Chống người thi hành công vụ
Ngày 26/5/2017, tổ công tác đội cảnh sát giao thông – trật tự - phản ứng nhanh Công an huyện Mỹ Đức (Công an TP. Hà Nội) đang thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực thôn La Đồng (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức) thì phát hiện Trần Văn Thăng đang điều khiển xe công nông tự chế đi từ đường 424 về thôn La Đồng.
Thực hiện phân công của tổ trưởng, cán bộ Cảnh sát giao thông Trần Đăng Huân (Đội CSGT huyện Mỹ Đức) đã sử dụng mô-tô chuyên dụng mang BKS 29A1-00060 đuổi theo và ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Sau khi yêu cầu Trần Văn Thăng dừng phương tiện, anh Trần Đăng Huân đã thông báo lỗi vi phạm và yêu cầu anh Thăng xuất trình giấy tờ. Do anh Thăng không xuất trình được giấy tờ nên anh Huân đã yêu cầu Thăng đánh xe vào lề đường để lập biên bản. Ngay lập tức, Thăng nhảy lên xe công nông và điều khiển xe đi tiếp, thấy vậy, anh Huân cũng nhảy lên xe và giằng co vô lăng cùng với Thăng để ngăn không cho Thăng điều khiển xe công nông nhưng xe vẫn lao về phía rệ đường nên anh Huân nhảy xuống, còn Thăng tiếp tục điều khiển xe chạy về phía thôn La Đồng.
Anh Huân điều khiển xe mô-tô vượt lên trước để chặn đầu xe công nông và yêu cầu Thăng dừng lại. Tuy nhiên, Thăng không dừng xe mà tiếp tục điều khiển xe công nông đâm thẳng vào xe mô-tô của anh Huân. Ngay lúc đó, anh Huân nhảy lên xe công nông yêu cầu Thăng dừng lại Thăng nhưng Thăng vẫn không chịu dừng xe mà tiếp tục điều khiển xe đâm thẳng và kéo lê xe mô-tô hơn 300m đến khu vực cầu La Đồng thì xe công nông chết máy, Thăng xuống xe, bỏ đi khỏi hiện trưởng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Mỹ Đức tiến hành khám nghiệm hiện trường, đồng thời yêu cầu thu giữ tang vật về trụ sở để điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, do sự ngăn cản của một số thành viên trong gia đình Thăng nên đến ngày 15/6/2018 (sau hơn 20 ngày) Cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Đức mới mang được hai chiếc xe rời hiện trường.
Kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy các dấu vết va chạm giữa xe mô-tô và xe công nông tự chế gây ra các hư hỏng một số chi tiết (đèn xi nhan, đèn pha, công tắc, còi hú, bình xăng…) trên xe mô-tô BKS 29A1-00060. Tổng số thiệt hại được Hội đồng thẩm định giá tài sản là 2.234.000 đồng (Hai triệu hai trăm ba mươi tư nghìn đồng).
Cố ý làm hư hỏng hay hủy hoại tài sản?
Ngày 23/01/2018, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Mỹ Đức ban hành Cáo trạng số 12/CT-VKS truy tố bị cáo Trần Văn Thăng tội Cố ý hủy hoại tài sản theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015).
Ngày 31/8/2018, TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Trần Văn Thăng (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) về hành vi chống đối người thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản công.
Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm, Hội đồng xét xử - (HĐXX) do thẩm phán Hoàng Mạnh Thắng làm chủ tọa, đã đưa ra các nhận định: hành vi của bị cáo Trần Văn Thăng không cấu thành tội hủy hoại tài sản mà cấu thành tội cố ý làm hư hỏng tài sản.
Cụ thể, HĐXX căn cứ vào Điều 114, Bộ luật Dân sự 2015, quy định: “vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một hoặc trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút”. Căn cứ vào kết luận định giá tài sản và quan điểm của các thành viên trong HĐXX, các chi tiết bị hư hỏng trên chiếc xe mô-tô mang BKS 00061 chỉ là bộ phận riêng lẻ, cấu thành nên chiếc mô-tô. Các bộ phận bị hỏng chỉ làm giảm tính năng của xe mô-tô chứ không làm mất hoàn toàn giá trị và giá trị sử dụng. Vì thế, Cáo trạng của VKSND huyện Mỹ Đức truy tố bị cáo Trần Văn Thăng tội hủy hoại tài sản là không đúng tội danh; không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà bị cáo phải bị xét xử về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015.
Ngoài ra, HĐXX cũng nhận định, bị cáo Trần Văn Thăng không có tình tiết tăng nặng, bởi bị cáo đã biết ăn năn, hối lỗi, cũng như phạm tội lần đầu, là con của người có công với cách mạng. Vì vậy, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, i, s thuộc khoản 1 và khoản 2, Điều 51 BLHS 2015. Đồng thời, HĐXX cũng cho rằng, hành vi của bị cáo không cần thiết phải áp dụng hình thức phạt tù mà chỉ cần áp dụng Điều 65 BLHS để xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo cũng đủ tác dụng giáo dục.
Vì thế, HĐXX đã ra Bản án số 46/2018/HS-ST Quyết định: bị cáo Trần Văn Thăng phạm tội “cố ý làm hư hỏng tài sản”, xử phạt 2 năm 6 tháng tù treo, thời gian thử thách là 5 năm. Đồng thời, giao cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Bản án không nghiêm minh
Sau khi TAND huyện Mỹ Đức ra Bản án số 46/2018/HS-ST, nhận thấy bản án không nghiêm minh, vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, ngày 14/9/2018 VKSND huyện Mỹ Đức Đức đã ra Quyết định số 03/QĐ-VKS-MĐ kháng nghị Bản án. Đề nghị TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Cụ thể, VKSND huyện Mỹ Đức nhận thấy, hành vi sử dụng xe công nông tự chế có kích cỡ và trọng lượng lớn, lao thẳng vào xe mô-tô đã bị kẹt dưới gầm trước của công nông buộc bị báo Trần Văn Thăng phải nhận thức được nếu công nông đi tiếp, xe mô-tô sẽ bị phá hủy. Thế nhưng, Thăng không dừng lại mà vẫn điều khiển xe công nông đẩy, kéo lê xe mô-tô cho đến khi không đi được nữa mới dừng và rời khỏi hiện trường. Như vậy, hành vi của Thăng thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, việc xe mô-tô không bị phá hủy hoàn toàn nằm ngoài ý định chủ quan của Thăng. Do vậy, đủ căn cứ để xác định bị cáo đã phạm tội “hủy hoại tài sản” chứ không phải tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” như quyết định của bản án.
Thêm nữa, bị cáo Thăng lưu hành xe công nông tự chế là loại xe đã bị cấm lưu hành nhưng khi Tổ công tác của Công an huyện Mỹ Đức yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm thì Thăng không chấp hành mệnh lệnh mà còn dùng công nông làm phương tiện gây án. Hành vi của Thăng thể hiện ý thức cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, coi thường kỷ cương pháp luật. Sau khi gây ra hậu quả, bị cáo bỏ đi, để thân nhân gia đình ra cản trở, thách thức lực lượng chức năng mang vật chứng về bằng việc sử dụng chất cháy (rơm khô và xăng) để đe dọa cơ quan CSĐT. Với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Thăng là nghiêm trọng, VKSND huyện Mỹ Đức quyết định truy tố bị cáo theo điểm e khoản 2 Điều 178 BLHS (sửa đổi) năm 2017 với tình tiết định khung tăng nặng “vì lý do công vụ của người bị hại” là có căn cứ và đúng pháp luật.
Tuy nhiên, bản án số 46/2018/HS-ST, ngày 31/8/2018 của TAND huyện Mỹ Đức lại cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm i, khoản 1, Điều 51 BLHS là “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là không có cơ sở.
Ngoài ra, tại phiên tòa bị cáo Thăng quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà đổ lỗi cho anh Nguyễn Đăng Huân là thành viên của Tổ công tác nhưng HĐXX vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s Khoản 1, Điều 51 BLHS là :”người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là không có có sở.
Vì vậy, VKSND huyện Mỹ Đức cho rằng bản án số 46/2018/HS-ST, ngày 31/8/2018 của TAND huyện Mỹ Đức là chưa nghiêm minh, vi phạm khoản 1, Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng ngừa tội vi phạm, tội phạm.