Xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc: Phụ thuộc vào chính các thành viên gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn đi tìm những tiêu chí để đánh giá gia đình hạnh phúc cho riêng thành phố. Những kết quả đạt được đã góp phần thúc đẩy thay đổi nhận thức và hành vi của các thành viên gia đình, cộng đồng và xã hội về một gia đình, xã hội hạnh phúc.
Hạnh phúc do chính các thành viên trong gia đình cảm nhận và hài lòng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Tác phẩm tham gia cuộc thi ảnh về gia đình)
Hạnh phúc do chính các thành viên trong gia đình cảm nhận và hài lòng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Tác phẩm tham gia cuộc thi ảnh về gia đình)

Trách nhiệm “góp vốn cho ngân hàng tình cảm” trong gia đình

Vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam TP HCM phối hợp Thành Đoàn TP HCM và các đơn vị tuyên dương 50 gia đình văn hóa, hạnh phúc tiêu biểu 2023. Cũng dịp này, cuộc thi nấu ăn “Gia đình với ẩm thực Việt” đã thu hút 100 đơn vị tham gia. Mỗi đội gồm hai thí sinh hoặc là vợ chồng, hoặc thành viên trong cùng gia đình nhưng phải có ít nhất một thí sinh nam.

Cùng gia đình tham gia cuộc thi nấu ăn, chị Bùi Thị Thủy, giáo viên mầm non ở quận 7, TP HCM cho biết chồng chị là quân nhân nên thường chỉ ngày cuối tuần khi anh không có ca trực, cả nhà chị Bùi Thị Thủy mới có bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên. Vợ chồng chị nhận một cháu làm con nuôi nhưng với cả ba đứa con, anh chị đối xử luôn công bằng, dung hòa sở thích của từng thành viên trong nhà.

Theo chị Thủy, con gái bước vào tuổi “teen” thích ngồi những quán cà phê có phong cách một chút thay vì những quán phong cảnh thiên nhiên là gu của ba mẹ. Vì vậy, hôm nay cả nhà đi cà phê theo ý con, hôm khác con cùng đi cà phê hợp gu của ba mẹ đáp lại. Ngay cả sở thích ăn uống cũng khác nhau nên bữa cơm gia đình cuối tuần cũng phải lên thực đơn có đủ những món mọi người thích.

Trao đổi với truyền thông tại cuộc thi nấu ăn, chị Thủy cho biết: “Tôi rất thích cách ví von về “ngân hàng tình cảm” trong gia đình, nơi mỗi thành viên đều có trách nhiệm đóng góp để ngân hàng ấy ngày càng nhiều vốn yêu thương để gia đình càng đầm ấm, hạnh phúc. Giữa bộn bề cuộc sống nhưng mỗi thành viên trong gia đình luôn biết quan tâm, động viên, thường xuyên hỏi thăm nhau, nói với nhau những lời yêu thương sẽ trở thành nguồn năng lượng tích cực giúp cả nhà vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống, học tập”.

Từ câu chuyện của chị Thủy, có thể thấy nếu gia đình là cơ sở quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của một quốc gia thì gia đình hạnh phúc là nhân tố cơ bản quyết định sự tồn tại của một gia đình. Do đó, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là một trong những quan điểm được đề cập thường xuyên trong các văn bản về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam.

Hạnh phúc là do thành viên gia đình cảm nhận và hài lòng

TP HCM là địa phương đầu tiên của cả nước mạnh dạn đi tìm những tiêu chí để đánh giá gia đình hạnh phúc cho riêng thành phố. Thực hiện Quyết định số 1306/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM ban hành Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, bao gồm 5 tiêu chí cụ thể: Tiêu chí về ứng xử trong gia đình; Tiêu chí về điều kiện vật chất; Tiêu chí về điều kiện tinh thần; Tiêu chí về giáo dục; Tiêu chí về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Nội dung Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn TP HCM là kết quả của sự kế thừa, tiếp thu, điều chỉnh và bổ sung từ “Bộ tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc” (có 33 tiêu chí) và “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” của Bộ VH,TT&DL (có 4 mối quan hệ trong gia đình) và những yêu cầu từ thực tiễn tại TP HCM.

Mới đây, theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM, để góp phần triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” của Đề án “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP HCM giai đoạn 2021 - 2030”, Sở đã xây dựng các nội dung của “Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” bằng 5 ngôn ngữ: Tiếng Việt - Hoa - Chăm - Anh - Khmer.

Còn nhớ, trước đó khi Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM xúc tiến hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc” đã có nhiều ý kiến hoài nghi bởi hạnh phúc nói chung và hạnh phúc gia đình nói riêng là khái niệm định tính chứ không thể định lượng, do đó việc tìm ra mẫu số chung cho hạnh phúc là thách thức lớn.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật, điện thoại thông minh, Internet... dẫn đến tình trạng các thành viên trong gia đình ít dành thời gian cho sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau, thậm chí có tình trạng gây mất bình đẳng trong ứng xử, thiếu sự quan tâm của các thành viên trong gia đình. Việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại, mở rộng quan hệ giao lưu kết bạn với nhiều người trên mạng xã hội... cũng là nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro, thách thức trong việc duy trì xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ thực tiễn này, cuối năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hóa, gia đình về Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời có văn bản đề nghị sở, ban, ngành, MTTQ, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện góp ý Dự thảo Bộ tiêu chí.

Theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo, hạnh phúc là mức độ hài lòng của một người về cuộc sống của mình xét trên tổng thể. Mức độ hạnh phúc giữa các lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau. Do đó, hạnh phúc là do chính các thành viên trong gia đình cảm nhận và hài lòng. Các thành viên trong gia đình và mỗi gia đình sẽ vừa tự đo lường, vừa là đối tượng tự điều chỉnh sao cho gia đình mình hạnh phúc. Vì không ai có thể biết hay cảm nhận được hạnh phúc của gia đình người khác, chính bản thân thành viên trong gia đình đó sẽ là người cảm nhận, cảm thụ, còn các tiêu chí chỉ là phương tiện hỗ trợ cho việc góp phần tạo dựng nên hạnh phúc gia đình.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM, Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi mọi thành viên gia đình tiếp cận được các tiêu chí của Bộ tiêu chí, từ đó thúc đẩy thay đổi nhận thức và hành vi của tất cả thành viên gia đình, cộng đồng và xã hội. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị, người dân, gia đình và xã hội phải cùng nhau chia sẻ và áp dụng để từng tiêu chí trở thành một phần trong hành trình xây dựng gia đình hạnh phúc.

Đọc thêm