Dù kiếm bộn tiền nhưng không đêm nào ngủ ngon giấc
Anh Phạm Văn Dương, 42 tuổi là chủ quán thịt chó mèo có tiếng ở đường Lý Thường Kiệt (Thái Bình). Cách đây hơn 20 năm, anh Dương vốn là dân âm nhạc học tại trường nghệ thuật tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh cùng bạn bè đi đánh đàn tại một số điểm café. Sau đó, anh có một người bạn rủ lên Sóc Sơn mở quán thịt chó, mèo. Làm ăn phát đạt, anh Dương còn mở thêm một quán chó mèo nữa khi thực khách tới ăn ngày càng đông.
Quê anh ở Thái Bình, bố mẹ già yếu, anh quyết định nhượng lại 2 quán thịt chó mèo ở Sóc Sơn về mở quán gần nhà tiện chăm sóc bố mẹ. Vốn có nghề trong tay, anh dễ dàng thu hút các thực khách ăn thịt chó mèo. Theo anh Dương, trung bình mỗi ngày anh mua chó, mèo “móc hàm” hay có thể tự mình giết chó, mèo tổng khoảng 8 cá thể (5 chú chó và 3 chú mèo). Số lượng đó phục vụ cho hơn 100 thực khách ăn tại quán hay mua về nhà. Chỉ tính riêng quán nhà anh Dương, khoảng 240 chú chó mèo tội nghiệp bị giết hại/ tháng và gần 3000 chú chó mèo bị giết hại/ năm.
Anh kể, mở quán thịt chó mèo thu nhập cao so với mức thu nhập mặt bằng chung ở Thái Bình quê anh. Anh bật mí, mỗi tháng trừ hết tiền công, thực phẩm, anh “đút túi” từ 40 - 60 triệu đồng/ tháng. Nếu tháng cuối năm thì mức thu nhập còn cao hơn.
Dù kiếm được nhiều tiền, nhưng thực tế bao năm nay, anh chưa bao giờ có giấc ngủ ngon. Hình ảnh những chú chó mèo kêu khóc hay cất tiếng khiếp sợ khi lưỡi dao anh lướt qua cổ chúng luôn ám ảnh anh. Mỗi lần giết chú chó, mèo, như những “đao phủ” động vật khác, anh Dương lại lẩm bẩm: “Tao xin lỗi! Vì cuộc sống mưu sinh, tao đành sát hại chú mày. Mong chú mày hóa kiếp sau thành người nhé”. Dù có tự an ủi mình là vì “mưu sinh” và lầm rầm xin lỗi nhưng anh Dương vẫn không cảm thấy chút bình an vì công việc… tàn nhẫn, cướp đi sinh mạng động vật tội nghiệp của mình.
|
25 chú chó mèo được anh Dương bàn giao cho tổ chức Four Paws sau khi chăm sóc khỏe mạnh, sẽ được trở thành thú cưng trong các gia đình Việt. |
Mạnh dạn chuyển nghề, dừng việc “đao phủ”
Vợ chồng anh Dương có hai cô con gái, một lên 8 và một lên 6. Dù rất yêu bố, mẹ nhưng hai con anh không muốn bố mẹ ôm vào lòng. “Bố mẹ ơi, tại sao những chú cún, chú mèo đáng yêu thế kia mà bố mẹ nỡ giết hại?”. “Tại sao mọi người có thể ăn chúng một cách ngon lành thế?”, “Chúng là bạn của con, con ghét những ai giết hại và ăn thịt chúng.” “Tại sao, bố mẹ các bạn con làm các nghề khác mà bố mẹ lại làm nghề cầm dao này?”…Những câu hỏi từ khuôn miệng trong trẻo của hai con gái từ khiến vợ chồng anh Dương luôn day dứt lương tâm.
Trước đây, anh Dương cũng đã từng nghĩ chuyển nghề khác nhưng vẫn chưa đủ quyết tâm. Thế rồi, vào một buổi sớm đầu tháng, quán vắng chưa có thực khách, anh Dương đang ngồi quán thái thịt thì có một nhóm bạn giới thiệu là Tổ chức Four Paws. Họ hỏi anh thu nhập ra sao, suy nghĩ thế nào về công việc này và dần phân tích những điều không nên khi sát hại động vật…
Càng nghe anh Dương càng cảm thấy có lỗi về công việc của mình. Và chỉ 5 ngày sau khi suy nghĩ chín chắn, vợ chồng anh Dương đã gọi điện báo với nhóm bạn ở Tổ chức Four Paws là sẽ thay đổi công việc trước sự reo vui của hai cô con gái và gia đình nội ngoại. Tổ chức Four Paws và Quỹ thay đổi vì động vật cũng giúp hai vợ chồng một chút kinh phí để mở một cửa hàng sửa và bán xe máy cũ với điều kiện là họ sẽ không bao giờ quay lại buôn bán thịt chó, mèo. Không chỉ có quán anh Dương, Four Paws cũng làm điều tương tự với các nhà hàng thịt chó, mèo tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
|
Sáng ngày 15/12/2020, trước sự có mặt của hai cô con gái, của gia đình nội ngoại cũng như các bạn Four Paws, chính tay anh Dương đã xé và hạ biển quảng cáo thịt chó mèo xuống để chấm dứt công việc sát hại động vật tội nghiệp này.
Anh chia sẻ sẽ thay công việc giết hại chó mèo bằng công việc sửa xe máy, xe đạp điện ngay chính cửa hàng mình. Dù sắp tới, công việc mới, anh phải học một thời gian và có khó khăn về thu nhập nhưng anh vẫn cảm thấy hạnh phúc và hứng khởi. Không chỉ vậy, anh mong mỏi: “Tôi mong mọi người chuyển hướng sang làm nghề khác, xin đừng sát hại động vật đáng thương. Mọi người xin đừng ăn thịt chó, mèo vì điều này đã gián tiếp cho vấn nạn giết hại chó mèo.
Mẹ vợ của anh, bà Phạm Thị Huệ (phường Hoàng Diệu, Thái Bình), 62 tuổi không giấu niềm vui: “Tôi là người yêu động vật và rất thương chó mèo. Nhà tôi nuôi chó mèo, khi chết, chúng tôi còn làm đám ma, còn chôn cất đàng hoàng. Khi vợ chồng con gái tôi từ Sóc Sơn về đây mở quán, tôi khuyên bảo thế nào cũng không nghe. Tôi buồn lắm và không ra quán chơi. Chỉ khi nào đón các cháu, tôi đứng ở ngoài đường đợi các cháu ra rồi đèo về nhà mình chứ không vào nhà các con. Và đã bao năm nay, dù giỗ to hay nhỏ, dù có liên hoan, ăn nhậu, tôi đều cấm tiệt không cho gia đình ăn thịt chó, mèo. Thỉnh thoảng, nhiều chó mèo, các con đều mang sang nhà gửi. Tôi chăm sóc cho ăn uống cẩn thận. Nhưng mỗi lần, các con chở chúng đi giết hại làm mồi nhậu, tôi đều lấy khăn lau nước mắt vì thương chúng. Bây giờ, thấy vợ chồng con gái đổi nghề, tôi hạnh phúc lắm!”.
25 chú chó mèo được anh Dương bàn giao cho tổ chức Four Paws. Chúng được giải cứu về Cơ sở bảo tồn gấu của tổ chức ở Ninh Bình, nơi các bác sĩ thú y đã kịp thời chăm sóc y tế khẩn cấp cho những con vật này. Sau khi được điều trị và phục hồi chức năng, chúng sẽ được nhận về làm vật nuôi trong các gia đình.
|
25 chú mèo, chó trong lồng sắp được “tự do”. |
Mỗi năm, khoảng năm triệu con chó và một triệu con mèo bị giết mổ dã man để lấy thịt ở Việt Nam, phần nhiều trong số đó là vật nuôi bị đánh cắp. Không giống như buôn bán thịt chó, buôn bán thịt mèo không được đề cập nhiều, mặc dù, việc buôn bán này sinh lợi cao vì đây được coi là một món ăn ngon ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Four Paws, một kg thịt chó có giá từ 7,3 đến 10,9 đô la Mỹ. Trong khi đó, giá một kg thịt mèo có thể lên đến 13,3 đô la Mỹ - và thịt mèo đen thậm chí lên đến 24,3 đô la Mỹ. “Mỗi năm có hàng triệu con chó và mèo - cả khỏe mạnh và ốm yếu, mèo nhà lẫn đi lạc - bị bắt một cách thô bạo từ các đường phố ở Việt Nam, nhồi nhét vào những chiếc lồng nhỏ và vận chuyển khắp đất nước, với hành trình thường kéo dài nhiều ngày.
Để phục vụ nhu cầu ăn thịt chó, mèo, chúng cũng được nhập khẩu từ các nước láng giềng Trung Quốc và Lào. Điều này không chỉ vô cùng tàn ác mà còn vi phạm một cách trắng trợn các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong những thời điểm như hiện nay”, Tiến sĩ Katherine Polak, bác sĩ thú y và Trưởng nhóm chăm sóc động vật đi lạc ở Đông Nam Á chia sẻ. Các điều kiện mất vệ sinh trong quá trình vận chuyển cũng như trong các lò giết mổ và nhà hàng, nơi thường nuôi nhốt nhiều loài động vật để thịt, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các bệnh lây nhiễm.
Việc buôn bán này thường đầy rẫy sự bất hợp pháp và tàn bạo. Do nhu cầu ngày càng tăng không thể đáp ứng được nếu chỉ bắt động vật đi lạc, nên những người buôn bán thịt chó mèo cũng thường trộm vật nuôi. Từ đó, các cuộc đối đầu bạo lực giữa chủ vật nuôi và kẻ trộm thường xuyên xảy ra, thậm chí đã từng gây tử vong.
Để đóng cửa nhà hàng, giải cứu và tìm mái ấm mới cho các con vật này thành công, Tổ chức Four Paws và Quỹ thay đổi vì động vật đã làm việc với các thành viên địa phương của liên minh Cats Matter Too, bao gồm Trung tâm Giải cứu vật nuôi Hà Nội, Trạm cứu hộ động vật Paws for Compassion và Tổ chức Phúc lợi mèo Việt Nam.
Tiến sĩ Karanvir Kukreja, Bác sĩ thú y và Giám đốc dự án của chiến dịch quốc tế Four Paws cho hay: Nhằm chấm dứt một cách bền vững nạn buôn bán thịt chó, mèo tàn ác ở Đông Nam Á, Four Paws cũng đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. Hơn một triệu người trên thế giới đã ký vào bản kiến nghị chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo, trong đó có 200.000 người Việt Nam.
“Thông qua giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm và Hiệp hội Du lịch, chúng tôi muốn thúc giục các Chính phủ ban hành và thực thi luật cấm buôn bán thịt chó, mèo, bảo vệ cả động vật và sức khỏe cộng đồng. Việc đóng cửa nhà hàng này chứng tỏ tình hình đang thay đổi ở Việt Nam, ngày càng có nhiều chủ sở hữu thú cưng và người trẻ ở Việt Nam lên tiếng phản đối việc buôn bán, và ngay cả bản thân các chủ nhà hàng cũng không còn muốn tham gia vào ngành nghề kinh doanh này. Chúng tôi hy vọng việc đóng cửa nhà hàng và lò mổ này là bước khởi đầu cho các nhà hàng tiếp theo ở Việt Nam”.