Xã Hương Thọ (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế): Cả trăm hộ dân bị “ngâm” sổ đỏ vì xung đột luật cũ – mới

(PLO) -Theo phản ánh của nhiều hộ dân xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách đây ba năm, họ đã lập thủ tục hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (người dân vẫn quen gọi là sổ đỏ), nhưng đến nay nhiều hộ vẫn chưa được cấp. 
Nhiều hộ dân xã Hương Thọ vẫn chưa được cấp sổ đỏ

“Địa chính về đo đạc đất đai từ mấy năm trước. Vậy mà chỉ một số hộ được cấp sổ đỏ, nhiều hộ khác thì không được cấp. Tui cũng như nhiều hộ ở đây, đã chờ đến dài cổ, mà cái sổ ấy thì cứ như bóng chim tăm cá, chẳng biết lúc nào mới cầm nắm được trong tay”. Đó là phản ánh của ông Lê Văn Lánh cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điệp khúc “đợi chờ”

Ông Lê Văn Lánh nhớ lại, ba năm trước, cũng như nhiều hộ dân trong xã, gia đình ông được chính quyền về đo đạc, lập thủ tục, hồ sơ để cấp sổ đỏ đối với 5 thửa đất ruộng, đất hoa màu và cấp đổi sổ đỏ đối với thửa đất thổ cư (bao gồm diện tích đất liền kề).

Hồ sơ về các thửa đất nêu trên đã được chuyển lên trên, đồng thời gia đình ông cũng nộp thuế trước bạ theo quy định. Vậy mà, đã mấy năm trôi qua, trong khi một bộ phận người dân đã cầm được sổ đỏ trong tay, thì gia đình ông vẫn chưa có.

Ông Lánh cho hay, vợ chồng ông ở quê, ngoài làm ruộng làm vườn còn kiêm buôn bán nhỏ. Nhiều lúc cần vốn làm ăn, người thân chẳng ai có tiền để cho mượn, ông muốn vay ngân hàng, nhưng nhà đất chẳng có sổ đỏ để cầm cố. Rồi con cái đứa ăn học, đứa phải dựng vợ gả chồng, bao nhiều thứ đều phải cần đến tiền, mà sổ đỏ lại bị “giam” mãi, khiến gia đình ông “bó tay”, quyền lợi bị thiệt thòi rất nhiều.

Không chỉ riêng gia đình ông Lánh, rất nhiều hộ dân trong xã cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Một người dân bày tỏ, năm trước, con trai ông tốt nghiệp đại học nông lâm. Sau một năm đi làm ở ngoài, tích lũy tiền bạc và kinh nghiệm, con ông quyết định về quê mở trang trại chăn nuôi.

Trang trại tuy nhỏ, nhưng vẫn cần một số vốn đáng kể. Nhìn con xoay như chong chóng để kiếm vốn làm ăn, ông cũng muốn phụ một tay, nhưng ngặt nỗi sổ đỏ nhà không có, nên cũng lực bất tòng tâm.

Một người khác thì than phiền, gia đình anh thu mua mủ cao su. Nhiều lúc mủ đứng, không thể bán được, trong khi người dân địa phương vẫn thu hoạch mủ mỗi ngày. Tiền vốn thì còn đọng trong kho chẳng biết đến ngày nào mới xuất hàng được, trong khi mỗi ngày vẫn phải chi ra một số tiền lớn để thu mua mủ của bà con. Thiếu tiền xoay vòng, muốn vay ngân hàng mà nhà đất, ruộng vườn đều không có sổ đỏ, nên nhiều lúc đành phải vay tiền nóng để làm ăn, kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn.

Tuổi già sức yếu, không cần phải cầm cố nhà đất làm ăn, nhưng bà Lê Thị Yến (76 tuổi) lại lo lắng, sợ đến lúc mình qua đời, sổ đỏ cũng chưa cầm được trong tay. Bà Yến trình bày, khi thấy việc cấp sổ đỏ kéo dài quá lâu, bà đành nhờ người cháu của mình đến UBND thị xã Hương Trà hỏi thăm thông tin, không ngờ nhận được câu trả lời hồ sơ về nhà đất của bà không có tại đây (tức không có tên trong danh sách giao nhận giữa UBND xã Hương Thọ và văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Hương Trà (nay là chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hương Trà)).

Bà Yến ngơ ngác, liền tất tả qua UBND xã để hỏi lý do. Bà cũng nhận được câu trả lời từ cán bộ địa chính, là không có hồ sơ. “Cán bộ xã đã về nhà tui, đo đo, đạc đạc cả buổi trời, giờ lại nói không có hồ sơ là sao tui không hiểu, nên lại càng hoang mang lo lắng. Xã cho biết sẽ về đo đạc lại, lập thủ tục, hồ sơ. Giờ tui già rồi, lo lắng nhất là việc chết đi mà đất đai vẫn chưa có sổ đỏ, đến đời con đời cháu mình sau này sẽ phức tạp lắm”, bà Yến lo lắng.

Theo nhiều người dân ở địa phương cho biết, trong nhiều cuộc họp, người dân có ý kiến về vấn đề này, nhưng được chính quyền xã giải thích, đã chuyển hồ sơ đến UBND thị xã Hương Trà, nhưng bà con vẫn chưa nhận được sổ đỏ là vì “ở trên” làm chưa xong.

Còn nhiều vướng mắc

Ông Nguyễn Văn Quý, chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết, sau khi chính quyền địa phương hoàn tất việc đo đạc, những hồ sơ đủ điều kiện, UBND xã đã chuyển đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hương Trà. Cho đến nay, nếu những hồ sơ này vẫn chưa có giấy chứng nhận, xã sẽ đề nghị lên UBND thị xã nhanh chóng giải quyết, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Theo thông tin từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thị xã Hương Trà, do thực hiện chủ trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dự án (dự án tổng kiểm kê đất đai của chính phủ), cán bộ đã tiếp nhận hồ sơ đồng loạt nên giải quyết chậm. Trong khi đó, nhà nước lại có thay đổi về chính sách luật, dẫn đến số hồ sơ bị giải quyết chậm gặp vướng mắc. 

Cụ thể, chi nhánh này đã tiếp nhận hồ sơ của người dân trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2013. Quá trình thụ lý, căn cứ Luật Đất đai 2003, nghị định 198 ngày 3/12/2004 của chính phủ về thu tiền sử dụng đất (SDĐ).

Luật và nghị định nêu trên quy định, trường hợp SDĐ vào mục đích đất ở trước ngày 15/10/1993 thì không phải nộp tiền SDĐ, chỉ kê khai, nộp lệ phí trước bạ. Trường hợp SDĐ vào mục đích đất ở trong khoảng thời gian từ ngày 15/10/1993 đến 1/7/2014 thì người sử dụng phải nộp 50% tiền SDĐ và lệ phí trước bạ đối với diện tích trong hạn mức đất ở.

Trong khi đó, theo Luật Đất đai 2013 và nghị định 45 ngày 15/5/2014 của chính phủ về thu tiền SDĐ lại có những quy định khác. Do đó, nhiều trường hợp trước đây không phải nộp tiền SDĐ, nay lại phải nộp tiền. Những hồ sơ nào đủ điều kiện, chi nhánh này đã chuyển thông tin thuế cho các hộ tại thời điểm trước ngày 1/7/2014 (đây là thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực).

Tuy nhiên, lại có nhiều hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy và không phải nộp tiền SDĐ, nhưng do cơ quan nhà nước làm chậm sau ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực hoặc chi nhánh này đã chuyển thông tin thuế trước thời điểm trên, nhưng công dân lại kê khai nộp thuế sau ngày 1/7/2013, dẫn đến vướng mắc, khiến chi nhánh này không trình ký được lên cấp tiếp theo để hoàn thành việc cấp giấy cho người dân.

Ông Trần Viết Hai, Phó giám đốc chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Hương Trà cho biết, việc chậm trễ do lỗi của cơ quan nhà nước thì không thể để người dân phải chịu. Về phía cán bộ đơn vị, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định.

Những hồ sơ đủ điều kiện cấp giấy nhưng không phải nộp tiền SDĐ (theo Luật Đất đai cũ), nếu thực hiện theo luật mới, sẽ thiệt thòi cho các hộ dân. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thị xã, đã thống nhất phương án giải quyết, những trường hợp này sẽ không phải nộp tiền SDĐ bổ sung.

Đọc thêm