Xăng dầu thiếu cục bộ: Cũng là đứt gãy chuỗi cung ứng!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xăng dầu đang thiếu cục bộ. Chính phủ cũng đã nhận định, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng hạn chế, tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó đã lan ra các địa phương phía Bắc, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính vì thế, cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện số 1085/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Đây là công điện thứ 2, đầu tháng 11 đã có Công điện số 1039/CĐ-TTg.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngay các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

“Nguồn cung ứng xăng dầu” cũng là một phần của chuỗi cung ứng. “Đứt gãy” nguồn cung ứng xăng dầu, cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chuỗi giá trị nói chung của hoạt động kinh tế.

Có những nguyên nhân nhìn thấy, nhận ra, nhưng cũng có những nguyên nhân khó nhận biết. Trong đó có những “bất cập” từ văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì thế, tại Công văn (đã dẫn), Thủ tướng yêu cầu: “Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn; bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022”.

Xin nói thêm, Nghị định 95/2021/NĐ-CP mới có hiệu lực thi hành từ ngày 2/1/2022. Điều đó cho thấy, cuộc sống luôn thay đổi, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý cũng phải “vận động”, “bắt nhịp”. Tại một cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu hồi tháng 2/2022, người đứng đầu Bộ Công Thương đã “yêu cầu truy đến nơi việc kêu thiếu xăng dầu”, đồng thời cảnh báo dù mới chỉ là hiện tượng nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm thì hệ luỵ sẽ rất lớn, nhất là “tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm 6/7, đã nhất trí cao về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành để kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao.

Nhiều vấn đề khác như đối tượng quản lý, điều kiện kinh doanh xăng dầu, thời gian điều hành giá xăng dầu, nguyên tắc điều hành giá xăng dầu; công thức giá cơ sở; công khai, minh bạch trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu; trách nhiệm của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân... cũng sẽ được tiếp tục xem xét.

Bảo đảm khoa học, hợp lý, khả thi, hiệu quả... là những yêu cầu của Thủ tướng tại Công điện số 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm