Xây dựng Khu công nghệ cao ở Thừa Thiên Huế cần có định hướng và lộ trình xây dựng cụ thể

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy tại hội thảo khoa học “Định hướng xây dựng Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế”.
Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng khu công nghệ cao tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc với diện tích 1081 ha. (Ảnh minh họa)
Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng khu công nghệ cao tại xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc với diện tích 1081 ha. (Ảnh minh họa)

Thừa Thiên Huế đang xây dựng đề án thành lập Khu công nghệ cao (CNC) với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam châu Á. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, nhiệm vụ xây dựng đề án Khu CNC Thừa Thiên Huế gắn với việc xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế.

Qua hội thảo này, Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đại diện các bộ, ngành có liên quan trong việc xác định vị trí Khu CNC trong quy hoạch tỉnh đồng thời tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đề án Khu CNC trước khi gửi Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh cũng mong được sự tham gia thảo luận của các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm trong phát triển hạ tầng Khu công nghệ cao, trong đầu tư phát triển các lĩnh vực trong Khu công nghệ cao…

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, theo đề án, vị trí Khu CNC Thừa Thiên Huế nằm ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc. Tổng diện tích là 1.081 hecta, nằm trên tuyến cao tốc đi qua khu vực miền Trung có vị trí thuận lợi về giao thông và liên kết chặt chẽ với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực là tất yếu trong thời đại số

Ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực là tất yếu trong thời đại số

Là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với những đặc thù, lợi thế riêng, Thừa Thiên Huế đang tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh vốn có để xây dựng Khu CNC.

Định hướng Khu CNC của Thừa Thiên Huế là khai thác nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, đây là đối tượng nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm CNC đặc thù. Khai thác kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ tiềm năng của các trường đại học có truyền thống tại Thừa Thiên Huế, tập trung việc nghiên cứu và đào tạo vào các đối tượng đã được lựa chọn trên địa bàn, nhằm tạo ra các sản phẩm CNC đặc thù có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trước mắt, từ nay đến năm 2030 tạo ra các sản phẩm CNC thuộc các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, ứng dụng CNC trong y dược.

Liên quan đề án này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện phát triển kinh tế Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ số, đề án cần tiếp cận theo phương pháp mới với các cơ chế mới, cách vận hành cũng phải thay đổi.

“Đầu tiên phải khảo cứu một cách nghiêm túc kinh nghiệm phát triển các Khu CNC trong và ngoài nước, làm rõ được điểm xuất phát của mình ở đâu, điều kiện hiện tại như thế nào. Cần tạo được hệ sinh thái theo hướng đổi mới sáng tạo gồm: Chính quyền nhà nước với chính sách thân thiện, doanh nhân khởi nghiệp với định hướng sáng tạo công nghệ cao, có trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, phải thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao và cách quản trị khu công nghệ cao phù hợp” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị xem xét tính khả thi của đề án và mục tiêu xây dựng khu CNC của tỉnh để làm gì. Sau khi dẫn chứng những khu CNC điển hình trên thế giới, Thứ trưởng Bộ KH&CN đề nghị đề án này cần có định hướng phát triển KHCN và lộ trình xây dựng khu CNC cụ thể.

Qua các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh luôn quyết tâm tăng hàm lượng KHCN, biến KHCN trở thành động lực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bởi KHCN tác động lớn đến các ngành, lĩnh vực.

“Chúng tôi xác định, trong giai đoạn hiện nay phải nhìn nhận thực tế, xây dựng đề án phải phù hợp với tình hình của tỉnh hiện tại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ điều chỉnh lại đề án, trình các bộ, ngành để xin ý kiến” - ông Bình thông tin.

Đọc thêm