Ngày 22/9, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đơn vị đã tiến hành phân tích kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang về hai độc tố Bacillus cereus và Salmonella được phát hiện trong thực phẩm làm bánh mỳ Phượng và xác định được nguyên nhân chính gây ngộ độc.
Theo đó, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm mẫu thịt heo xíu mại (lấy mẫu ngày 11/9) và căn cứ mẫu phân của các bệnh nhân bị ngộ độc xác định vi khuẩn Salmonella là căn nguyên gây ngộ độc thực phẩm.
|
Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quảng Nam xác định vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ Phượng. |
“Sở Y tế sẽ tiến hành làm việc với hộ kinh doanh bánh mỳ Phượng để lập biên bản vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật”, Chi cục ATVSTP Quảng Nam thông tin.
Theo Chi cục ATVSTP Quảng Nam, vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có nhiều vụ quy mô lớn trên thế giới.
Vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong nước từ 2-3 tuần, ở trong phân từ 2-3 tháng, bị tiêu diệt ở 100 độ C trong vòng 5 phút, hoặc chất sát khuẩn thông thường. Các loại như thịt gà, thịt lợn, sữa tươi, trứng, rau các loại, sò, hến, trai và gia vị những thực phẩm có thể bị nhiễm Salmonella. Con đường lây truyền vi khuẩn chủ yếu qua món ăn không nấu chín hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường kém, nguồn nước không đảm bảo, hệ thống thoát nước không đạt chuẩn... cũng là nguồn lây bệnh.
|
Bánh mỳ Phượng là thương hiệu ẩm thực lâu năm, nổi tiếng của TP Hội An. |
Thời gian ủ bệnh khi bị ngộ độc Salmonella thường từ 12-24 giờ, nhưng có thể kéo dài vài ngày có thể tới 6-7 ngày. Các dấu hiệu đầu tiên là bệnh nhân thấy buồn nôn, nhức đầu choáng váng khó chịu, sốt, đau bụng. Sau đó xuất hiện nôn mửa và tiêu chảy nhiều lần, phân toàn nước, đôi khi có máu đó là triệu chứng viêm dạ dày ruột cấp tính.
Ngoài những triệu chứng đã mô tả trên, cá biệt có bệnh nhân lại biểu hiện như một bệnh thương hàn, cảm cúm nghĩa là sốt rất cao 39-40 độ C, mệt mỏi toàn thân, đau ở vùng thắt lưng và cơ bắp. Các triệu chứng rối loạn tiêu hoá biểu hiện rất nhẹ hoặc không có, vì vậy rất dễ chẩn đoán nhầm.
Đáng chú ý, vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, từ nhẹ đến rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần giám sát chế độ vệ sinh nơi ăn uống, không ăn thực phẩm tái, gỏi và đun sôi thực phẩm trước khi ăn.
|
Ngành y tế Quảng Nam ghi nhận có 150 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng. |
Liên quan đến vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ Phượng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam TS Mai Văn Mười cho biết, trong sáng 21/9, tổng cộng 150 người ngộ độc nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đều đã được xuất viện.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin, chiều 12/9, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Nam tiếp nhận thông tin 5 người trong 1 gia đình có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ ở tiệm bánh mỳ Phượng. Sau đó, số lượng bệnh nhân tăng nhanh, tính đến hôm nay 21/9 ghi nhận tổng cộng 150 người ngộ độc.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu tiệm bánh mì Phượng tạm ngưng hoạt động, chờ xác minh. Bà Trương Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất bánh mỳ Phượng, cũng đã có thư xin lỗi gửi đến khách hàng sau sự cố nhiều người bị ngộ độc do ăn bánh mì tại tiệm của bà.