở nhà, ai đó đã mang xe cuốc đến đào bới phá hoại.
Vụ việc tranh chấp giữa bà Hà và ông Nghiêm xảy ra. Ngày 22/11/2017, UBND xã Cửa Dương tổ chức hòa giải. Tại biên bản hòa giải không thành, ông Nghiêm (do người được ủy quyền trình bày) cho rằng căn nhà bà Hà xây dựng nằm trên đất của ông nhận chuyển nhượng từ người có tên Trần Đức Vũ và đã được cấp sổ đỏ, nên yêu cầu bà Hà tháo dỡ, di dời trong vòng tám ngày. Bà Hà nói rằng nhà xây trên đất của chồng mình nên không đồng ý với ý kiến trên.
Hòa giải không thành, theo luật, tiến trình vụ tranh chấp phải được đưa ra tòa án. Thế nhưng không hiểu tại sao, sự việc “tự cưỡng chế theo kiểu luật rừng”. Theo đó, vào khoảng 13h30 ngày 08/12/2017, ông Nghiêm bị cho là cùng nhiều người đến đập phá, tháo dỡ căn nhà của bà Hà
Bà Hà ttoos cáo: “Họ kéo gần 20 người đến, toàn thanh niên. Tới nơi, họ hỏi “chủ nhà đâu rồi”. Thấy họ hung hăng, tôi sợ quá, không dám nhận mình là chủ nhà vì sợ bị đánh. Họ ngang nhiên phá nhà của tôi giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Tôi gọi điện cho công an xã và lãnh đạo ấp đến nhưng họ không có hành động can ngăn nào. Sau khi nhóm người tháo dỡ sạch căn nhà và chở toàn bộ đi đâu không rõ, ấp mới lập biên bản”.
Bà Hà không đồng ý với việc không thụ lý đơn của công an Phú Quốc |
Chưa dừng lại ở đó, mấy ngày sau, phía ông Nghiêm tiếp tục cho người đến xây tường rào, đào phá cột mốc ở phần đất tranh chấp. Bà Hà và con trai ngăn cản thì xảy ra xô xát. Trong đoạn video bà Hà quay được, có nhóm thanh niên cự cãi và xông vào đánh con trai bà Hà. Bà Hà cũng cho rằng lúc ấy có gọi điện cho công an xã nhưng không thấy ai đến.
Bà Hà có đơn tố cáo hành vi của ông Nghiêm đến công an huyện Phú Quốc. Nhưng công an Phú Quốc ra thông báo trả lại đơn vì cho rằng hành vi của ông Nghiêm là dân sự chứ không phải hình sự.
Dân sự, hay hình sự?
Theo quan sát của PV, hiện trạng mảnh đất đang tranh chấp giữa bà Hà và ông Nghiêm đã bị xây tường bao quanh, đổ đất san lấp, không còn dấu vết căn nhà của bà Hà cũng như cột mốc. Bà Hà nói nhiều chứng cứ chứng minh đất của bà như cột tràm, dây thép gai... vẫn còn nằm dưới đất do bị san lấp vội vàng. Đồng thời việc san lấp này đã lấn sang phần đất mà bà được cấp chủ quyền.
Mang vấn đề bà Hà tố cáo đến UBND xã Cửa Dương, tại đây ông Nguyễn Văn Giá, cán bộ địa chính xã cho biết: “Khu đất được sang nhượng qua nhiều đời chủ đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nghiêm được cấp đổi từ Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Phú Quốc nên xã không nắm được hồ sơ và nguồn gốc đất như thế nào”.
Về đất của bà Hà, cán bộ địa chính cung cấp một biên bản xét duyệt hồ sơ cấp đất vào năm 2010 có tên bà Hà. Cán bộ địa chính cho rằng vợ chồng bà Hà chỉ khai phá được 634,5 m2 chứ không phải 1300 m2. “Thời điểm đó, vợ chồng họ đã ly hôn nên chúng tôi buộc bà ấy nộp thêm giấy thỏa thuận phân chia tài sản. Bà Hà nộp bổ sung nên chúng tôi cấp 634,5 m2 cho bà Hà”, ông Giá nói. Tuy nhiên, có một điều lạ là xã không còn lưu hồ sơ cấp đất cho bà Hà hay ông Nghiêm, như cán bộ địa chính thừa nhận.
Phản bác vấn đề này, bà Hà nói có nộp giấy thỏa thuận phân chia tài sản, trong đó ghi rõ nội dung chồng cũ chấp nhận cắt 1/2 mảnh đất rộng 1300 m2 (diện tích 634,5 m2) cho bà để bà làm sổ đỏ, phần còn lại củachồng là 665,5 m2. Giấy thỏa thuận đó đã nộp kèm hồ sơ đăng ký đất đai.
Ông Lê Bá Tình, trưởng công an xã Cửa Dương thì cho rằng: “Việc giữa bà Hà và ông Nghiêm là tranh chấp dân sự. Công an xã chỉ bảo đảm an ninh trật tự. Chuyện bà Hà bị đánh, công an xã chưa nhận được đơn tố cáo”.
Còn ông Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Phú Quốc cho biết: “Bà Hà xây dựng căn nhà trên đất ông Nghiêm được cấp sổ đỏ. Nếu đúng quy trình, ông Nghiêm phải phản ánh đến chính quyền và chính quyền ra quyết định tháo dỡ, di dời công trình do bà Hà xây dựng trái phép. Ông Nghiêm tự ý tháo dỡ, di dời đi nơi khác là sai”.
Dù nhận định hành vi của ông Nghiêm là sai, nhưng ông Trung cho rằng sai về mặt dân sự chứ không phải hành vi hình sự. Vì thế, công an huyện Phú Quốc trả lại đơn cho bà Hà là đúng quy định. Ông Trung nói nếu bà Hà thấy thiệt hại về tài sản có thể kiện ra tòa dân sự yêu cầu bồi thường.
Căn nhà lúc xây dựng hoàn chỉnh (bên phải) và thời điểm bị người tranh chấp dùng vũ lực tháo dỡ |
Phía Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Quốc yêu cầu PV để lại câu hỏi và nội dung để cơ quan này trả lời bằng email. Tuy nhiên nhiều ngày trôi qua, PV vẫn chưa nhận được phản hồi về nguồn gốc đất, quá trình chuyển đổi, sang tên đổi chủ phần đất hiện ông Nghiêm đang đứng tên. Trong khi đó, theo một nguồn tin, phần đất ông Nghiêm đứng tên hiện là dự án phân lô bán nền.
PV tiếp tục tìm đến địa chỉ của ông Nghiêm tại TP HCM để làm rõ vấn đề tố cáo của bà Hà. Tuy nhiên, ông Nghiêm không còn ở địa chỉ đã ghi trong giấy ủy quyền. PV liên lạc với ông Nghiêm qua điện thoại nhưng ông Nghiêm không nghe máy, nhắn tin không trả lời.
Bà Hà cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại sự việc lên cấp có thẩm quyền.
Theo Thạc sĩ – Luật gia Đồng Mạnh Hùng: “Nếu thông tin đúng như phản ánh thì hành vi của nhóm người thực hiện việc phá nhà của bà Hà có dấu hiệu của hành vi “Huỷ hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Bởi việc tranh chấp phát sinh sau khi bà Hà đã xây dựng nhà và sinh sống ổn định. Do đó, nhà trên phần đất này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bà Hà. Ông Nghiêm có quyền khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Toà án buộc bà Hà tháo dỡ nhà nếu cho rằng bà Hà xây nhà trên đất của ông”.
Chuyên gia pháp lý này cũng cho rằng cơ quan điều tra cần khởi tố ngay vụ án để điều tra xử lý hành vi huỷ hoại tài sản. Nếu không xử lý nghiêm, vụ việc sẽ tạo ra tiền lệ xấu khi các bên chọn giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, “luật rừng”, gây bất ổn xã hội.