“Vùng đất” không chỉ dành riêng cho nam giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng năm, Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia - giải thưởng quốc tế đầu tiên dành cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ - đã tôn vinh rất nhiều nhà khoa học nữ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng học bổng cho 3 nữ sinh chuyên Toán tại Lễ trao giải Kovalevskaia năm 2021.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng học bổng cho 3 nữ sinh chuyên Toán tại Lễ trao giải Kovalevskaia năm 2021.

Từ năm 2016, Quỹ Giải thưởng Kovalevskaia tặng học bổng hằng năm cho nữ sinh chuyên Toán xuất sắc. Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học nữ và học sinh, sinh viên diễn ra hàng năm đã góp phần truyền cảm hứng, khích lệ thế hệ trẻ học tập, noi gương các thế hệ đi trước trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển đất nước.

Năm nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia trao học bổng Kovalevskaia năm 2022 cho 03 nữ sinh chuyên Toán có thành tích học tập xuất sắc của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội: Em Đặng Minh Ngọc, Lớp 12A2 Toán, em Nguyễn Hằng Linh, Lớp 11A2 Toán và em Trần Quỳnh Trang, Lớp 10A2 Toán.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng học bổng cho 3 em nhằm biểu dương, khích lệ tinh thần học tập của các em với mong muốn các em không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong học tập, nghiên cứu và tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp lớp thế hệ các nhà khoa học, góp phần làm rạng danh dân tộc Việt Nam.

Nữ trí thức đã và đang là nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển đất nước. Các nhà khoa học nữ đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đời sống mang tính nhân văn sâu sắc và mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhưng vì nhiều lý do, phụ nữ theo đuổi lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) đến nay vẫn không nhiều. Trên thế giới, theo UNESCO, chỉ có 29% số người làm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học là phụ nữ. Còn ở Việt Nam, hiện vẫn có nhiều định kiến đặt ra đối với phụ nữ như: phụ nữ không giỏi bằng nam giới nên khó có thể làm ngành khó như STEM, hay phụ nữ không đủ sức khỏe để làm ngành vất vả này, phụ nữ còn phải dành thời gian chăm sóc gia đình, trong khi ngành STEM rất bận rộn.

Thậm chí, khi tuyển dụng vào ngành STEM, lúc phỏng vấn các bạn nam có thể chia sẻ về các định hướng tương lai, những việc các bạn có thể làm được và có thể được nhà tuyển dụng ghi nhận là yếu tố để thoả thuận công việc và mức lương. Trong khi đó, em gái - phụ nữ khi tham gia tuyển dụng phải chứng minh về việc mình đã làm được để có thể được ghi nhận và tuyển dụng.

Từ thực trạng đó, với mong muốn truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực STEM, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) với sự hỗ trợ tài chính của Tập đoàn 3M thực hiện dự án STEMHerVN - “Thúc đẩy sự tham gia của em gái và phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học”. Một trong những hoạt động của dự án là tổ chức hoạt động truyền thông tại trường học nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng để các bạn học sinh tự tin theo đuổi đam mê và nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM.

Trung tuần tháng 5/2022, Chương trình truyền thông STEMherVN đã được tổ chức ở Trường THPT Vân Nội, Hà Nội – nơi mà từ những ngày đầu tiên thực hiện, dự án STEMherVN đã nhận được sự phối hợp, đồng hành tích cực của Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo và các bạn học sinh. Đặc biệt, đã có 8 nữ sinh ưu tú và định hướng theo học các ngành STEM được tuyển chọn để trở thành Đại sứ STEMherVN.

Đại diện nhà trường, bà Đặng Thị Yến – Hiệu trưởng cho biết: “Với việc tham gia vào dự án STEMherVN, chúng tôi muốn khích lệ các em học sinh nữ mạnh dạn, tự tin theo đuổi ước mơ để tỏa sáng trong lĩnh vực STEM. Nhà trường, gia đình cam kết sẽ luôn bên cạnh đồng hành cùng các em nhằm xoá bỏ định kiến xưa cũ để cùng các em vươn đến thành công”.

Tại Chương trình truyền thông STEMherVN, trước tình huống một nữ sinh bị bố mẹ phản đối theo học ngành cơ khí vì cho rằng “phụ nữ học STEM sẽ khô khan, là đầu to, mắt cận, chỉ dành cho nam giới”, Thảo – học sinh lớp 10 đã chọn cách giải thích với bố mẹ rằng: “Không có giới hạn nào về giới tính cho việc lựa chọn nghề nghiệp” và đưa ra những ví dụ về những phụ nữ đã thành công trong lĩnh vực STEM. Chương trình cũng giới thiệu cuộc thi Sáng kiến STEMherVN – sân chơi để các bạn trẻ yêu thích STEM, đặc biệt các bạn nữ có thể sáng tạo và nộp ý tưởng/dự án ứng dụng STEM vào giải quyết các vấn đề của xã hội…

Chuỗi hoạt động truyền thông STEMherVN sẽ tiếp tục được thực hiện tại các trường trung học, đại học tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 5 với thông điệp: “STEM không phải là khô khan, STEM cũng không phải là đầu to, mắt cận và không phải chỉ dành cho nam giới. Các em, các bạn gái nếu đam mê bộ môn STEM hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình, đừng tự hạn chế bản thân bởi bất cứ điều gì”.

Đọc thêm