Xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với nghệ thuật sơn mài

(PLVN) - Nghệ thuật sơn mài đang dần được nhìn nhận là một chất liệu độc đáo cho ngành du lịch Việt trong năm 2021. Phát triển du lịch tại các làng nghề sơn mài truyền thống vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá truyền thống này, vừa tăng thêm chiều sâu trải nghiệm cho du khách. 
Làng tranh sơn mài Hạ Thái tại Hà Nội.
Làng tranh sơn mài Hạ Thái tại Hà Nội.

Như vậy, du lịch gắn với nghệ thuật sơn mài sẽ đạt được mục đích “kép”, vừa góp phần phát triển du lịch địa phương và du lịch nước nhà, vừa giúp bảo tồn nghệ thuật sơn mài đang đứng trước các nguy cơ mai một.

Chất liệu du lịch độc đáo từ sơn mài

Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020 – 2030 đã và đang được triển khai nhằm đưa dòng nghệ thuật này trở thành thương hiệu du lịch quốc gia, tăng cường hình ảnh du lịch của đất nước trên trường quốc tế. 

Sở dĩ nghệ thuật sơn mài được xây dựng thành đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia là bởi những giá trị quan trọng mà chất liệu sơn mài Việt mang lại. Ứng dụng nổi bật nhất của chất liệu này đó là nghệ thuật hội họa gắn với dòng tranh sơn mài. 

Theo đánh giá của họa sĩ Nguyễn Đình Bảng, người có hơn 50 năm gắn với chất liệu sơn mài, vùng đất Phú Thọ nước ta là nơi có nhiều điều kiện cả về thổ nhưỡng, khí hậu để trồng cây sơn. Bên cạnh đó, người trồng sơn tại đây có nhiều kinh nghiệm về trồng, thu hoạch, sản xuất cây sơn.

Đặc biệt, nhờ đặc tính cây sơn có độ bền tốt, độ gắn kết và độ mỹ cảm nghệ thuật rất cao, hơn hẳn các quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… nên rất thành công trong việc xuất khẩu sản phẩm này. Hơn thế, dòng tranh sơn mài tại Việt Nam cũng có lịch sử phát triển lâu đời, gắn với sự phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của giới nghệ thuật cả trong và ngoài nước. 

Cho đến nay, dòng tranh này đã trở thành một lĩnh vực hội họa rất thành công và tạo nên tiếng vang cho nhiều họa sĩ. “Các nhà phê bình nghệ thuật, quản lý nghệ thuật tại nước ta cũng có những chính sách, những khuyến khích đối với các họa sĩ tiếp tục phát triển dựa trên các chất liệu truyền thống vì đây là chất liệu rất quý đối với Việt Nam bởi nó có độ mỹ cảm nghệ thuật cao”, họa sĩ Nguyễn Đình Bảng cho biết.

Không chỉ với hội họa, giá trị của chất liệu sơn mài còn gắn với văn hóa dân tộc khi chất liệu này được dùng trong xây dựng các đình, chùa, các công trình tâm linh và hòa quyện trực tiếp vào đời sống nhân dân. Vì vậy, nghệ thuật sơn mài vừa mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ, vừa mang giá trị văn hóa dân tộc, là tài nguyên độc đáo để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. 

Đưa nghệ thuật sơn mài thành thương hiệu quốc gia

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; đồng thời tập trung phát triển mô hình du lịch kiểu mẫu tại hai điểm đến: Làng nghề sơn mài Hạ Thái (Hà Nội) và làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Làng nghề sơn mài Hạ Thái tại Hà Nội là địa chỉ du lịch cộng đồng được nhiều công ty lữ hành và khách du lịch tổ chức tour “Về làng”. Ngày 08/12/2020, UBND thành phố Hà Nội cũng chính thức công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Đây là địa phương thứ hai của huyện Thường Tín được thành phố công nhận là điểm du lịch. Làng nghề sơn mài Hạ Thái cũng trở thành điểm du lịch kết nối không gian văn hóa, lịch sử của địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước thông qua dòng nghệ thuật sơn mài. 

Ngày 9/10/2020, tỉnh Bình Dương cũng đã công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một”. Bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ khu làng nghề, các dịch vụ du lịch tại vùng cũng được chú trọng, kết hợp các loại hình du lịch đặc thù của địa phương để phát triển. 

Có thể nói, các làng nghề sơn mài nói chung có điều kiện phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, góp phần quảng bá nghệ thuật sơn mài có giá trị về văn hóa và lịch sử. Việc phát triển cộng đồng làng nghề sơn mài gắn với du lịch cũng tạo thành các không gian kết nối văn hóa của địa phương, tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho du khách. 

Để xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với sơn mài, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, thu hút và hỗ trợ đầu tư, phát triển thị trường, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế... Như vậy, thương hiệu du lịch quốc gia gắn với nghệ thuật sơn mài sẽ có cơ hội phát triển mạnh trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển gắn với cộng đồng sơn mài và sản phẩm nghệ thuật sơn mài. 

Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đưa dòng nghệ thuật này gần hơn với công chúng, khiến công chúng hiểu và yêu nghệ thuật sơn mài, chủ động góp công, góp sức bảo tồn nét văn hóa này. Đội ngũ làm du lịch có kiến thức, có chuyên môn về kỹ thuật, hiểu biết quy trình sử dụng chất liệu sơn mài, có thể ứng dụng chúng vào các trải nghiệm du lịch cho khách.

Đọc thêm