“Mô hình” sức khỏe kém gắn liền đô thị hóa
Đây là kết quả nghiên cứu mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố trên tạp chí The Lancet Global Health hồi tháng 9 vừa qua. Theo đó, hiện nay trên toàn cầu, khoảng 1/3 nữ giới và gần 1/4 nam giới không tập luyện thể dục thể thao đầy đủ để tăng cường sức khỏe và phòng tránh các bệnh thông thường.
Xu hướng lười vận động trên toàn thế giới đang ngày càng trở nên tồi tệ. Các nhà nghiên cứu nói rằng, kể từ năm 2001 đến nay mức độ luyện tập thể dục thể thao trung bình của mỗi người trên toàn cầu không có dấu hiệu cải thiện, dù có rất nhiều sáng kiến cộng đồng giúp nâng cao nhận thức về lợi ích của việc vận động thể chất. Năm 2016, hơn ¼ người trưởng thành, tức khoảng 1,4 tỷ người trên toàn địa cầu, không luyện tập thể chất đạt đủ mức cần thiết.
Theo WHO khuyến nghị, mỗi tuần một người trường thành cần dành ít nhất 150 phút luyện tập cường độ bình thường hoặc 75 phút luyện tập cường độ cao, để đảm bảo sức khỏe. Đối với những người không đáp ứng được khuyến nghị cơ bản này thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, các chứng bệnh về mất trí nhớ và một số bệnh ung thư...
Báo cáo khẳng định thiếu vận động thể chất là yếu tố có nguy cơ cao nhất dẫn tới các căn bệnh không truyền nhiễm và có tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần, cũng như chất lượng cuộc sống.
|
Cũng theo WHO thói quen lười vận động đang trở thành một “đại dịch” nguy hiểm và là nguyên nhân thứ 4 gây tử vong trên toàn cầu. Tính riêng trong năm 2008, có tới 5,3 triệu người trong số 57 triệu ca tử vong có liên quan đến lối sống thiếu vận động.
Một nghiên cứu mới được WHO công bố, các nhà khoa học đã tiến hành 358 cuộc khảo sát về mức độ hoạt động thể chất ở nơi làm việc và ở nhà trên gần 2 triệu người tại 168 quốc gia từ năm 2016. Theo đó, năm 2016, 27,5% người trưởng thành (trong đó 95% từ 25-32 tuổi) không vận động đủ thời gian được khuyến nghị. Số liệu này chỉ nhỉnh hơn so với thống kê từ năm 2001 (28,5%).
Xét về giới tính, nữ giới thụ động hơn nam giới ở hầu hết các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Trong đó sự khác biệt lớn và rõ nhất là ở Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi so với các nước phương Tây.
Theo nhóm nghiên cứu, nguyên nhân là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nghĩa vụ với con cái và thái độ văn hóa đã khiến phụ nữ khó tiếp cận với hoạt động thể chất. Tại Anh, tỷ lệ không vận động trong năm 2016 là 32% ở nam giới và 40% ở phụ nữ.
Xét về quốc gia, ở các nước phát triển, có lối sống giàu và thụ động, tỷ lệ người dân lười luyện tập thể chất thường ở mức cao, điển hình như ở Anh và Mỹ lên tới 37%. Trong khi ở các nước đang phát triển tỷ lệ này chỉ có 16%, thậm chí ở 2 nước Uganda và Mozambique còn đạt được tỷ lệ hoàn hảo, với chỉ 6% người trưởng thành lười vận động năm 2016.
Từ đây có thể thấy, trong khi người dân các nước phương Tây có thu nhập cao giảm các hoạt động thể chất, ở các nước Đông Á và Đông Nam Á lại có xu hướng ngược lại. Ở khu vực này trong khoảng thời gian từ 2001-2016, tỷ lệ người lười vận động giảm từ 26% xuống còn 17%.
“Mức độ lười vận động ở các nước thu nhập cao hơn gấp hai lần so với các nước thu nhập thấp. Mỹ Latin, vùng Caribbean và các quốc gia phương Tây giàu có là những khu vực lười vận động nhất”, bà Regina Guthold, tác giả dẫn đầu nghiên cứu này của WHO chia sẻ.
|
Theo bà Guthold, người dân ở các quốc gia giàu có thường dành nhiều thời gian trong nhà, giờ làm việc tăng, dễ tiếp cận nguồn thức ăn giàu calo và được hưởng hệ thống giao thông tự động hóa. Như vậy, mức độ vận động ít là một phần của “mô hình” sức khỏe kém đi kèm với đô thị hóa.
Trong một tuyên bố, Hiệp hội Tim mạch của Mỹ cho biết tình trạng ít hoạt động thể chất toàn cầu ngày càng tăng là “một mối quan tâm sâu sắc” bởi việc ít tập thể dục và rèn luyện sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, cao huyết áp, tăng cholesterol và trọng lượng cơ thể.
Trước tình trạng đáng báo động, WHO khuyến cáo rằng, nếu các quốc gia không cải thiện được vấn đề trên, mục tiêu giảm tỷ lệ người dân trên toàn cầu thiếu vận động xuống thêm 10% vào năm 2025 sẽ khó thành hiện thực.
Chương trình khuyến khích vận động
Theo ông Walter R. Thompson, giáo sư nghiên cứu về vận động học, kiêm Phó hiệu trưởng Đại học bang Georgia cho biết, điểm quan trọng trong nghiên cứu này của WHO không phải muốn nói lười vận động là đại dịch, lười vận động là đặc điểm của quốc gia thu nhập cao hay thu nhập thấp.
Điều WHO muốn cảnh báo, lười luyện thập thể chất đang phổ biến ở mọi quốc gia và nếu không tìm biện pháp ngăn chặn nó sẽ trở thành căn bệnh mãn tính.
Hiện tại, Mỹ đang tiến hành chương trình mục tiêu 10 năm nhằm cải thiện sức khỏe người dân, trong đó ưu tiên cho vấn đề luyện tập thể chất, tuy nhiên ưu tiên này lại ít có sự cải thiện nhất. “Phải nói rằng người Mỹ lười vận động, điều này rất đáng quan ngại. Chúng tôi chỉ muốn khuyến cáo mọi người cần tập luyện thể dục thể thao nhiều hơn.
Không nhất thiết phải đến những phòng tập thể dục chuyên dụng, những thay đổi nhỏ như đi xe đạp tới nơi làm việc, leo cầu thang bộ…cũng phần nào đó cải thiện sức khỏe của bản thân. Hoặc mỗi người có thể tập các bài tập nhanh và mạnh hơn như chạy, bơi lội hoặc các môn thể thao cường độ mạnh khác”, ông Walter R. Thompson chia sẻ.
|
Lười hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ bệnh tật |
Các nhà khoa học khẳng định, vận động thể chất thường xuyên đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe cho con người. Trong số các giải pháp khắc phục tình trạng lười vận động, các quốc gia và cộng đồng có thể tạo ra các chương trình mới để hỗ trợ cũng như thúc đẩy mọi người năng động hơn.
Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng các hướng dẫn tập thể dục cơ bản không đủ để bù đắp tác hại của việc ngồi lì một chỗ. Vì thế, những người làm việc văn phòng, thường xuyên ngồi một chỗ sẽ phải tập luyện gấp đôi mức tối thiểu được đề nghị và tập thể dục ở cường độ vừa phải trong khoảng từ 60 đến 75 phút mỗi ngày.
Các chuyên gia kêu gọi các chính phủ cần cung cấp và duy trì cơ sở hạ tầng nhằm khuyến khích các hoạt động thể thao và tăng cường đi bộ, xe đạp cho người dân. Tiến sĩ Melody Ding (Đại học Sydney, Úc) cho rằng, quá trình phát triển kinh tế đã dẫn đến những thay đổi về lối sống ngày một ít vận động hơn.
Vì vậy các chính phủ các quốc gia cần phải nỗ lực hơn để giúp người dân tích cực vận động một cách lành mạnh. Ví dụ đơn giản và khả thi nhất là cải thiện hệ thống giao thông công cộng, mở rộng vỉa hè nhằm dễ dàng hơn cho các hoạt động đi bộ và đạp xe.
Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để cải thiện tình hình sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Nó không chỉ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, chống bệnh trầm cảm mà còn giữ cho trí nhớ minh mẫn khi về già.