Vướng cơ chế, trạm cân nhiều tháng bị chậm lương

(PLVN) - Năm 1993, Trạm Kiểm tra tải trọng (KTTT) Quảng Ninh được Thủ tướng ra quyết định thành lập bao gồm các lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT), Kiểm soát Quân sự (KSQS).
Ảnh VTC News
Ảnh VTC News

Năm 1996, Trạm chính thức đi vào hoạt động tại Km103+800/QL18 (phường Đại Yên, TP Hạ Long) và đến năm 2004 tạm dừng hoạt động. Đến 2007, Thủ tướng có văn bản khôi phục hoạt động thí điểm 2 Trạm KTTT xe tại Đồng Nai (Dầu Giây) và Quảng Ninh (Km103+800/QL18).

Trên cơ sở Đề án thí điểm, từ tháng 6/2010, Trạm KTTT Quảng Ninh tái hoạt động với 38 cán bộ, nhân viên thực hiện việc kiểm soát tải trọng trên 7 tuyến quốc lộ tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, khi dự án nâng cấp quốc lộ 18 theo hình thức BOT được thực hiện vào năm 2012, trạm buộc phải tháo dỡ toàn bộ hệ thống cân động dưới mặt đường, chỉ duy trì hệ thống cân tĩnh.

Tiếp đó, năm 2016, khi UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho UBND TP Hạ Long thực hiện đầu tư Dự án mở rộng QL 18 thì toàn bộ cơ sở hạ tầng (nhà cửa, trang thiết bị cân) của trạm phải phá dỡ để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Ngày 2/10/2017, Trạm KTTT di chuyển từ Km 103+800/QL18 về Km 97+050/QL18 (mượn tạm một phần mặt bằng của Trạm thu phí Đại Yên). Thiết bị để phục vụ công tác kiểm tra tải trọng các phương tiện lúc này là 2 cân lưu động do Tổng cục Đường bộ cho mượn.

Theo Trạm KTTT Quảng Ninh, từ 2016 đến hết 2019, mỗi năm trạm  được Tổng cục Đường bộ cấp kinh phí hoạt động từ 3,4-4 tỷ, bao gồm lương và chi phí thường xuyên. 

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, những năm qua mặc dù trong điều kiện vị trí làm việc bị thay đổi nhưng trạm luôn duy trì hoạt động tốt trong công tác kiểm soát tải trọng xe trên tuyến; luôn là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kiểm soát phương tiện quá khổ, quá tải trọng; góp phần bảo vệ kết cấu đường, giảm tai nạn giao thông…

Bộ GTVT cũng nhận định, công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc nói chung và trên tuyến QL18 qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng là rất cần thiết nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của mạng lưới đường bộ trong khu vực.

Thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay trạm chưa được cấp kinh phí hoạt động, 38 cán bộ, nhân viên chưa được nhận lương. Theo phản ánh của trạm thì lãnh đạo trạm đã phải đi vay ngoài để trả tiền thuê nhà phục vụ việc ăn ở cho cán bộ, nhân viên. Riêng tiền lương của cán bộ, nhân viên thì buộc phải chờ đợi. Một số người đã bỏ việc, tìm chỗ làm khác.  

Tổng cục Đường bộ xác nhận, năm 2020, dự toán chi của trạm đã được phê duyệt vào ngày 10/1/2020 là hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên đến nay khoản kinh phí này chưa được cấp dẫn tới hoạt động của trạm gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên nhân, theo Bộ GTVT là do Nghị định 09/2020/NĐ-CP đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về Quỹ Bảo trì Đường bộ. Do đó kinh phí duy trì hoạt động của trạm phải lấy từ nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ 2020 chứ không được lấy từ Quỹ trên.  

Sở GTVT Quảng Ninh đã nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, cấp kinh phí hoạt động của Trạm theo dự toán được xây dựng hàng năm bằng nguồn sự nghiệp kinh tế đường bộ Trung ương. Bộ GTVT tại văn bản gửi Bộ Tài chính ngày 30/6 đã đề nghị sớm xem xét hướng dẫn cho Sở GTVT Quảng Ninh thực hiện xử lý nguồn kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của Trạm KTTT trên. Trong khi, Bộ Tài chính tại văn bản phúc đáp lại cho rằng, Bộ GTVT mới là cơ quan hướng dẫn Sở GTVT Quảng Ninh giải quyết.

Đọc thêm