Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về văn hoá giao thông nhìn từ câu chuyện buýt nhanh Hà Nội.
- Phóng viên: Việc Hà Nội đưa xe buýt nhanh vào hoạt động dường như chưa được suôn sẻ khi xảy ra tình trạng các phương tiện lấn làn và không tôn trọng quyền ưu tiên của buýt nhanh, thậm chí đã có sự hỗn loạn trong hoạt động giao thông đô thị. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Ông Khuất Việt Hùng: Việc đưa tuyến xe buýt nhanh vào hoạt động thể hiện quyết tâm chính trị rất mạnh mẽ của Hà Nội. Chắc chắn, trên một hành lang giao thông như hiện nay thì không riêng Hà Nội mà ở đâu cũng sẽ xảy ra chuyện xe lấn làn của buýt nhanh. Người ta đang có thói quen đi lại trên làn xe buýt nhanh nên khi xe buýt nhanh hoạt động họ vẫn duy trì thói quen đó.
Tôi sang New York, sau khi bà trợ lý của Thị trưởng báo cáo thành tích của buýt nhanh, chúng tôi đã lên xe đi thử và chụp được rất nhiều ảnh các phương tiện lấn làn xe buýt nhanh.
Hiện tôi thấy đại đa số người dân tôn trọng quyền ưu tiên của xe buýt nhanh. Nếu rõ ràng về luồng tuyến thì người dân sẽ tôn trọng, cùng đó cũng phải rõ ràng cả việc ai vi phạm thì phải xử lý. Các vi phạm với quyền ưu tiên của buýt nhanh bây giờ được nhắc nhở nhưng đến thời điểm cụ thể thì phải công bố việc xử phạt, đặc biệt là đối với những người cố ý vi phạm.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Trong bối cảnh hạ tầng giao thông Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì việc trao cho buýt nhanh một “đặc cách” quá lớn như vậy có làm ảnh hưởng tới quyền đi lại của người dân hay không?
Chúng ta đang bàn về câu chuyện quản lý giao thông như thế nào, một làn xe buýt nhanh nếu quản lý tốt thì khả năng chuyên chở của nó là cao nhất so với các phương tiện khác. Lượng người đi trên xe buýt nhanh lúc cao điểm lên tới 80-90 người thì có đáng để dành quyền cho họ không? Họ không đi xe máy, họ không đi ô tô mà dành phần đường đáng ra là của họ cho những người khác. Nếu cũng 90 người đó không đi buýt nhanh mà sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông thì cùng 1 làn xe buýt nhanh đó không thể đáp ứng được và ảnh hưởng đến cả những người đang tham gia giao thông ở những làn đường còn lại.
Nói rằng hạ tầng chưa đủ mà triển khai xe buýt nhanh, vậy bao giờ thì hạ tầng đủ để triển khai? Buýt nhanh không phải thứ đồ chơi, không phải món đồ trang sức trong đô thị để khi nào hạ tầng đầy đủ rồi mới dành cho một làn lưu thông. Triển khai buýt nhanh là một giải pháp cứu cánh để giảm ùn tắc giao thông. Nếu hạ tầng đầy đủ rồi thì không ai đi buýt nhanh cả, nếu hạ tầng đầy đủ thì đi xe cá nhân cho sướng chứ tội gì đi xe công cộng.
- Theo ông, khi nào thì người dân sẽ bỏ xe máy, bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng xe buýt nhanh?
Có người hỏi tôi là tại sao không cấm xe máy xong hãy triển khai xe buýt nhanh? Xe máy có nhiều ưu điểm nhưng nhược điểm lớn là tác động rất lớn tới môi trường. Theo một công bố, ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 44.000 người chết vì bụi và khí thải, môi trường ô nhiễm tiếp xúc nhiều nhất là khi tham gia giao thông bằng xe máy. Nếu có dịch vụ xe buýt tốt, tính kết nối liên thông trong hệ thống buýt nhanh với buýt thường và kết nối với tuyến đường sắt đô thị sắp tới sẽ đi vào hoạt động thì người dân sẽ dần bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng.
"Xe buýt nhanh không phải là thứ đồ chơi mà là giải pháp cứu cánh cho giao thông đô thị" (ảnh: Quang Phong)
- Văn hoá giao thông đang là vấn đề được nhiều người quan tâm và câu chuyện buýt nhanh của Hà Nội là một minh chứng. Ông có cho rằng hạ tầng giao thông quyết định đến ý thức của người dân?
Ở đây khi bàn tới văn hoá giao thông thì hay bàn tới bề nổi, tâm lý, hành vi mà không nghĩ rằng cần phải xem xét một cách toàn diện. Ai cũng nghĩ cần tuyên truyền, phải làm gì đó. Nếu xét một cách toàn diện thì văn hoá giao thông có 3 vấn đề lớn: Thứ nhất là các quy định của pháp luật - đây là cái chuẩn, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng tiền hoặc xử lý hình sự; thứ hai, môi trường để thực hành quy định; thứ ba là giáo dục.
Nếu chỉ nói về hạ tầng thì không thể có văn hoá giao thông. Ở đây phải có pháp luật, môi trường và giáo dục. Mọi hệ thống đều như vậy, mọi giá trị văn hoá đều như thế. Tuy nhiên, chúng ta phải khẳng định hạ tầng giao thông của chúng ta còn hạn chế và nhiều nơi nhiều chỗ có đường nhưng không có lối.
- Văn hoá giao thông là như thế, vậy trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Trước tiên, trách nhiệm thuộc về Nhà nước, sau đó là sự đồng hành ủng hộ của người dân. Dân uỷ quyền cho Nhà nước làm rất nhiều việc, ban hành luật, ban hành các văn bản hướng dẫn luật, trao quyền cho người làm hạ tầng sử dụng tiền của dân để xây dựng hạ tầng, dân trả lượng cho lực lượng tuần tra kiểm soát vi phạm và phạt những người vi phạm, thậm chí có thể lực lượng bảo vệ pháp luật có quyền được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn át những vi phạm luật...
Người dân nên luôn luôn tìm hiểu, thực hành các quy định của pháp luật. Khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng quy định của pháp luật và cần nhường nhịn nhau để tạo ra một môi trường văn hoá giao thông vì mình và mọi người.
- Xin cảm ơn ông!