Xây tường rào trên đất được cấp, chính quyền vẫn cưỡng chế

(PLO) - Vào năm 2015, gia đình bà Nguyễn Minh Nghĩa (SN 1965 thường trú tại số 162 đường Nguyễn Ái Quốc, phường Bắc Hồng, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) xây dựng hàng rào bảo vệ hoa màu khỏi súc vật  phá hoại thì bị UBND phường lập biên bản và ra Quyết định xử phạt hành chính với căn cứ xử phạt” xây dựng công trình không báo với chính quyền địa phương”. Sự việc kéo dài mãi đến tháng 10/ 2018, Chủ tịch UBND Thị xã lại ra Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để buộc gia đình bà Nghĩa tháo dỡ công trình.
Gia đình bà Nghĩa đã khuyến kiện quyết định này cho rằng quá vô lý
Gia đình bà Nghĩa đã khuyến kiện quyết định này cho rằng quá vô lý

Bà Nghĩa cho rằng đó là một quyết định vô lý vì diện tích đất gia đình bà xây dựng sinh sống ổn định, liên tục không có tranh chấp tại thửa đất số: 278, tờ bản đồ số: 6 từ năm 1991, đến ngày 13/10/1993 được UBND thị xã Hồng Lĩnh ra Quyết định số 517/GP-UB về việc giao đất khu dân cư cho nhân dân làm nhà ở. Từ thời điểm sử dụng đất, cũng như bao hộ gia đình khác đều sử dụng đất theo ranh giới chiều dài từ hành lang Quốc lộ 1A đến bờ suối.

Chính quyền các cấp ở thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, phần bà Nghĩa xây dựng lấn chiếm đất công cộng (đường đi) và quyền sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Văn Cẩn(trú tại xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) người này được cho là nhận chuyển nhượng từ hộ ông Nguyễn Văn Tý được giao đất từ năm 1991 không trú tại địa phương và hiện chưa xác định được địa chỉ cụ thể. Nhưng trong tất cả các cuộc họp chính quyền chưa đưa ra bất kỳ một căn cứ pháp lý thể hiện phần đất này có đường đi.

Bên cạnh đó việc giao đất cho hộ ông Nguyễn Văn Tý từ năm 1991 là không phù hợp với quy định của pháp luật vì đến thời điểm này cư dân sống từ trước tới nay tại đây không biết ông Tý là ai.  Theo quy định của pháp luật tại thời điểm được giao đất quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật đất đai 1987 thì” Việc sử dụng đất khu dân cư ở nông thôn phải theo quy hoạch thuận tiện cho sản xuất, đời sống của nhân dân và quản lý xã hội. Phải tận dụng những khu dân cư sẵn có, hạn chế việc mở rộng khu dân cư trên đất nông nghiệp. Chỉ được giao đất ở trong khu dân cư cho những hộ chưa có nhà ở”. 

Như vậy, chưa có căn cứ nào thể hiện hộ bà Nghĩa vi phạm theo Biên bản 04/BB-VPHC của UBND phường Bắc Hồng.

Điều đáng nói thêm là Hành vi của bà Nghĩa được thực hiện một lần nhưng có hai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của hai cấp, căn cứ xử phạt khác nhau mà không phải do quy định pháp luật thay đổi. Vụ việc được UBND phường Bắc Hồng thụ lý ban đầu nhưng sau đó Thị xã Hồng Lĩnh lấy lên để giải quyết và ông Chủ tịch ra Quyết định xử phạt là chưa phù hợp với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Do các vấn đề không rõ ràng nên hiện nay hộ bà Nghĩa phải đi khiếu nại tới nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng, đảo lộn cuộc sống từ năm 2015.

Thiết nghĩ, việc xử phạt hành vi vi phạm Hành chính của công dân cần có căn cứ đúng, rõ ràng, thuyết phục vừa đảm bảo kỷ cương đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng công dân.

Đọc thêm