Xây dựng pháp luật về di sản để hài hòa phát triển kinh tế và phát huy di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.
Đặc sắc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. (Ảnh Tấn An)
Đặc sắc lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. (Ảnh Tấn An)

Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Cần tránh tác động tiêu cực tới di sản

Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài hơn 4.000 năm lịch sử dân tộc, tất cả những điều đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với các di sản được UNESCO vinh danh. Trong đó có các di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa, di sản phi vật thể...

Cùng với đó, trên cả nước, có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng 3.591 di tích cấp quốc gia và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 123 di tích quốc gia đặc biệt. Có hơn 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Với di sản văn hóa phi vật thể, có khoảng 70.000 di sản được kiểm kê, trong đó 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các lễ hội, làng nghề truyền thống; văn hóa ẩm thực của các vùng miền, dân tộc; di sản văn hóa, văn nghệ dân gian... trải dài khắp các vùng, miền. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên đã góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, đặc sắc cho các địa phương trên cả nước khai thác phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân. Nhờ đó, nhiều địa phương đã có tên trên bản đồ du lịch trong nước và được du khách quốc tế.

Có thể khẳng định di sản là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, phát triển kinh tế.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, ba tháng đầu năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 5,9 triệu lượt, thu hơn 21.000 tỉ đồng từ khách du lịch. Còn du lịch Thừa Thiên Huế, chỉ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã đón khoảng 95.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 150 tỷ đồng. Tổng kết 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đón 3,35 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng...

Tuy du lịch tạo ra nhiều lợi ích cho mỗi địa phương nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng du lịch phát triển nhanh chóng mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Ông Hà Văn Siêu cũng chia sẻ tình trạng du lịch có tính thương mại hóa quá mức, nhàm hóa giá trị văn hóa; nguy cơ phai nhòa bản sắc, phá vỡ truyền thống và lối sống địa phương; gia tăng chia rẽ cộng đồng, xung đột lợi ích, mâu thuẫn về quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó có tài nguyên di sản văn hóa… đang là hồi chuông cảnh báo các bên liên quan đến quản lý bền vững tài nguyên di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Tại Diễn đàn “Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa” diễn ra tại Hà Nội, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam cho biết, với du lịch, văn hóa là nền tảng để phát triển, Việt Nam với tài nguyên văn hóa phong phú qua ngàn đời, di sản văn hóa không chỉ là di sản đơn thuần mà là nguồn lực để phát triển du lịch.

Ông Tuấn nhìn nhận, trong quá trình phát triển du lịch, nhiều đơn vị chưa chú trọng giá trị bảo tồn mà chỉ mới đang khai thác kinh tế. Một số doanh nghiệp đầu tư phát triển nhưng không chú trọng đến việc bảo tồn, một số khác nôn nóng khai thác lợi nhuận, xây dựng công trình làm phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến di sản. TS Nguyễn Anh Tuấn đưa ra thông điệp về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam: “Chúng ta phải có trách nhiệm trong quá trình khai thác để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp thể hiện được vai trò của mình trong quá trình khai thác đồng hành với bảo tồn cho thế hệ tương lai để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Phát triển du lịch, kinh tế phải đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa”.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ bảo tồn di sản văn hóa đi đôi phát triển kinh tế

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 29/6/2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước.

Mục đích tiếp tục xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đảm bảo tính phù hợp, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính gắn với kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, giám sát việc thực thi pháp luật về di sản văn hóa để đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Xây dựng chính sách về xã hội hóa để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế, giữa quốc gia và quốc tế, giữa các vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền chủ thể, quyền con người, vì mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột.

Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá tác động của 3 chính sách: Hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; Hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào dịp cuối năm 2024.

Nói về phát huy di sản văn hóa, ông Trần Đình Thành - Cục phó Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay, cách đây gần 20 năm, Chính phủ đã chọn ngày 23/11 là ngày Di sản văn hóa, do đó để nâng cao nhận thức về di sản, cần có cái nhìn toàn diện, đồng bộ.

“Việc bảo tồn, giữ gìn di sản là cần thiết để cho thế hệ mai sau biết các giá trị văn hóa. Việc bảo tồn là phải có các công việc cụ thể, không phải là tính hình thức. Yếu tố khoa học là quan trọng nhất trong việc bảo tồn di sản, khi Luật Di sản văn hóa được ban hành và có hiệu lực từ năm 2021 đến nay, chúng ta đang tập trung giữ gìn những gì cha ông ta truyền lại. Việc phát triển kinh tế đi kèm với bảo tồn văn hóa sẽ được đưa vào luật di sản sắp tới. Chúng tôi thấy rằng, doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa, lịch sử”.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt nhấn mạnh: “Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Hoàn thành việc lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới, di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, ưu tiên di sản văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Đọc thêm