Vụ vỡ đường ống nước sông Đà: Đề nghị xử phạt bị cáo “đầu vụ” từ 36 đến 42 tháng tù

(PLO) - Ngày 7/3, phiên xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà bước sang ngày làm việc thứ 3 với phần thẩm vấn của các luật sư. 
Đại diện Viện kiểm sát tại tòa
Đại diện Viện kiểm sát tại tòa

Sau gần 3 ngày xét hỏi, chiều 7/3, phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nộị (Dự án) chuyển sang phần luận tội. Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ nguyên quan điểm truy tố trong cáo trạng và đề nghị HHĐX tuyên phạt Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án), Trần Cao Bằng (nguyên Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Vinaconex), mỗi bị cáo từ 36 tháng tù đến 42 tháng tù.

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, HĐXX mời nhiều luật sư tham gia xét hỏi. Bào chữa cho bị cáo Trần Cao Bằng (SN 1954), nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex, luật sư Nguyễn Đình Hưng xin HĐXX cho mình được hỏi ông Nguyễn Văn Tuân – người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trả lời câu hỏi của luật sư Hưng, ông Tuân cho biết Tổng Công ty Vinaconex có nhiều chức năng, trong đó có cả chức năng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước. Trước khi thực hiện dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, Vinaconex đã thực hiện dự án cấp nước cho khu công nghiệp Dung Quất.

“Khi thực hiện đầu tư dự án này, chúng tôi nhận thức rằng lúc đó trong nước không có vật tư ngành nước, hoàn toàn nhập khẩu. Sau khi chúng tôi nghiên cứu rất cẩn thận, chúng tôi thấy chúng ta phải chủ động. Khi chúng ta tự sản xuất được thì hiệu quả kinh khủng, giải quyết ngoại tệ, vấn đề lao động… Đây là vật liệu mới, công nghệ mới, khi làm rất khó, không dễ tí nào” - ông Tuân nói, đồng thời cho biết họ gọi các bị cáo là đồng nghiệp, đồng đội với tâm huyết xin dự án cấp nước cho dân.

Nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Vũ Thanh Hải (SN 1960, ở quận Đống Đa), nguyên Trưởng phòng Sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex đặt các câu hỏi với bị cáo, điều tra viên. Luật sư Trần  Đình Triển nói: “Trong hồ sơ vụ án có 2 bản kết luận giám định, trong đó có Công văn 107 nằm trong hồ sơ vụ án có đóng dấu mật. Tôi đề nghị điều tra viên xác định giúp bởi đây là vụ án công khai. Tài liệu đóng dấu mật, đến nay đã được giải mật chưa?”.

Điều tra viên cao cấp Nguyễn Văn Trung cho biết ông tham gia vụ án ngay từ giai đoạn đầu. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra ra 2 yêu cầu trưng cầu giám định để làm rõ vụ án, nguyên nhân vỡ, chất lượng độ bền. “Theo quy định, chúng tôi phải cung cấp hồ sơ, phối hợp với cơ quan giám định bởi đây là vụ án có tính đặc thù do công trình đang sử dụng, dừng cấp nước thì không được phép nên phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để xác định rõ nguyên nhân. Từ thời điểm trưng cầu tới khi đưa ra kết luận lần 1 là 8 tháng” - ông Trung thông tin.

Cũng theo lời ông Trung, sau khi có kết luận 1 thì có một số vấn đề cần làm rõ thêm nên cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định bổ sung gửi Bộ Xây dựng. Sau đó Bộ Xây dựng có văn bản trả lời. “Trên văn bản, thể thức không ghi trả lời kết luận nhưng nội dung là kết luận giám định và trên văn bản có đóng dấu mật. Tôi có làm việc với đơn vị ban hành văn bản thì nói họ chịu trách nhiệm về việc ban hành này” - điều tra viên nói.

Trước câu trả lời trên, luật sư Triển nhấn mạnh việc đã đóng dấu mật thì theo pháp luật chỉ được sử dụng công khai khi đã được giải mật. “Đã có văn bản nào giải mật chưa?” - luật sư Triển hỏi và điều tra viên đáp: “Cơ quan ban hành trả lời thể thức văn bản có đóng dấu mật, đã thực hiện theo các trình tự thủ tục để làm chứng cứ vụ án…”.

Kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến an toàn công cộng. Các bị cáo đều là những người có nhiều năm công tác trong ngành Xây dựng nhưng lại vi phạm các quy định trong ngành. Ngoài ra, tuyến ống liên tục bị vỡ (18 lần vỡ) khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, gây dư luận xấu trong xã hội.

Qua lời khai của các bị cáo, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận một phần trách nhiệm. Quá trình công tác, các bị cáo đều có thành tích nên mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo. Trong vụ án này, bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội), Nguyễn Văn Khải (nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý), Trương Trần Hiển là những người có trách nhiệm tổ chức thực hiện với vai trò của chủ đầu tư, đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận, dùng trong dự án đảm bảo chất lượng với đại diện nhà thầu cung cấp. Trong đó, Viện kiểm sát xác định bị cáo Trung, Hiển chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại như đã nêu trên. 

Bị cáo Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải là nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh cho dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội. Bị cáo Bằng, Hải đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà đơn vị này đã sản xuất và cung cấp cho dự án đảm bảo chất lượng với đại diện chủ đầu tư. Kết quả điều tra cho thấy, trong số ống composite cốt sợi thủy tinh mà Bằng và Hải đã ký xác nhận nghiệm thu, công nhận sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế, đã bị 18 lần vỡ ống với 23 cây ống bị vỡ, gây ra hậu quả thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Trung mức án từ 36 – 42 tháng tù, bị cáo Khải mức án từ 30 – 36 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. 7 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án thấp nhất từ 12 tháng tù (cho hưởng án treo) đến cao nhất 42 tháng tù cùng về tội danh trên.

Hôm nay (8/3), HĐXX tiếp tục làm việc. 

Đọc thêm