Xã Kỳ Thọ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Mượn danh mỏ đá để khai thác đất trái phép?

(PLO) - Theo phản ảnh của một số người dân xã Kỳ Thọ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trong trong suốt thời gian qua, mỗi ngày có tới cả chục lượt ô tô tải chở đất ra khỏi khu vực Rú Chào (xã Kỳ Thọ), phục vụ nhu cầu san lấp trên địa bàn. Khu vực này chỉ có “mỏ đá” nên nhiều người nghi ngờ rằng, chủ mỏ đá đã lợi dụng việc bóc lớp đất phủ để khai thác đất trái phép, thu lời.
Hoạt động khai thác đá ở mỏ đá Rú Chào

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 2557/GP-UBND ngày 12/9/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép Cty TNHH MTV Phát triển Miền Núi được khai thác đá xây dựng bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Rú Chào, xã Kỳ Thọ, Kỳ Anh với diện tích khu vực khai thác là 4,5ha, mức sâu khai thác đến cosd+45m, thời hạn đến hết 30/12/2018.

Theo phản ánh của một số người dân địa phương thì ngoài sản phẩm là đá xay thì họ còn thấy rất nhiều đất được chở ra khỏi khu vực mỏ để phục vụ cho mốt số công trình san lấp, làm đường trên địa bàn xã Kỳ Thọ và các xã lân cận, trong đó có công trình đường dẫn lên cầu Thọ Trinh (đang xây dựng). Xe ô tô chở đất chạy ngang nhiên qua cổng trụ sở UBND xã Kỳ Thọ nhưng không thấy địa phương có động thái ngăn chặn, xử lý. 

“Lượng đá tại khu vực Rú Chào là không đáng kể và để khai thác được đá thì phải bóc đi một lượng lớn đất bề mặt. Vì vậy, phải gọi là “mỏ đất” Rú Chào mới phản ánh thực chất hiện trạng tại khu vực. Thực tế, mỗi ngày, có cả chục lượt xe tải chở đất từ mỏ Rú Chào chạy ra. Sau cơn bão số 10, nhu cầu đất san lấp trên địa bàn tăng lên cao thì lượng xe chở đất còn nhiều hơn” – một người dân địa phương cho biết.

Trao đổi với phóng viên về hiện trạng trên, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ cho biết, mỏ đá Rú Chào là do UBND cấp tỉnh cấp phép nên sẽ do cấp tỉnh thẩm tra về trữ lượng đất, đá. Chúng tôi không có thẩm quyền đánh giá về trữ lượng đất, đá như thế nào. Còn đất bề mặt khi bóc lên thì chủ mỏ được phép… chở đi.

Với phát biểu trên, phải chăng chính quyền địa phương đã biết hiện tượng đất được vận chuyển ra khỏi khu vực mỏ đá nhưng cho rằng đây là chuyện đương nhiên nên không có động thái nào nhằm ngăn chặn, xử lý? 

Theo ghi nhận của phóng viên thì trữ lượng đá tại mỏ Rú Chào đều nằm dưới mặt đất nên để thực hiện việc khai thác, chủ mỏ đã phải tiến hành bóc và vận chuyển khỏi khu vực khai trường lượng đất bề mặt khá lớn. Khu vực đang có vài công nhân vận hành máy móc khai thác đá cho thấy, cả nửa quả đồi vốn là khu vực trồng thông đã bị “san phẳng” để phục vụ cho việc khai thác đá và làm đường vận chuyển. Còn khu vực hiện đã dừng khai thác cũng cho thấy, các quả đồi đều đã bị đào bới 1 lượng đất rất lớn. 

Theo một số người có kinh nghiệm trong khai thác đá thì việc khai thác đá “âm” như ở mỏ đá Kỳ Thọ như trên thì lượng đất, đá bề mặt nếu bị bóc đi cũng phải được thu gom, vận chuyển ra bãi riêng để lưu giữ, phục vụ yêu cầu hoàn thổ sau này. Thực tế, sẽ không có nhiều người dám đầu tư khai thác đá ở một khu vực phải bóc lớp đất mặt nhiều như vậy do chi phí tăng cao.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì tại khu vực mỏ đá Rú Chào không có khu lưu giữ đất đã bóc gỡ để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường trồng cây keo như yêu cầu. Các khu vực đã khai thác theo giấy phép được cấp năm 2010 cũng không thấy được trồng cây keo nhằm phục hồi môi trường.

Tại Giấy phép khai thác đá, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Cty TNHH Phát triển Miền Núi phải xây dựng hệ thống thoát nước ở đáy mong, phủ lớn đất màu 0,7m và trồng cây keo lá chàm mật độ 1.660 cây/ha. Đối với khu vực phụ trợ, tiến hành san gạt, cày xới để trồng cây keo lá tràm với mật độ 1.660 cây/năm. Đặt biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh còn nêu rõ: “Việc quản lý sử dụng các sản phẩm khai thác phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và đúng theo quy định tại Phụ lục số 04”. Trong khi đó, Phụ lục 4 thể hiện, sản phẩm sau chế biến của mỏ đá Rú Chào là “đá các loại (đá hộc, đá xay)” chứ không hề có sản phẩm “đất san lấp”.

Với nội dung trên thì rõ ràng Cty TNHH Phát triển Miền Núi không được phép khai thác, bán sản phẩm là “đất san lấp”. Không hiểu sao lãnh đạo xã Kỳ Thọ lại không biết những nội dung trên đã được ghi rõ trong giấy phép?

Với thực trạng, khai thác đá thì ít mà đào đất là nhiều, có dấu hiệu lợi dụng mỏ đá để khai thác đất trái phép như trên, UBND huyện Kỳ Anh và các cơ quan chuyên môn về quản lý môi trường huyện Kỳ Anh và tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc để kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời. 

Cán bộ địa chính xã không nắm được ranh giới mỏ

Ngoài hiện tượng bán đất trái phép, một số người dân địa phương còn phản ánh mỏ đá Rú Chào đã tiến hành khai thác ngoài phạm vi cấp phép, lấn vào đất lâm nghiệp của dân và đất công do UBND xã Kỳ Thọ quản lý. Trước phản ánh trên, ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thọ  cho biết: “Cán bộ địa chính xã thường xuyên kiểm tra ranh giới mỏ. Hiện, xã cũng chưa nhận được phản ánh của người dân về việc bị mỏ đá lấn đất. Tới đây, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ranh giới mỏ xem có lấn đất của dân và đất công của xã hay không.  Vì dù không có phản ánh của dân thì vẫn phải kiểm tra để đảm bảo chủ mỏ tuân thủ đúng Giấy phép được cấp và bảo vệ diện tích đất công.

Trong khi đó, khi dẫn phóng viên xuống hiện trường, tuy có cầm theo bản đồ và các tài liệu liên quan nhưng cán bộ địa chính xã Kỳ Thọ (tên Dũng) đã không thể xác định được ranh giới mỏ đá Kỳ Thọ đến đâu. Ông này cho biết: “Do tôi mới về công tác nên chưa có điều kiện để định vị tọa độ của mỏ”.

Đọc thêm