Đặc biệt, công ty cho biết dự án này đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường hơn 1 năm qua và Sở này đã trình hồ sơ lên UBND TP Hồ Chí Minh để quyết định giao đất cho công ty thực hiện dự án.
Thông tin từ UBND Quận 7 cho biết, quận vừa tổ chức kiểm tra công tác thi công xây dựng dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ. Qua kiểm tra cho thấy, dù dự án chưa được UBND TP.HCM giao đất; chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khu nhà ở thấp tầng, xây dựng xong hồ điều hòa; đang xây dựng đường giao thông; đang thi công ép cọc thử tải khối chung cư 27 tầng của dự án, nên đã lập biên bản yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công dự án, hoàn chỉnh pháp lý trong vòng 60 ngày.
Lãnh đạo Cty Hưng Lộc Phát cho biết: Dự án có tổng diện tích hơn 52.648m2, công ty đã tự thỏa thuận chuyển nhượng, bồi thường 100% đất. Đồng thời dự án đã có nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: Ngày 29/1/2018, UBND TP.HCM có Quyết định số 393/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch sử dụng đất; ngày 16/6/2015 UBND TP.HCM có Văn bản số 3333/UBND-ĐTMT công nhận chủ đầu tư; ngày 3/4/2018 UBND TP.HCM có Quyết định số 1280/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận Cty Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư dự án; UBND Quận 7 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 v.v...
Đặc biệt chủ đầu tư khẳng định theo Điểm e, Khoản 1, Điều 89 của Luật Xây dựng thì dự án Green Star Sky Garden được miễn giấy phép xây dựng. Đồng thời, công ty đã rất nỗ lực để hoàn tất những thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, nên ngày 4/6/2018 đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường và ngày 8/4/2019 Sở này có Văn bản số 5288/STNMT-QLĐ trình lên UBND TP.HCM xem xét chấp thuận giao đất cho công ty để thực hiện dự án và UBND TP.HCM cũng đang trong quá trình xem xét để quyết định giao đất.
"Theo quy định hiện hành, khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ được miễn giấy phép xây dựng đối với mỗi biệt thự có diện tích sàn dưới 500 m2 và thấp hơn 7 tầng, nên việc triển khai khu thấp tầng của dự án Green Star Sky Garden là phù hợp. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật", đại diện chủ đầu tư nói.
Dự án nằm trên trục đường Nguyễn Lương Bằng, Phường Phú Mỹ, trung tâm thương mại và tài chính của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7 |
Trao đổi với báo chí về trường hợp này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất Động sản (BĐS) TP.HCM, cho rằng các dự án BĐS đều vướng như trường hợp trên mặc dù bản thân hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đã từng kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ. Theo đó, dự án có khoảng 14% đất công xen cài (nhiều dự án khác chỉ có tỷ lệ đất công trên dưới 10% diện tích), mà Sở Tài nguyên và Môi trường không trình lên UBND TP.HCM như Hiệp hội đã đề nghị tháo gỡ chung cho các dự án tương tự. Trong khi đó, Nghị định 43/2014; Nghị định 01/2017 cho phép đất công xen cài trong “dự án sản xuất, kinh doanh” thì chủ đầu tư được thuê đất.
Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM lại yêu cầu trong Nghị định phải ghi rõ “nhà ở”, tức là “dự án sản xuất, kinh doanh, nhà ở” thì mới giải quyết. Trong lúc Luật Kinh doanh BĐS đã quy định rõ thế nào là kinh doanh BĐS, dự án nhà ở thương mại là dự án kinh doanh. "Chính những quy định như thế đã đẩy các doanh nghiệp BĐS đang đứng trước rủi ro cực kỳ to lớn, có thể bị phá sản thật sự", ông Châu nói thêm.
Theo ông Châu, những tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp lo ngại trước tình trạng nhiều dự án BĐS bị ách tắc, không được cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ BĐS. Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố).
Nguyên nhân khách quan do hệ thống pháp luật vẫn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết... nên gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo một công ty BĐS ở TP.HCM tâm sự: "Trong tình hình như hiện tại, doanh nghiệp chúng tôi gần một năm qua vẫn không có gì làm, không ra được dự án. Nếu việc này kéo dài, chắc chắn sẽ đẩy chúng tôi rơi vào khó khăn chồng chất, trong khi đó mọi hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án đều được thực hiện khá đầy đủ, nhưng qua thăm hỏi ý kiến thì được biết không bộ phận nào ký chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn".
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land cũng cho rằng khó khăn trong thủ tục pháp lý kéo dài sẽ dẫn đến sự đình trệ của các dự án BĐS đưa vào triển khai trong năm 2019. Điều đó sẽ dẫn đến chi phí sẽ ngày càng gia tăng, doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro lớn về tài chính và quan trọng hơn hết là gây ra sự lãng phí về nguồn lực xã hội do sự ách tắc, đình trệ này. Cho nên cần có cơ chế đủ thông thoáng và minh bạch để khơi thông nguồn lực của thị trường, tạo điều kiện cho những dự án tốt, những chủ đầu tư có đủ năng lực yên tâm phát triển trong dài hạn.
"Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn nữa. Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá BĐS; Nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản. Điều này bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường BĐS", Chủ tịch HoREA cho biết thêm.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, từ đầu năm đến nay số lượng cấp phép các dự án nhà ở thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%; các dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm mạnh…