“Bán thốc, bán tháo”
Theo phản ánh của người dân xã Tân Lập (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), ,trong nhiều năm qua, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất công tại các thôn Liêu Hạ, Nho Lâm đã bị bán trái thẩm quyền thông qua hoạt động tổ chức đấu thầu, xác nhận quyền sử dụng của chính quyền địa phương.
Để làm rõ những nội dung này, nhóm phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và làm rõ. Qua đó, phát hiện hàng loạt các khuất tất trong quản lý đất đai tại xã Tân Lập. Việc mua bán đất trái thẩm quyền ở đây diễn ra tràn lan khắp các thôn xóm, đến mức người dân mô tả việc này là “bán thốc, bán tháo”. Việc mua bán đất trái thẩm quyền dễ dàng đến mức người dân ví von các lãnh đạo xã, thôn ở đây có khả năng “che được cả bầu trời”. Đáng nói, các khu đất bán trái thẩm quyền luôn có “bóng dáng” người thân của các cán bộ thôn, xã…
Cụ thể, tại khu đất cao Mẫu Tư (thôn Liêu Hạ) có hơn 450 m2 đã bị các cán bộ thôn, xã chia thành 5 thửa đất và tổ chức bán trái thẩm quyền vào ngày 4/2/2010 cho 5 hộ dân (Trần Văn Lục, Trần Văn Thơn, Trần Văn Quang, Lê Văn Trường, Đặng Thị Băng). Mỗi thửa đất có diện tích 90 m2 được bán với giá 180 triệu đồng, tổng 5 thửa thu hơn 1 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong 5 hộ mua chỉ có 4 hộ có giấy thu tiền, còn 1 hộ là bà Đặng Thị Băng thì không có hóa đơn, chứng từ. Khi phóng viên đề nghị ông Nguyễn Đình Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Lập giải trình việc này, ông Khánh chỉ lặng im. Vậy, phải chăng số tiền này đã để ngoài sổ sách?
Tiếp đó, tháng 8/2015, ông Lê Minh Đông (nguyên Trưởng thôn Liêu Hạ) tiếp tục phối hợp với UBND xã Tân Lập chia 5 suất đất giãn dân tại khu Đống Vương bán cho 2 hộ dân là: Nguyễn Văn Toan và Lê Văn Thiện, tổng diện tích 500m2 với giá 150 triệu đồng/100m2. Giá bán này được người dân địa phương ví von là “rẻ như cho”, bởi giá trị thực của mỗi thửa đất tại khu vực này không dưới 500 triệu đồng/1 suất. Việc bán đất trái thẩm quyền với giá rẻ mạt khiến người dân địa phương vô cùng bất bình và đặt ra nghi vấn có “lợi ích nhóm”.
Khu đất Đồng Mía (thôn Liêu Hạ) có diện tích khoảng 1000 m2 vốn là đất công do UBND xã Tân Lập quản lý nhưng đã bị “xẻ” thành 8 thửa đất, bán cho 8 hộ dân vào năm 2014. Các hộ dân mua đất tại đây bao gồm: Trần Văn Bốn, Đỗ Văn Tấn, Chu Quang Tiệp, Nguyễn Thị Vang, Trần Thị Minh, Nguyễn Văn Phú, Lê Văn Hạnh.
Một người dân địa phương đề nghị giấu tên cho biết: “Khu đất Đồng Mía được bán năm 2014 là bán trái thẩm quyển. Bởi đây là đất 5% thuộc sự quản lý của Nhà nước. Trước đó, diện tích đất này được các hộ dân gần đó tận dụng trồng rau màu. Tuy nhiên, năm 2014, các cán bộ thôn xã đã “câu kết bán thốc, bán tháo” cho nhiều cá nhân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc bán đất trái thẩm quyền được thể hiện rõ trong phiếu thu tiền với chữ ký của 3 cán bộ: Lê Minh Đông (nguyên Trưởng thôn Liêu Hạ), Trần Thị Vịnh (Kế toán xã Tân Lập) và Trần Ngọc Mạ (Phó trưởng thôn Liêu Hạ). Ở một phiếu thu khác, chỉ có ông Trần Quang Đại (nguyên Bí thư thôn Liêu Hạ) và Lê Văn Hòa (nguyên Phó trưởng thôn).
Không dừng lại đó, năm 2016, cũng tại khu đất Đồng Mía (đoạn giáp cây xăng), hơn 500 m2 đất nông nghiệp cũng đã bị cắt bán cho 2 hộ dân: Đỗ Thị Hiền (200 m2) và Nguyễn Văn Phú (300 m2). Trong đó, bà Đỗ Thị Hiền là em gái Bí thư xã Tân Lập – Đỗ Xuân Sang. Sau khi bán, UBND xã Tân Lập đã tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất này thành đất thổ cư bằng cách hợp thức hóa bằng việc xác định nguồn gốc đất lấn chiếm từ trước năm 1993. Hiện nay, 1 hộ đã xây tường bao, 1 hộ đã xây nhà kiên cố.
|
Hơn 500m2 đất nông nghiệp Đồng Mía bị cắt bán cho 2 hộ dân, trong đó có bà Đỗ Thị Hiền là em gái Bí thư xã Tân Lập |
Lãnh đạo thôn, xã đều có suất
Khi ông Lê Minh Đông “rời ghế” Ttrưởng thôn Liêu Hạ, Trưởng thôn mới là ông Hoàng Quang Hòa lên “nắm quyền” và tiếp tục thực hiện việc bán đất trái thẩm quyền ở nhiều khu đất khác nhau trên địa bàn thôn Liêu Hạ. Trong đó, có cả nhà mẫu giáo thôn Liêu Hạ được bán một cách công khai cho bà Nguyễn Thị Mai (em gái Trưởng thôn Hoàng Quang Hòa) với giá 250 triệu đồng.
Tiếp đó, Trưởng thôn Hoàng Quang Hòa bán 200 m2 đất ruộng công điền tại khu ngõ Cả (thôn Liêu Hạ) cho em họ là ông Nguyễn Văn Bằng.
Bên cạnh đó, tại khu ao làng thôn Liêu Hạ vốn là ao cá Bác Hồ có diện tích khoảng 6000 m2 cũng đã được UBND xã Tân Lập phân lô, bán trái thẩm quyền trong suốt nhiều năm qua. Cụ thể, khoảng 3000 m2 đã bị cắt cho thuê làm xưởng may, còn 3000 m2 còn lại được phân thành 33 lô đất và bán cho nhiều cá nhân khác nhau.
Đáng lưu ý, trong số những người mua đất bị bán trái thẩm quyền có cả Chủ tịch xã Tân Lập - Nguyễn Đình Khánh, Bí thư xã Đỗ Xuân Sang, kế toán xã Trần Thị Vịnh và các con cháu, họ hàng của cán bộ xã, thôn.
Ước tính số diện tích đất tại khu ao làng do các cán bộ xã và họ hàng nắm giữ lên đến 1000 m2. Giá mỗi suất đất tại khu vực này từ vài trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng tùy diện tích và vị trí.
Một người dân thôn Liêu Hạ đề nghị giấu tên cho biết: “Việc bán đất trái thẩm quyền không chỉ xảy ra ở khu ao làng mà còn nhiều vị trí khác nằm rải rác khắp xã. Việc bán trái thẩm quyền được tổ chức đấu thầu trong thôn với “mác” gây dựng kinh phí cho thôn, xã, xây dựng, kiến thiết… thậm chí có một vài trường hợp là “đi đêm”.
Tại thôn Nho Lâm (xã Tân Lập), năm 2017, sau khi tổ chức bán đất quy hoạch giãn dân, UBND xã Tân Lập đã trừ lại khoảng hơn 1000m2. Diện tích đất này được bán cho nhiều người, trong đó, 100m2 cho ông Đỗ Văn Nho là em trai của ông Đỗ Văn Ba (Trưởng thôn Nho Lâm); 600m2 cho Công ty TNHH Hoàng Phát làm nhà xưởng; 130m2 cho bà Nguyễn Thị Trấn ở thôn Liêu Thị.
Ngoài ra, còn 540m2 đất đấu thầu hoa lợi cũng được bán cho bà Nguyễn Thị Vinh (thôn Nho Lâm). Tuy nhiên, ngay sau đó, diện tích này đã được bà Vinh chuyển nhượng cho con trai Chủ tịch UBND xã Tân Lập. Hiện nay, diện tích đất bán trái thẩm quyền này đã được xây dựng thành 3 dãy nhà trọ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc bán đất trái thẩm quyền rõ ràng là vậy. Tuy nhiên, UBND xã Tân Lập vẫn có cách hợp lý hóa cho những người mua đất bị bán trái thẩm quyền bằng việc “phù phép” việc xác định nguồn gốc đất là loại đất ONT (đất thổ cư) hoặc đất đã lấn chiếm, sử dụng từ trước năm 1993 để người mua có thể làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc mua bán, chuyển nhượng.
|
Năm 2017, UBND xã Tân Lập đã bán khoảng hơn 1000m2 tại thôn Nho Lâm bán cho nhiều cá nhân, tổ chức xây dựng nhà xưởng, nhà ở kiên cố, trong đó có cả em trai Trưởng thôn Nho Lâm Đỗ Văn Ba |
Xã loanh quanh, huyện lặng im
Để làm rõ các vấn đề nêu trên, nhóm phóng viên đã tìm đến UBND xã Tân Lập. Tại buổi làm việc đầu tiên vào ngày 25/10/2018, Phó Chủ tịch xã Tân Lập - Lê Văn Thuận cho biết, do Chủ tịch xã đi vắng mà ông lại mới đảm nhiệm chức vụ được gần 3 năm nên không nắm rõ sự việc. Vì vậy, ông Thuận đề nghị phóng viên để lại nội dung làm việc và hẹn sẽ liên hệ lại sau.
Tuy nhiên, kể từ đó, nhóm phóng viên đã năm lần, bảy lượt đến trụ sở UBND xã Tân Lập nhưng ông Nguyễn Đình Khánh – Chủ tịch UBND xã Tân Lập liên tục né tránh, kéo dài thời gian trả lời các vấn đề mà người dân tố cáo.
Sau nhiều ngày liên hệ, nhóm phóng viên mới có được buổi làm việc chính thức với Chủ tịch xã Tân Lập – Nguyễn Đình Khánh và Bí thư xã Tân Lập – Đỗ Xuân Sang. Tại buổi làm việc, ông Khánh thừa nhận có sự buông lỏng quản lý đất đai, tuy nhiên, sai sót trong việc bán hàng nghìn mét đất trái thẩm quyền là do các cụ cao tuổi trong thôn tổ chức chứ xã không biết.
Khi phóng viên đề cập vấn đề xã không biết nhưng tại sao người nhà các bán bộ xã vẫn tham gia mua bán đất trái thẩm quyền thì Chủ tịch xã Tân Lập không trả lời được. Trong quá trình làm việc, phóng viên đã nhiều lần đề nghị cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý đất đai, mua bán đất nhưng UBND xã Tân Lập không xuất trình được.
Để tiếp tục làm rõ những khuất tất trong việc bán đất trái thẩm quyền tại xã Tân Lập, nhóm phóng viên cũng nhiều lần liên hệ và đến làm việc tại UBND huyện Yên Mỹ. Tuy nhiên, đã nhiều tháng trôi qua UBND huyện Yên Mỹ vẫn im lặng, không có bất cứ một động thái nào.