Không chỉ nổi tiếng bởi 14 tuổi phải lấy chồng Tây đáng tuổi cha không chút yêu thương và 15 tuổi, có chồng thiếu gia giàu có hào hoa rồi tan vỡ, rơi vào cảnh gió bụi…, cuộc đời người đẹp Ba Trà còn gắn với giai thoại về một điểm ăn chơi có một không hai của Sài Gòn hoa lệ một thời: Nguyệt Tiên Cung - chốn “nhất dạ đế vương” của những kẻ lắm tiền.
Con tem được cho là có hình ảnh cô Ba Trà. |
Đông Khách lữ quán phá sản, Nguyệt Tiên Cung ra đời
Sau nhiều đận “lên voi xuống chó”, Ba Trà được một triệu phú ở Chợ Lớn, họ Lương, làm nghề xuất nhập khẩu hàng hóa (được người đương thời gọi Lương mái chính) mê mệt. Lương quyết độc chiếm người đẹp, tính chuyện trăm năm nên kiếm chỗ yên tĩnh để xây tổ uyên ương.
Lương bỏ tiền ra để cô trả nợ, rồi thuê riêng một căn phố lầu sang trọng giá cho thuê là 160 đồng một tháng (tương đương 4 lượng vàng), đủ biết sự sang trọng của nó ra sao. Lương bỏ tiền trang hoàng lộng lẫy, đồ đạc mắc tiền, trướng rủ màn che, ghế nệm, trường kỷ, nhà để xe, phòng cho bồi, bếp, vệ sĩ gia nhân…
Chỗ ở mới của người đẹp sang trọng đến nỗi giới ăn chơi đặt tên “Nguyệt Tiên Cung”, mà thực chất là “cái tổ quỷ” của đàn ông nhiều tiền.
Huyền thoại về Nguyệt Tiên cung đã làm tốn nhiều giấy mực trên báo chí xưa nay. Nhật báo Tiếng Dội của nhà báo Trần Tấn Quốc đã phải bỏ tiền mua thông tin của cô Ba để đăng độc quyền về cuộc đời cô và những bí mật bên trong mà hiếm người có cơ duyên lọt vào trong.
Sau khi được cô Ba Trà sửa chữa, xây lại, Nguyệt Tiên cung là loại biệt thự liên lập hai tầng. Mỗi tầng gồm nhiều phòng riêng biệt, mỗi phòng đều trang bị salon cẩm lai, salon cẩn ốc xà cừ lóng lánh, ngồi lên mát lạnh. Mỗi phòng đều treo một thứ màn mắc tiền bằng voan mỏng, màu sắc khác nhau: Trắng, xanh, hồng, có viền ren tím.
Trên lầu, các phòng đều treo màn màu hồng, đỏ, phản chiếu dưới ánh sáng bóng đèn ngủ trắng đục làm cho không khí thêm gợi tình, huyền ảo. Khách vào đây có cảm giác như lạc vào chốn đào nguyên, “chốn lầu xanh deluxe”... Các ông hội đồng, các thầy cai, các ông điền chủ một lần vào đây một đêm, sáng ra thấy mất một ghe chài lúa như chơi.
Không có luật thành văn, nhưng lâu ngày thành thói quen nhất định, khách hào hoa đã truyền tai nhau thuộc lòng và làm theo rụp rụp không ai dám cãi: Muốn vô Nguyệt Tiên cung, trước hết phải nạp 1000 đồng tiền lệ phí (tương đương 25 cây vàng) gọi là “đi lễ”.
Số tiền ấy phải gồm 10 tờ giấy xăng bộ lư (giấy 100 đồng có in hình bộ lư) đựng trong bao thư, đặt trên một cái mâm, do một cô xẩm bưng lên lầu để “xin ra mắt cô Ba”. Những ai nạp tiền dù đủ 1000 đồng, nhưng là tiền lẻ (giấy 20 đồng, giấy 50 đồng…), đều bị coi là keo kiệt.
Phục vụ, ăn uống, hưởng thụ theo phong cách đế vương
Nếu được mời vô nhà, khách được thỉnh vào phòng khách thứ nhất rất sang trọng. Ở đây khách được mời ngồi vào salon chờ đợi. Một cô gái đẹp trịnh trọng bưng lại một ly rượu sâm panh đặt trên cái mâm mời khách “nhắm chút rượu khai vị”.
Cô Tư Nhị, Á khôi Sài Gòn từng ngự trị trong “động quỷ” Nguyệt Tiên cung |
Độ 10 phút sau khi vừa nhấm chút rượu, khách được mời qua một phòng khác. Trước khi qua phòng này có một anh da đen, mặc đồng phục trắng kiểu bồi khách sạn gác cửa, lễ phép chào khách, rồi nhường khách bước qua phòng này. Phòng này sực nức mùi nước hoa, trên bàn có một bình hoa thơm.
Khách vừa ngồi trên salon, liền có một cô xẩm đẹp, trong bộ xường xám Thượng Hải bó sát lấy thân hình cân đối, người cao ráo, chân thon dài xuất hiện mỉm cười. Khách cảm thấy mê mẩn vì cảnh sắc cứ thay đổi luôn khó biết trước.
Cô xẩm lễ phép bưng lên một mâm đặt trước mặt khách, trên đó có chén trà sâm để khách giải khát, tăng cường sinh lực. Kế bên là một bàn trên có đựng sẵn một khăn mặt còn nóng, tẩm dầu thơm để khách lau mặt cho sảng khoái, tận hưởng cái hương vị ngây ngất, quyến rũ cao sang dành cho giới thượng lưu.
Khách còn đang mơ màng, chợt một cô gái khác xuất hiện, cúi đầu kính mời khách lên lầu. Tại đây một thiếu nữ kiều diễm sẵn sàng, y phục bằng lụa mỏng, khêu gợi, đón khách an tọa.
Rồi họ dọn ra một mâm đặc sản: Một chén yến sào và trứng gà chưng với sâm, đường phèn, một con bồ câu ra ràng, chưng với yến để khách tăng cường sức khỏe.
Ăn xong, khách được mời qua một phòng tắm sang trọng với nước nóng pha dầu thơm. Trong khi đó, một cô xẩm áo quần bó sát người hướng dẫn khách tắm (vì nhiều người ở nhà quê, không biết cách thức sử dụng vòi nước, bồn tắm), và sau đó khách được mời thay một bộ đồ ngủ bằng lụa Lèo cho thoải mái.
Nếu may mắn, sau màn này, khách được ôm ấp người đẹp Ba Trà trong một phòng ngủ khác sang trọng như nữ hoàng.
Hồi đó, cái “tổ quỉ” Nguyệt Tiên Cung chính là nơi hành lạc kiểu “nhất dạ đế vương” đầu tiên ở Sài Gòn. Ngoài cô Ba Trà, Nguyệt Tiên cung còn các cô “á hậu” khác như cô Quế Anh, cô Tư Nhị.
Phần lớn các công tử, giới ăn chơi vào tới đây chỉ được cô Tư Nhị, cô Quế Anh tiếp mà thôi. Cô Ba Trà ít khi tiếp họ. Nhiều người không được gần cô Ba, nhưng sau khi về cũng khoe rằng “đã ngủ với hoa khôi Ba Trà” để tỏ ra mình là khách ăn chơi sành điệu.
Có người không được gần cô Ba Trà, khi về gieo tiếng oán. Thời kỳ ở “động quỷ”, nhan sắc cô Ba thêm lộng lẫy. Mỗi ngày cô mặc một bộ đồ khác nhau, ngây thơ như nữ sinh trong trắng, con nhà lành. Có lúc cô “lăng xê” mốt mặc quần và áo dài cùng một loại hàng mỏng, thứ đắt tiền, cùng màu. Trên cổ cô còn choàng một khăn voan lụa, ngồi xe du lịch mui trần.
Nhật báo Tiếng Dội mua bản quyền câu chuyện của cô Ba Trà đã ghi như trên, nhưng học giả Vương Hồng Sển lại đặt nghi vấn, tỏ vẻ không tin tưởng lắm. Ông nói: “Những chi tiết tôi đã đọc trong báo Tiếng Dội 1952, tôi không dám tin hoàn toàn là có. Theo tôi, thì quả vô nhà Trà rất khó vì là chỗ chứa me, thang lầu trên dưới đều có đèn báo động... nhưng có đến mức xa hoa như vậy?”.
Theo Xa lộ pháp luật