Điều đáng nói là chỉ có 1/10 số vụ được đưa ra xét xử. Một trong những nguyên nhân của con số “khiêm tốn” này là bởi vì vẫn đang tồn tại một khoảng cách từ pháp luật tới thực tiễn.
Dâm ô không nhất thiết phải có tiếp xúc
Tháng 7/2016 tại xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội xảy ra một vụ việc xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Nạn nhân là cháu Lê Vân K. và người bị tố là ông N.Q.H (61 tuổi) hàng xóm của nạn nhân.
Cha mẹ bé gái sau khi nghe đứa con gái 3 tuổi hồn nhiên mách chuyện bị ông già hàng xóm 61 tuổi sờ “vùng kín” đã tố cáo hành vi xâm hại của người đàn ông này. Gia đình ông H. nhất quyết không thừa nhận việc hành vi này là XHTDTE . Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều luật sư cho rằng một trong những lý do khiến đối tượng không thừa nhận hành vi của mình là vì trong pháp luật hiện hành đang thiếu sự quy định rõ thế nào là dâm ô trẻ em.
“Thiếu quy định rõ thế nào là dâm ô trẻ em” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều tại Hội thảo Phòng chống XHTDTE – từ luật pháp đến chính sách thực tiễn diễn ra ngày 7/12. TS. Hoàng Ngọc Tuyên – Vụ Pháp chế và Quản lý, Viện KSND Tối cao trong phát biểu của mình xung quanh vấn đề thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các vụ án XHTDTE đã nhấn mạnh kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn thống nhất khái niệm “dâm ô” để khắc phục vướng mắc đang tồn tại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xác định tội danh dâm ô với trẻ em.
Đồng quan điểm, Luật sư Ngô Anh Tuấn – Văn phòng Luật ATN cho rằng hành vi dâm ô không phải lúc nào cũng để lại thương tổn. trong khi đó về mặt cấu thành tội phạm cấu thành tội dâm ô phải có hành vi xâm hại (tiếp xúc) trực tiếp đến cơ thể trẻ em.
“Các hành vi gián tiếp khác như gạ gẫm, gợi ý, rủ rê hoặc cho nạn nhân tiếp cận các hành vi tính dục một cách thụ động và từ xa thông qua các giác quan như nghe, nhìn… thì đều nên được hiểu đó là hành vi dâm ô và có dấu hiệu tội phạm. Phải có chứng cứ vật chất mới khởi tố, truy tố - đó thực sự là một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống luật hình sự Việt Nam trong vấn đề chống lại nạn XHTDTE” – Luật sư Tuấn nhấn mạnh.
“Một đứa trẻ bị một đối tượng bắt xem phim sex cùng hoặc đọc tin sex do đối tượng gửi. Sau đó nhờ việc xem phim sex và nhắn tin sex này mà đối tượng thỏa mãn tình dục mà không đụng chạm gì đến đứa trẻ. Nếu theo hướng tư duy trọng chứng hơn trọng cung thì rõ ràng đứa trẻ không bị thương tổn gì về mặt thể xác, nhưng thương tổn tâm lý thì có (từ chỗ là trẻ em ngây thơ giờ bị ám ảnh bởi phim sex, tin nhắn sex), thì đó rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật” – Luật sư Nguyễn Anh Tú – Giám đốc Công ty Luật Fanci nêu ra một ví dụ và nhấn mạnh rằng nhắn tin tình dục, nói chuyện tình dục, thị dâm… đều là những hành vi tình dục và mọi tấn công về tình dục với trẻ em cần phải được hình sự hóa một cách tối đa.
“Cháu bị hiếp dâm chính vì do cháu”?!
Thực tế cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam xảy ra rất nhiều vụ XHTDTE (năm 2014: 1.544 vụ; năm 2015: 1.355 vụ; năm 2016: 1.248 vụ; 6 tháng đầu năm 2017: 696 vụ, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016), nhưng chỉ có 1/10 số vụ việc bị mang ra xét xử. Lý giải con số ít ỏi này, Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng gia đình nạn nhân nhận thấy nếu họ lên tiếng để đòi công lý cho con em mình thì cái đầu tiên họ nhận được không phải sự công bằng mà là sự kỳ thị của xã hội, khiến nhiều gia đình phải từ bỏ quê mà đi.
Một nghiên cứu của UN Women về cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam cũng chứng minh nhận định của Luật sư Tú là chính xác. Theo bà Nguyễn Thị Thủy – đại diện của UN Women thì trẻ em, phụ nữ Việt Nam khi trình báo về các vụ việc xâm hại tình dục thường gặp phải những rào cản trong tiếp cận công lý, đó là những chính sách và thông lệ xã hội.
“Cháu bị hiếp dâm chính vì cách ăn mặc của cháu, nếu không phải là người này thì cháu cũng sẽ bị người khác lạm dụng” – bà Thủy nhắc lại ghi chép của nữ nhân viên xã hội về lời của một cán bộ công an thụ lý vụ hiếp dâm nạn nhân 12 tuổi.
Chính vì rào cản trong tiếp cận công lý mà tỷ lệ nạn nhân bỏ cuộc ở giai đoạn trình báo và tiếp xúc ban đầu là rất cao, theo nghiên cứu của UN Women. Còn nếu đã đi tiếp được cuộc hành trình thì họ lại vấp vào một cản trở khác, đó là thủ tục tố tụng của tòa án thường rất lâu và cơ quan tố tụng thường tập trung vào chứng cứ về mặt thể xác, bằng chứng pháp lý tin cậy hay độ tin cậy toát ra từ nạn nhân hơn là độ tin cậy của sự việc.
“Một nam công an đã nói: Trong trường hợp phụ nữ đứng đắn trình báo thì người đó nhìn chung thường tỏ ra bối rối, nhút nhát. Chỉ cần nhìn cách đối tượng ăn mặc thì cũng có thể đoán ra họ làm nghề gì. Nếu thái độ của đối tượng khi trả lời các câu hỏi về tình dục là khá cởi mở thông qua cách nói chuyện của họ thì cần cân nhắc lại vụ việc” – bà Thủy đưa ra dẫn chứng.
Phân tích khó khăn trong phòng ngừa, xác minh tội phạm XHTDTE, Trung tá Khổng Ngọc Oanh – Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cũng thừa nhận rằng hiện nay nhiều cán bộ công an, kiểm sát viên chưa được đào tạo, tập huấn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em nên gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ từ lời khai của nạn nhân trong các vụ XHTDTE.
“Nhiều cán bộ không có kỹ năng hỏi nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần gây hoảng loạn cho trẻ. Đó là chưa nói đến ở các vụ XHTDTE mà trẻ em là trẻ em trai, các nạn nhân này thường là trẻ đường phố và vì cuộc sống khó khăn nên thường có sự đồng tình với thủ phạm (để nhận được tiền) nên không tố giác, đòi hỏi người điều tra phải kết hợp nhiều biện pháp để tìm ra sự thật. Hiện chúng tôi đang xây dựng quy trình kỹ năng làm việc với nạn nhân bị xâm hại tình dục để nạn nhân không bị tổn thương tâm lý, không bị quy kết lỗi từ sự ảnh hưởng thông lệ xã hội” – Trung tá Oanh cho biết.
Liên Hợp quốc lo ngại về tình trạng XHTDTE ở Việt Nam
Ngày 17/3/2017, Liên Hợp quốc đã ra thông cáo bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng trước cường độ tăng mạnh của các vụ XHTDTE ở Việt Nam: “Tuy hoan nghênh động thái của Chính phủ Việt Nam trong việc điều tra các vụ việc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em gần đây, nhưng Liên Hợp quốc vẫn hết sức lo ngại rằng lạm dụng trẻ em xảy ra trên diện rộng và đa số các vụ việc không được báo cáo hoặc không được chính quyền xử lý đầy đủ ngay cả khi đã được báo cáo”.