Vương Hồng Sển day dứt khi mất nghiên mực “quốc bảo”

(PLO) - Sau nỗi đau “như cắt ruột” khi chứng kiến 7 cây gậy Như ý được tạc bằng ngọc quý thất lạc, cụ Vương Hồng Sển còn day dứt khôn nguôi về việc thất lạc cái nghiên mực Tức Mặc Hầu được ông đánh giá là quốc bảo. 
Vua Tự Đức và quần thần (tranh của họa sĩ Pháp)
Vua Tự Đức và quần thần (tranh của họa sĩ Pháp)
Phần 5: Nghiên mực kỳ diệu, chỉ cần thổi hơi là ra mực
Vua Tự Đức có tiếng là ông Vua hay chữ nhất trong dòng Nguyễn Phước, nên những gì thuộc văn phòng tứ bảo, ông hết sức nâng niu. Ông có một nghiên mực làm bằng đá Đoan Khê, ông rất ưng ý đến nỗi phong nghiên mực tước hiệu là Tức Mặc Hầu.  
Vì sao vua Tự Đức phong cho cái nghiên mực tước hầu, nhân cách hoá một vật vô tri, một cục đá mài mực?  Đó là vì nguồn gốc của nghiên mực này rất lâu đời và có sắc màu huyền bí, công dụng của nó lại rất đặc biệt là chỉ cần thổi hơi vào nghiên là tự nó tiết ra mực đủ dùng ngay.
Cụ Vương đã thử thực hành khả năng tự tiết mực của cái nghiên và kể lại rất hấp dẫn: “Thổi rồi tôi giật mình, hết sức ngạc nhiên vì dưới ánh sáng mặt trời rọi vào chỗ tôi đứng, tôi thấy hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một lằn mống ngũ sắc, đang từ từ chạy lên chạy xuống trên mặt nghiên, rồi vụt biến mất sau khi rà sát vào mặt nghiên....
Tôi lấy ngón tay quệt thử trên nghiên. Quả đầu ngón tay tôi ướt đẫm những mực, không khác tôi đã nhúng vào mực do ai mài sẵn hồi nào không hay… Ô, sướng quá, thần bí quá, và quý hoá quá!”.
Ngô Đình Diệm đã lấy cái Nghiên Tức Mặc Hầu?
Điều day dứt lớn nhất của cụ Vương là nay nghiên mực này đã mất. Ông đặt vấn đề trách nhiệm với những nhà quản lý văn hóa thời ấy: “Một lần nữa, tôi xin người nào làm về văn hoá bây giờ phải xem là một trách nhiệm lớn, việc tìm cho ra manh mối nghiên Tức Mặc Hầu. Phải đem nghiên về cho nằm ở Viện bảo tàng vườn bách thảo vì nó là của chung của dân Việt”.
Mạnh mẽ hơn nữa, dù với cách viết phiếm chỉ không nêu tên nhưng với những tình tiết được cụ Vương viện dẫn, ai cũng hiểu rằng chính Ngô Đình Diệm đã lấy cái nghiên và sau đó đã bị thất thoát trong cuộc đảo chính. Cụ Vương đã viết: “Đến đây tôi trở lại chuyện một người mê cái nghiên Tức Mặc Hầu hơn tôi bá bội. Mê đến bất chấp lương tâm.
Người đó khi đã chết, người ta lập biên bản thống kê tài sản mới biết y muốn lưu di năm chục ký lô vàng. (theo công báo của chính phủ Sài Gòn trước). Ấy là thuở sinh tiền, ông có tiếng là thanh liêm số dách (số một). Đã ham hai chữ thanh liêm lại ham chi cái nghiên Tức Mặc Hầu vì đó là một nghiên đá lọ lem, mặt dính đầy những mực. 
Người đó đã đem nghiên mực về Sài Gòn, làm chủ riêng một mình. Thấy gương này tôi ngụ ý trên đời không nên sớm khoe mình trong sạch, quá mức thì hết thanh liêm… 
Nghiên mực Tức Mặc Hầu, mặt trên để mài và chứa mực, mặt dưới có bài minh của vua Tự Đức
 Nghiên mực Tức Mặc Hầu, mặt trên để mài và chứa mực,
mặt dưới có bài minh của vua Tự Đức
Tôi không cần nêu tên ông, nhưng ai còn giữ bộ tạp san Đô thành hiếu cổ Huế, sẽ thấy tập năm 1917 có một bài Pháp vãn khảo về nghiên mực của vua Tự Đức. Lúc nhỏ, ông học trường Hậu bổ ở Huế, và để cho người biết danh, ông viết bài văn đây này, ông dịch lại kỹ càng những bài thơ chạm trên hộp đựng và trên nghiên mực, và kê khai rành rọt những loại đá quý mà người Trung Hoa dùng để làm nghiên mài mực.
Trong các loại đá ấy có một thứ lấy từ trong núi Đoan Khê là tốt nhất. Nhưng nào phải mỗi viên đều quý. Đối với ai có tính hiếu kỳ, muốn biết thêm về nghiên mực lạ này tôi xin khuyên nên tìm đọc bài khảo cứu công phu của ông và của một tác giả Pháp tên E.Gras, đều in trong tạp san san Đô thành hiếu cổ Huế (bulletin des Amis du Vieux Huế) năm 1917. 
Khi ông lên tột phẩm nấc thang danh vọng thì có người ở Huế biết chỗ nhược của ông và để củng cố địa vị cho mình bèn ôm nghiên mực vào Sài Gòn tấn công. 
Tôi biết chắc việc ấy vì từ năm 1959 đến năm 1962, mấy lần ra Huế tôi hỏi thăm thì ngoài ấy nói với tôi Tức Mặc Hầu đã vào Nam. Sau khi dinh Gia Long bị công phá, ông bỏ chạy kế bị giết vào hôm sau. Nghiên mực cũng mất tích luôn từ đó. 
Tôi cứ thăm dò mãi tuy vẫn tìm chưa ra manh mối đích xác. Sau ngày đảo chính, ai nấy lo mất nước mất nhà, tôi lại lo mất nghiên mực. Tôi hỏi khéo ông quản gia có phận sự gìn giữ đồ vật của dinh Gia Long, ông này trả lời ông chẳng bao giờ nghe thấy điện có nghiên mực này.
Tôi không ngã lòng, day qua mượn ông nhạc gia của quản gia hỏi chắc chú rể, ông cũng đinh ninh một hai ông không biết. Hỏi mãi có người đưa ra thuyết hay là nghiên mực có cánh, đã bay tuốt qua La Mã, qua Paris, hoặc mụ em dâu ác ôn đã ôm bán quách cho nước ngoài rồi?
Nhưng tôi không thôi theo dấu nghiên mực quý đã bị ai lấy mất từ trong dinh Gia Long. Trước năm 1975, có một người trẻ, xưng là học trò cũ của tôi, nói nửa úp nửa mở rằng nghiên mực Tức Mặc Hầu chưa ra ngoại quốc, vẫn còn ở lẩn quẩn đâu đây hoặc vùng Sài Gòn hoặc còn trong nước không xa, và ở thẳng tay một người nọ: và nghèo lắm túng lắm, chức vị nhỏ lắm, nhưng không lìa ngọc Tức Mặc Hầu. 
Tôi đã ráng hết sức, hỏi thêm gì người ấy cũng không nói nữa, nên hôm nay đành nói tách bạch ra đây, những ai có lòng với văn hoá, biết bảo tồn quốc tuý hãy cứu vớt nghiên mực khỏi bước lạc loài”.
Chiếc nghiên Tức Mặc Hầu quý giá là có thật, và đến nay vẫn bặt vô âm tín cùng với nhiều bảo vật quốc gia khác của cung đình Huế, đó là điều vô cùng đáng tiếc. 
(Còn tiếp)
Cụ Vương đã nhiều lần viết bài nhắc nhở về nghiên mực bị mất bí ẩn này. Trong hồi ký Hơn nửa đời hư, ông đã viết hẳn một chương về nghiên mực và nhiều lần nhắc đi nhắc lại với mong ước: “Nếu có xảy ra việc gì chẳng lành: sách vở bị đốt bỏ, bị tịch thu hay bị nấu làm giấy mới, tôi cầu xin trong ba bài của tôi còn lại một, là đủ cho tôi bằng lòng. Nghiên mực Tức Mặc Hầu là quốc bảo, nay còn lưu lạc. Mấy trang này còn lại, ít nữa người đời nào sẽ biết giá trị của nó mà tìm kiếm, hoạ may tìm ra mà đem nó về. Khi ấy dẫu nằm dưới đất, tôi cũng yên tâm”. 
Đến nay, tung tích nghiên mực vẫn chưa tìm thấy nhưng những nghiên cứu, tìm hiểu và nghi vấn của cụ Vương đã tiếp tục được các nhà nghiên cứu trong ngoài nước tranh luận, phân tích.

Đọc thêm