Xây dựng sân bay Long Thành: Chủ đầu tư tự tin thu xếp đủ vốn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng loạt gói thầu lớn sân bay Long Thành đã tìm được chủ nhân. Đây là thời điểm khu vực sân bay Long Thành trở thành một đại công trường khổng lồ. Dự án sẽ được tăng tốc. Chủ đầu tư khẳng định sẽ thu xếp đủ vốn để thực hiện dự án đúng tiến độ.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành. (Ảnh: ACV)

Đấu thầu xong các gói thầu lớn

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách (Gói thầu 5.10) thuộc Dự án xây dựng sân bay Long Thành, giai đoạn 1. Theo đó, Liên danh Vietur đã thắng thầu và được trao hợp đồng xây lắp trị giá hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến, vào ngày 31/8, nhà ga hàng không này sẽ được khởi công xây dựng.

ACV cho biết, sau khi xem xét và mở hồ sơ chấm năng lực tài chính, Tổ chấm thầu đã lựa chọn được nhà thầu cho gói thầu 5.10 là liên danh nhà thầu Vietur. Liên danh nhà thầu Vietur bao gồm Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS (được thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ) cùng các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, SOL E&C, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee, Hancorp.

Theo ACV công bố, liên danh nhà thầu Vietur trúng gói thầu 5.10 với giá trúng thầu là 27.813.939.171.360 đồng và 338.849.804 USD. Đây là loại hợp đồng theo giá kết hợp. Thời gian thực hiện 1.170 ngày (tương đương 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam) kể từ ngày ký hợp đồng. Dự kiến, hợp đồng sẽ được ký kết trước 30/8.

Nhà ga sân bay Long Thành được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, tổng diện tích sàn 376.451m2, chiều cao đỉnh mái 45,55m, bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay. Công trình này được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không, lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không. Các loại vật liệu bao che được sử dụng bảo đảm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Cũng theo ACV, một gói thầu lớn khác cũng đã “chốt” được nhà thầu thi công. Theo đó, Gói thầu 4.6 thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác với tổng giá trị 8.100 tỷ đồng đã tìm được nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Liên danh này gồm các đơn vị là Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Vinaconex - Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy.

ACV nói chấm thầu minh bạch, đúng pháp luật

Theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch ACV, quá trình lựa chọn nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách sân bay Long Thành có liên danh khiếu nại về kết quả chấm thầu. Tuy nhiên, ông cho rằng ACV đã thực hiện chấm thầu bảo đảm nguyên tắc, minh bạch, đúng quy trình pháp luật. “ACV đã làm việc với các cơ quan liên quan để trả lời các khiếu nại của nhà thầu”, ông Thanh nói và cho biết, việc khiếu nại này sẽ không ảnh hưởng đến tiến độ Dự án sân bay Long Thành. Theo đó, Chủ tịch ACV cho biết, đơn vị quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ vào quý IV/2026.

Liên quan đến vấn đề vốn, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh tự tin đơn vị bảo đảm được nguồn vốn tương ứng với tiến độ dự án. Theo ông Thanh, hiện ACV đang làm việc, thống nhất với nhiều ngân hàng để giảm vay ngoại tệ. Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, ACV sẽ vay ngoại tệ 2,1 tỷ USD nhưng sau khi cân đối lại nguồn vốn, công ty chỉ vay khoản 1,7 - 1,8 tỷ USD. Vì vay dưới mức 2 tỷ USD nên ACV được nhóm một số ngân hàng nhà nước thu xếp vốn. “Cùng với nguồn vốn tự có, nguồn vay thương mại chúng tôi tự tin thu xếp ổn thỏa” - ông Thanh nhận định.

Theo tìm hiểu của PLVN, tổng mức đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành là 99.019 tỷ đồng. Trong đó, ACV tự bảo đảm tối thiểu 36.102 tỷ đồng, phần còn lại là vốn huy động dưới các hình thức như vay thương mại trong và ngoài nước bằng tiền USD và tiền VNĐ… “Tôi khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ACV vẫn bảo đảm đầy đủ nguồn vốn cho Dự án sân bay Long Thành, không để ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ dự án” - ông Thanh nói.

Đọc thêm