Chưa kể, việc chỉ một mình gia đình bà Giang bị cưỡng chế là không công bằng, trong khi trên địa bàn phường Minh Khai hiện có vài trăm hộ xây nhà trên đất nông nghiệp, trong số đó có nhiều nhà của cán bộ phường Minh Khai và người thân của cán bộ phường nhưng không một ai bị xử phạt.
Theo bà Giang trình bày, thửa đất số 30 tờ bản đồ 19 diện tích 743m2 được giao cho gia đình bà theo Nghị định 64 của Chính phủ để canh tác lâu dài, đứng tên người chồng quá cố của bà là ông Nguyễn Sỹ Gầy. Năm 1990, vợ chồng bà đã tự ý chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp sang đất ở để làm nhà cấp 4 và chuyển cả nhà ra ở đây để tiện canh tác, trông coi hoa màu và sinh sống ổn định từ đó đến nay, không có bất cứ tranh chấp, va chạm gì từ phía người dân cũng như chính quyền. Hiện trên thửa đất số 30 tờ bản đồ 19 có 4 hộ gia đình sinh sống là hộ bà Nguyễn Thị Minh Giang, Nguyễn Sỹ Thảo, Nguyễn Thị Thư và Nguyễn Thị Thanh Nhàn; tổng cộng 10 nhân khẩu.
Đột ngột ngày 7/9/2018 phường Minh Khai đến gia đình để xác minh hiện trạng thửa đất. Đến ngày 20/9/2018 UBND phường Minh Khai lập biên bản vi phạm hành chính, cho rằng gia đình bà xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Đến ngày 9/10/2018 UBND phường Minh Khai ra các quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình vi phạm khắc phục hậu quả trong trường hợp không ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng là nhà cấp 4 của hộ bà Giang và các con.
Bà Giang cùng các con đã có đơn khiếu nại lên UBND phường Minh Khai cho rằng quyết định xử phạt không đúng pháp luật. Ngày 15/11/2018 phường Minh Khai ra quyết định giải quyết khiếu nại, theo đó giữ nguyên quyết định xử phạt, yêu cầu khôi phục lại hiện trạng đất trước khi vi phạm. Căn cứ cưỡng chế thi hành quyết định khắc phục hậu quả là theo Nghị định 102 ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đại diện hộ gia đình bà Giang, anh Nguyễn Sỹ Thảo bức xúc trình bày: Việc UBND phường Minh Khai căn cứ theo khoản 2 điều 8 Nghị định 102 ngày 10/11/2014 yêu cầu gia đình chúng tôi thực hiện quyết định cưỡng chế là không có căn cứ pháp luật. Bởi vì nội dung khoản 2 điều 8 nêu rõ: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp”.
Diện tích gia đình bà Giang và các con được giao là diện tích đất nông nghiệp, gia đình bà Giang chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở cho phù hợp điều kiện sống, sinh hoạt chứ không phải chuyển đổi các loại đất trên sang đất phi nông nghiệp. Hơn nữa, việc gia đình bà Giang tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất ở diễn ra từ năm 1990, theo quy định của Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 và điều 20 Nghị định 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì hộ gia đình bà Giang và các con đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ cho đất ở trên diện tích đất đã có nhà trước ngày 15/10/1993. Chưa kể, bà Giang thuộc diện hộ nghèo, chị Nhàn thuộc diện hộ cận nghèo ở địa phương, nếu bị cưỡng chế phá dỡ nhà thì hiện không còn nơi ở nào khác.
Quá trình thu thập thông tin, chúng tôi được người dân cung cấp các chứng cứ thể hiện: trên địa bàn phường Minh Khai hiện đang tồn tại hàng trăm trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp nhưng không hề bị xử lý, trong đó có nhiều hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp là người nhà, anh em của phó chủ tịch phường, cán bộ mặt trận phường…
Vậy nên việc chỉ có hộ gia đình bà Giang và các con bị xử phạt, cưỡng chế là không công bằng; chưa kể căn cứ cưỡng chế không đúng pháp luật. Được biết, hiện gia đình bà Giang đã gửi đơn khiếu nại vụ việc lên UBND huyện Bắc Từ Liêm, đề nghị giải quyết vụ việc đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho công dân.