Hun đúc nên nhiều truyền thống vẻ vang
Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 95 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của Nhân dân. Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đạt được những thành tựu vẻ vang.
Và cũng chính trong quá trình đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cho rằng, Đảng ta đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang mà hôm nay chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy. Đó là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, luôn luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí. Đó là truyền thống đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi việc”
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là một sự nghiệp cách mạng vô cùng to lớn, vĩ đại, “một cuộc chiến đấu khổng lồ” như Bác Hồ đã nói, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước bên cạnh mặt thuận lợi, thời cơ, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết.
Một trong những vấn đề luôn được Đảng ta hết sức quan tâm là vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược càng cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi việc”. Qua mỗi thời kỳ, Đảng ta đều lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý kịp thời công tác cán bộ, thể hiện sự nhận thức ngày càng rõ ràng hơn, khoa học hơn; kết quả là đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu công vụ trong quá trình hội nhập quốc tế và xây dựng đất nước giàu mạnh.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ, các nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng được nêu tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra những yêu cầu cụ thể về xây dựng đội ngũ cán bộ. Tại Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, khi rút ra các bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, bài học thứ ba đã được Đảng ta khẳng định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng… Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân”.
Đại hội XIII cũng xác định rõ mục tiêu: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển đất nước. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển... Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với Nhân dân.
Nhìn lại Đảng ta, số đông cán bộ, đảng viên ta có những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Nhờ vậy, trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trên mọi mặt trận của cuộc chiến đấu thần thánh giải phóng dân tộc, cán bộ, đảng viên ta là những người tiên phong, “đứng mũi chịu sào”. Cũng nhờ vậy, bằng mọi công tác tuyên truyền, giáo dục, bằng cách phát huy tác dụng gương mẫu..., đội ngũ chúng ta đã làm nảy nở hàng loạt con người mới từ trong quần chúng Nhân dân.
Tuy nhiên, phải nhận ra rằng trong Đảng ta cũng có một số ít cán bộ, đảng viên đã phạm những khuyết điểm, sai lầm, thậm chí sa sút về mặt phẩm chất cách mạng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhận định: “Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải nâng cao hơn nữa đạo đức, phẩm chất cách mạng. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã yêu cầu: Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng… Những phương hướng nói trên đã chỉ ra cho cán bộ, đảng viên chúng ta những nội dung cần bồi dưỡng về phẩm chất, đạo đức cách mạng phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy đang được cả hệ thống chính trị triển khai quyết liệt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết.
Về phẩm chất, yêu cầu đối với cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì lợi ích chung; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân. Dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu; khơi thông “điểm nghẽn”, giải quyết vướng mắc, ách tắc trong thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giải quyết những vấn đề sai sót tồn đọng, kéo dài hoặc đột phá đối với những vấn đề mới chưa có quy định hoặc quy định chồng chéo, thiếu thống nhất, khó thực hiện…
Tổng Bí thư cũng nêu nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới: Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số.
Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế; bảo vệ đối với những trường hợp nguy cơ rủi ro, sai sót từ sớm, ngay khi có kế hoạch, không để nhụt chí.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn.