“Xây dựng đội ngũ cán bộ ngành THADS trong Quân đội vững mạnh”

(PLO) - Địa bàn rộng, biên chế ít, cơ chế phối hợp nơi này, nơi khác còn chưa thực sự ăn ý... dù vậy nhưng với quyết tâm cao, hệ thống Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) trong Quân đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Ngọc Trai - Cục trưởng Cục Thi hành án (Bộ Quốc phòng).
Đổi mới về phương pháp, tác phong
Ông đánh giá như thế nào về sự trưởng thành của Thi hành án quân đội 20 năm qua?
- Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX về việc chuyển giao công tác THADS, Bộ Quốc phòng đã thành lập Phòng Quản lý thi hành án trực thuộc Bộ Quốc phòng và Phòng Thi hành án thuộc các Quân khu, Quân chủng Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu; chỉ đạo bàn giao công tác THADS từ Tòa án Quân sự các cấp sang Cơ quan Thi hành án; ban hành theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Tư pháp ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về THADS, tạo hành lang pháp lý để kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động THADS trong Quân đội. 
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, ngành Thi hành án luôn bám sát nhiệm vụ quân sự, quốc phòng qua các thời kỳ, từng bước xây dựng và trưởng thành về mọi mặt, phát huy được sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững kỷ cương phép nước, bảo vệ pháp chế XHCN, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu. 
Khi mới thành lập, tổ chức bộ máy cơ quan quản lý thi hành án và cơ quan thi hành án trong Quân đội biên chế ít, trụ sở chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Đến nay ngành Thi hành án đã có tổ chức bộ máy chặt chẽ, từng bước được Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm bảo đảm kinh phí hoạt động, đầu tư xây trụ sở, kho vật chứng, trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc theo yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ ngành với 100% có trình độ cử nhân (11,66% là thạc sỹ); các chức danh tư pháp, chuyên môn ngành được bổ nhiệm kịp thời. 
Nét nổi bật trong 20 năm qua là sự đổi mới về phương pháp, tác phong công tác, năng lực giải quyết công việc của người chỉ huy và cán bộ ngành, đã tham mưu giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp đạt hiệu quả; tham gia soạn thảo nhiều đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thống nhất; ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan tư pháp quân đội hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thi hành án, đảm bảo 100% bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực được đưa ra thi hành đúng pháp luật, kết quả thi hành án năm sau đạt cao hơn năm trước (hoặc đạt 98,29% về việc, 89,3% về tiền trên tổng số án phải thi hành); không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thi hành án. 
Gắn công tác chuyên môn với nhiệm vụ chính trị
Hoạt động thi hành án trong Quân đội có những đặc thù riêng, điều đó đồng nghĩa với khó khăn cũng rất “đặc biệt”?
- Hoạt động THADS trong Quân đội có những nét đặc thù như: Địa bàn rộng, biên chế ít, song pháp luật chưa thể chế được tính đặc thù đó (nhất là quy định về thời hạn thực hiện các thủ tục thi hành án). Nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan thi hành án trong Quân đội là thi hành phần dân sự trong bản án hình sự của Tòa án Quân sự, song việc thi hành các bản án này lại do nhiều cơ quan đảm nhiệm, cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới, các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế chưa có chiều hướng giảm, đặc biệt là các vụ án phức tạp có số tiền và tài sản phải thi hành lớn.
lVậy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thi hành án, góp phần thực hiện chỉ tiêu Quốc hội giao, ngành Thi hành án Quân đội cần quan tâm giải quyết những vấn đề gì?
- Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngành Thi hành án cần phải thực hiện tốt những giải pháp sau: Một là, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
Hai là, luôn gắn việc thực hiện công tác chuyên môn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong tình hình mới; chủ động tham mưu đề xuất với Bộ Quốc phòng tham gia xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung Luật THADS nhằm đáp ứng được những đặc thù trong Quân đội; quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ có chất lượng, hiệu quả; tăng cường phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc, khó khăn trong thi hành án; tập trung thời gian, lực lượng để tổ chức thi hành án, kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp có điều kiện nhưng không tự nguyện thi hành, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, có số tiền phải thi hành lớn, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo ra sự chuyển biến thực sự trong công tác THADS. 
Ba là, báo cáo đề xuất với Bộ Quốc phòng tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp trụ sở, trang bị cơ sở vật chất cho các đơn vị trong ngành; tập trung nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện Đề án “Mô hình tổ chức biên chế ngành Thi hành án trong Quân đội từ nay đến năm 2020” sau khi được phê duyệt. 
Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm