Vương Hồng Sển "chê" cách Ngô Đình Diệm thờ cha

(PLO) - Bữa vào dinh Ngô Đình Diệm để thẩm định cổ vật, thay vì cúi mặt khúm núm như hàng trăm công chức quèn khác, con mắt cụ Vương đã tăm tia, xoi mói mọi ngóc ngách trong dinh, và cái miệng có “dấm, có ớt” chẳng ngại ngần gì không thốt lên những lời chê bài kẻ được coi là có quyền sinh quyền sát nhất Ngụy quyền.
Sống thanh đạm, cụ Vương không vì thế mà sợ hãi kẻ quyền cao chức trọng
Sống thanh đạm, cụ Vương không vì thế mà sợ hãi kẻ quyền cao chức trọng
Kỳ 2: “Đã  ngồi lên cả đầu thiên hạ, sao không biết thờ cha cho xứng?
Trong lúc thẩn thơ trong dinh Diệm chờ gặp tổng thống, không chỉ nhận xét về cách tiêu xài, cụ Sển còn nghiêm ngặt phân tích về cách thờ cha của ông Diệm. “Tôi chợt đưa mắt lên đầu chiếc tủ giữa, bỗng thấy một khuôn hình lớn vẽ dầu màu, hoạ chân dung cụ cố Ngô Đình Khả, mình mặc sắc phục võ tướng, hai tay giụm lại đứng chống gươm xem rất oai nghi, nhưng cớ sao trong mắt tôi lúc ấy lại thấy dường như bơ vơ trơ trọi trên đầu loại tủ đựng áo quen mặt bằng gỗ liền này. 
Trong bụng tôi suy nghĩ bâng quơ: “Hỡi trời? Đã tột bực đỉnh chung, lên ngồi trên cả thiên hạ, thế mà tìm không được một chỗ thờ cha cho xứng đáng. Hãy chừa cho bọn thơ ký nghèo như chúng tôi thờ cách ấy! 
Nếu ông là người công giáo thuần tuý không nhìn nhận sự thờ phụng ông bà, không muốn bắt chước bọn bên lương lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên, thì cứ việc “làm theo tây Âu”. Ấy là tốn một cây đinh đóng lên vách như treo hình đức Chúa hay hình ký kiểu La Joconde chẳng hạn. Bằng không nữa thì thà đừng thờ và chỉ “tâm thờ”. Thờ trong lòng, trong tư tâm cũng được đi, chứ thờ làm chi trên đầu tủ bọn tiểu công chức nhà như ổ chuột, trong nhà chỉ có cái tủ áo là cao, cũng không đành thờ cha mẹ ông bà như thế”. 
Ông Diệm vốn xuất thân từ gia đình nho học, theo Tây học, từng đỗ thủ khoa trường Hậu Bổ, nổi tiếng quan cách và kiêu ngạo. Những quan chức và ngay các nhà khoa bảng cũng kính nể không ai dám tranh luận nhưng trong câu chuyện, cụ Vương luôn giữ lễ, giữ kẽ nhưng cũng giữ thế bình đẳng và trung thực với quan điểm của mình.
Cụ đã kể: “Đang trí còn nghĩ ngợi viển vông, thoạt nghe tổng thống đặt máy nói vào móc tôi vừa day lại thì nghe ông nói chậm rãi nửa thân nửa chí tình: “Cách nay mấy mươi năm, tôi cũng từng làm một nghề tương tự như nghề ông (tiếng ông gọi tôi lần thứ nhất), nhưng vẫn không phải nơi chốn này đâu!”.
- Dạ thưa tổng thống! (tôi thầm phục và thầm khen ông khéo lựa mấy lời quá êm cởi mở). Tôi đã từng đọc bài nghiên cứu của tổng thống viết về chiếc nghiên mực “Tức mặc hầu” đăng năm xưa trong tập san Đô thành hiếu cổ.
- Ờ! Phải đấy. Bài ấy tôi viết đã lâu lắm rồi. Có đọc hỉ!
Nói đến đó rồi ông chăm chỉ lật lật xấp bản thảo tôi đã viết, vừa đọc vừa hỏi trống rỗng: 
- Chữ ai viết mấy trang này vậy?
- Dạ, chữ cụ Sển viết! - Ông Giá khoanh tay đứng gần tôi trả lời.
- Già mà chữ viết còn hay hỉ! - Tổng thống ngó tôi mà khen.
Tôi cúi đầu nói nhỏ câu “Tôi không dám!” nhưng trong bụng, tật cũ không chừa, vẫn cãi:
- Trong Nam, chúng tôi nói chữ viết “cứng”? Viết hay là khác!
Rồi lại nghe tổng thống hỏi tiếp:
- Hiệu “Ngoạn Ngọc” dùng được chớ hỉ?
- Dạ thưa, Ngoạn Ngọc là quý, là cổ lắm vậy.
- Ờ, ờ! Xưa tại nhà, có khá nhiều đồ hiệu Ngoạn Ngọc.
- Dạ thưa, - Tôi bất trớn nói tiếp - Đồ cổ đề hiệu Ngoạn Ngọc là nên dùng lắm. Người châu Âu, châu Mỹ rất chuộng, và gọi theo Pháp là “Bibelot de jade”. Dạ, nhưng nó chưa quý bằng đồ cổ kiểu ký hiệu chữ “Nhật”. 
- Vì sao vậy? Tổng thống hỏi.
- Dạ, theo tôi hiểu, thưa tổng thống. Hiệu “Nhật” là đồ sứ “quân dụng”, chế tạo riêng cho quân vương dùng, khác với Ngoạn Ngọc là hiệu thường, ký trên đồ sành sứ từ nhà quan quyền đến nhà lê thứ đều dùng được cả, tức cũng như đồ thông thường, quân dụng, dân dụng”.
Biết hiệu Ngoạn Ngọc là hàng quý của gia đình ông Diệm mà ông ta đang tự hào, cụ Vương lại dám đem kiến thức của mình để chê đó là hiệu thường chỉ là đồ quân dụng thì thật là gan cóc tía.
Biết nguy hiểm, mất lòng với đám cận thần nhưng gặp đồ giả vẫn nói thật
Trong phòng tạm chứa đồ sứ rộng lớn thênh thênh này, cụ Sển thấy thứ thật tốt, đẹp và cổ thì ít, thứ xoàng xoàng không xưa không nay thì nhiều. Những người giới thiệu hàng này cốt để bán kiếm tiền, việc đánh giá giảo nghiệm chính xác của cụ sẽ  bị nhiều ý kiến tay ngang của các “cục cưng giỏi sàm tấu” xuyên lạc, không khéo chơi dao có ngày đứt tay.  
Dĩa chén Tuyên Đức thời Minh là những cổ vật quý
 Dĩa chén Tuyên Đức thời Minh là những cổ vật quý
Nhưng cụ Sển vẫn nói thật lòng: “Bỗng đi đến trước một bộ chén trà cổ. Ông với cầm lên một cái chén “quân” và nói: “Đây chữ gì? Tôi không đọc được?”. Nghe vậy tôi tiếp cầm cái chén, vụt đọc lớn: “Tuyên Hoá”.
Ông tổng thống chặn tôi lại, cười và nói: “Đó! Đọc được chữ Nho đó!”
Hồn bất phụ thể, tôi vội nói chữa lời: “Dạ! Cái chén này, thưa tổng thống, nó là chén giả hiệu. Vì chữ viết nhòe nên tổng thống không đọc được. Tôi quá quen và đã từng thấy nhiều bộ cổ hơn và chính hiệu, nên mấy chữ này dễ nhìn, dễ đọc ra. 
Vả lại vua đời Minh có hiệu Tuyên Đức và hiệu Thành Hoá mà thôi. Nay chén này xưng Tuyên Hoá không có trong niên hiệu nhà Minh, cho nên tôi gọi là giả hiệu. Họ lấy chữ Tuyên trong Tuyên Đức và chữ Hoá trong Thành Hoá, hai chữ đều dễ đọc. Tổng thống gật đầu bước qua dãy khác, và tôi thoát nạn. Hú hồn”.

(Còn tiếp)

Đọc thêm