Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi Bộ luật Hình sự phải đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi trong bối cảnh đất nước ta có những thay đổi lớn về mọi mặt, nhất là phải góp phần củng cố hơn nữa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thận trọng chuyển đổi “tiền thành tù”
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Văn Hoàn cho biết, Dự thảo Bộ luật có tổng số 427 điều, trong đó giữ nguyên 17 điều, bổ sung mới 47 điều, sửa đổi 361 điều và bãi bỏ 7 điều của BLHS hiện hành với khá nhiều nội dung mới đáng chú ý.
Riêng về việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành án phạt tiền, án cải tạo không giam giữ, theo ông Hoàn, có một số ý kiến tán thành sự cần thiết bổ sung cơ chế trên để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của hai hình phạt này. Nếu chờ để xử lý về tội không chấp hành án thì quá lâu mà không hiệu quả và hầu như tội này không được xét xử trên thực tế.
Báo cáo thêm về cơ chế chuyển đổi, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa bày tỏ, việc bổ sung quy định này sẽ được cân nhắc hết sức thận trọng, bởi lẽ đây là việc chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn (từ không tù trở thành tù); hơn nữa, sẽ phải tính đến nhiều vấn đề như nếu chuyển đổi thì tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, đặc biệt là tỷ lệ chuyển tiền thành tù và nhất là trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù; thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi như thế nào cần phải được làm rõ; quan hệ giữa quy định này với quy định của BLHS về tội không chấp hành án và quy định của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án cũng cần phải được làm rõ.
Bà Thoa còn chia sẻ kinh nghiệm của các nước Đức, Nhật, Australia, trong đó ở Đức, việc chuyển đổi được ghi rõ trong bản án và lo lắng khi áp dụng tại Việt Nam, “người dân tìm mọi cách vay mượn để không đi tù cũng rất tội cho họ”.
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh lại băn khoăn về điều kiện để được cải tạo không giam giữ, đặc biệt là điều kiện có chỗ ở ổn định thì người nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ sẽ không đáp ứng được.
Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Văn Đạt cho biết, kết quả khảo sát của Viện Khoa học pháp lý cho thấy cơ chế chuyển đổi được người dân ủng hộ nhưng “khó” ở chỗ đây là cơ chế đi ngược lại bảo vệ quyền con người khi chuyển từ không tù thành tù.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị nghiên cứu thêm nhằm bình đẳng cho những đối tượng yếu thế về điều kiện được cải tạo không giam giữ, chẳng hạn có hình thức lao động công ích như đề xuất của ông Cù Thu Anh.
Không giữ quan điểm hành chính là “em” hình sự
Cũng theo ông Hoàn, một số ý kiến nêu quan điểm: hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn hành vi vi phạm hành chính nên việc xử phạt hình sự phải nghiêm khắc hơn xử phạt hành chính. Do vậy, đối với loại hành vi vi phạm vừa có chế tài xử phạt hành chính, vừa có chế tài xử lý hình sự thì mức khởi điểm của hình phạt tiền trong chế tài hình sự phải bằng hoặc cao hơn mức tối đa của phạt tiền hành chính để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về xử lý các vi phạm pháp luật.
Đây cũng là ý kiến cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền bởi theo Thứ trưởng, mức phạt tiền cần đảm bảo là nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự.
Ngược lại, nhiều chuyên gia phân tích, tính nghiêm khắc của việc xử phạt hình sự so với xử phạt hành chính không chỉ thể hiện thuần túy ở chế tài xử phạt mà còn ở các khía cạnh khác liên quan đến quy trình tố tụng hình sự và đặc biệt là hậu quả pháp lý mà người bị kết án phải gánh chịu – đó là án tích.
Ngoài ra, mức phạt tiền hành chính tối đa không phải áp dụng đối với mọi trường hợp vi phạm hành chính mà thường chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng có nhiều tình tiết tăng nặng… Vì thế, việc đồng loạt lấy mức tối đa của phạt tiền hành chính đối với từng loại vi phạm để áp dụng cho mọi trường hợp phạm tội đơn giản liên quan đến từng loại vi phạm đó (khung cơ bản) là không phù hợp.
Không những thế, nếu lấy mức tối đa của phạt tiền hành chính làm mức khởi điểm phạt tiền hình sự thì sẽ dẫn đến tình trạng quy định mức phạt tiền đối với các tội phạm quá cao, điều này có nhiều khả năng gây ra tình trạng tồn đọng án.
Tán thành quan điểm vừa nêu, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Đặng Thanh Sơn cho rằng, không nhất thiết trong mọi trường hợp, mức khởi điểm của hình phạt tiền trong chế tài hình sự phải bằng hoặc cao hơn mức tối đa của phạt tiền hành chính.
Ông Sơn lý giải, nếu cứ quan niệm hành chính là “em” hình sự sẽ có nhiều điểm vướng, vì mối quan hệ giữa hành chính và hình sự không đơn thuần là phạt tiền, mà còn tước quyền sử dụng giấy phép và cấm hành nghề. Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật chưa tính đến mối quan hệ giữa biện pháp xử lý hành chính và tội phạm khi Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định cả xử phạt và áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường ủng hộ quan điểm “không nhất thiết trong mọi trường hợp, mức khởi điểm của hình phạt tiền trong chế tài hình sự phải bằng hoặc cao hơn mức tối đa của phạt tiền hành chính”. Bộ trưởng đồng thời yêu cầu rà soát lần nữa các quy định của Hiến pháp về quyền con người bảm đảo bám sát những định hướng sửa đổi đã được Chính phủ thông qua, nhất là phải xây dựng Bộ luật có sức sống lâu dài, góp phần củng cố hơn nữa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.