Vườn Quốc gia Ba Bể: Tràn lan tình trạng xây dựng trái phép

(PLVN) - Hồ Ba Bể được công nhận và xếp hạng là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đặc biệt, cần phải được bảo tồn nguyên trạng. Tuy nhiên, khu vực này đang bị xâm hại nghiêm trọng, cảnh quan dần bị phá vỡ bởi tình trạng xây dựng nhà ở, nhà nghỉ trong vùng lõi, vùng đệm của di tích. Đáng nói, chính quyền địa phương lại đang cực kì lúng túng khi xử lý vấn đề này.
Thôn Pắc Ngòi với các công trình xây dựng trái phép, khiến cảnh quan bị phá vỡ
Thôn Pắc Ngòi với các công trình xây dựng trái phép, khiến cảnh quan bị phá vỡ

Di tích đặc biệt bị băm nát

Khu du lịch Vườn Quốc gia Ba Bể ngày càng thu hút du khách với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp cùng nhiều di tích văn hóa, lịch sử, là điểm nhấn cho sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng người dân xây dựng nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nhà ở… không phép, không theo quy hoạch đang dần phá vỡ cảnh quan nơi đây. 

Những căn nhà này vẫn ngang nhiên mọc lên ngày càng nhiều. Một nhà xây được thì cũng có hai, ba nhà khác mọc lên. Việc “mạnh ai người nấy xây” khiến khu di tích bị băm nát diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực xã Nam Mẫu.

Những khu vực bị xâm hại nhiều và nặng nề nhất là các thôn Cốc Tộc, Pắc Ngòi và Bó Lù thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Ba thôn này nằm lọt trong vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia, nhưng do quản lý lỏng lẻo của chính quyền, thời gian qua một số hộ dân, cá nhân của các thôn này đã vô tư xây dựng nhà nghỉ, nhà ở và hàng quán trái phép. 

Tại thôn Pắc Ngòi, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những ngôi nhà sàn đặc trưng gần hồ Ba Bể, đang dần bị phá vỡ. Thay vào đó là những ngôi nhà tầng, bê tông cốt thép cao từ 5 đến 7 tầng. Hàng chục ngôi nhà như vậy cứ được xây san sát nhau đang khiến địa chỉ ưa thích của du khách muốn khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa dần biến mất. Thậm chí, việc xây dựng nhà bê tông, cốt thép tràn lan khiến tình trạng ô nhiễm chất thải, rác thải ở hồ Ba Bể ngày càng trầm trọng.

Ngoài khu vực trên, tại mép hồ Ba Bể, tình trạng xây dựng trái phép cũng diễn ra tràn lan. Nhiều căn nhà bề thế, thiết kế theo dạng biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch được xây dựng ngay sát mép hồ. Theo thống kê, kể từ năm 2016, tại xã Nam Mẫu đã có khoảng 50 ngôi nhà xây dựng trái phép. Trong số đó, không ít ngôi nhà đã xây dựng lấn chiếm trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất phục hồi sinh thái của rừng Quốc gia Ba Bể.

Theo một người dân địa phương, dọc tuyến đường ven hồ thuộc xã Nam Mẫu, tất cả các hộ dân ở đây đều chưa được cấp giấy phép xây dựng, thậm chí cả nhà của những cán bộ, lãnh đạo xã. Không ít ngôi nhà ở đây lấn chiếm và xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Bể.

Có thể nói, nhiều công trình được “cấy” vô phép đang làm ảnh hưởng giá trị của khu vực du lịch Ba Bể. Và dù việc xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn này có thể thu hút khách du lịch hoặc tạo ra sự tiện lợi trước mắt nhưng đó không tạo ra giá trị lâu dài vì phá vỡ cảnh quan, không phải là du lịch bền vững. 

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn “vô tư” mọc lên tại Nam Mẫu
Các công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn “vô tư” mọc lên tại Nam Mẫu 

Chính quyền “bất lực”

Nhiều năm nay, dường như chính quyền huyện Ba Bể như “bó tay” trước tình trạng xây dựng trái phép tại Nam Mẫu. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc chính quyền nơi đây không xử lý vi phạm trật tự xây dựng này như: Do sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật; Việc chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết của khu vực hồ Ba Bể khiến công tác quản lý xây dựng trên địa bàn càng khó khăn hơn; Cùng với đó, áp lực gia tăng dân số, phát triển kinh tế du lịch, nhiều hộ dân tại đây đã phá rào, bất chấp quy định của pháp luật để tiến hành xây dựng…

Thế nhưng, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này có thể phải nhắc đến việc sự yếu kém trong quản lý của chính quyền các cấp nơi đây. Có thể nói, chính quyền địa phương đã không quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm trật tự xảy ra trên địa bàn.

Điển hình, ngay tại mép hồ Ba Bể có một công trình xây dựng, ngay từ khi gia đình tiến hành xây dựng tầng 1, UBND huyện Ba Bể đã ban hành văn bản cưỡng chế, tháo dỡ. Tuy nhiên, không hiểu vì lí do gì, sau một thời gian, công trình này vẫn tiến hành thi công và đã hoàn thiện đến tầng 3.

Đáng nói, việc các công trình xây dựng trái phép từ trước đây vẫn chưa được xử lý, nay lại xuất hiện thêm một số công trình mới, thế nhưng, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Các công trình mới và cũ cứ ngang nhiên được xây dựng và hoàn thiện, bất chấp các quy định ngặt nghèo trong việc xây quản lý xây dựng tại khu vực di tích đặc biệt.

Từ một ngôi nhà xây dựng trái phép năm 2016, đến nay đã có thêm 50 ngôi nhà khác vi phạm về trật tự xây dựng trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể. Tại buổi họp báo với các cơ quan báo chí, lãnh đạo UBND huyện Ba Bể cũng thừa nhận còn lúng túng trong xử lý, giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể. Lãnh đạo Vườn nêu quan điểm: “Trước thực trạng xây dựng này của người dân địa phương đã làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng tới môi trường, phá vỡ kết cấu không gian khu di tích. Vì vậy, các cấp chính quyền cần sớm ban hành quy định về khung mẫu, quy hoạch chi tiết việc xây dựng tại khu vực”.

Cũng theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể, đối với các công trình xây dựng vi phạm trong phạm vi Vườn quản lý, Vườn đã làm các văn bản gửi UBND xã và huyện để xử lý theo thẩm quyền.

Trước thực trạng trên, người dân, du khách và dư luận rất mong sự vào cuộc nhanh chóng, xử lý dứt điểm của chính quyền địa phương, để khu du lịch hồ Ba Bể là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, xứng tầm là di sản thế giới.

Đọc thêm