“Lâm tặc” ngang nhiên chở gỗ hộp ra khỏi rừng?
Để lần theo con đường mà “lâm tặc” vận chuyển gỗ, nhóm phóng viên chúng tôi phải đóng giả những thương lái buôn bán động vật. Lân la làm quen với những người dân bản địa, chúng tôi được biết “gỗ được chở thường xuyên qua đây bằng những chiếc xe máy độ chế thêm xích ở bánh xe. Bọn nó (ý nói “lâm tặc”-PV) chạy rất nhanh và nguy hiểm lắm”. Theo đường đi của những chiếc xe máy độ chế, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những thanh niên trai tráng xách theo cưa lốc đi vào rừng.
Trên con đường độc đạo, qua vài ngôi làng của những người dân bản địa, ngay tại con suối giáp ranh giữa xã Lơ Pang và xã Hra, huyện Mang Yang) PV đã bắt gặp những chiếc xe máy độ chế đang “cõng” trên yên những khối gỗ khủng ra ngoài.
Theo quan sát của phóng viên, những hộp gỗ đã xẻ này có chiều dài khoảng hơn 2m, đường kính từ 30 đến 40 cm. Việc vận chuyển những hộp gỗ “khủng” ra khỏi rừng chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với những “lâm tặc”. Một người dân địa phương cho biết “nhiều người trong quá trình vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bị tai nạn, thế nhưng công việc này đem lại thu nhập cao nên họ vẫn bất chấp hiểm nguy”.
Dù PV có đưa điện thoại ra ghi lại hình ảnh đoàn xe độ chế đang chở gỗ nhưng các “lâm tặc” này vẫn ngang nhiên hoạt động như chưa từng nhìn thấy ai. Lúc này, có mưa nên đường bắt đầu trơn trượt lại gặp những con suối nhỏ, vì thế việc vận chuyển gỗ ra ngoài bằng xe máy gặp khó khăn. Chính việc đó đã giúp cho phóng viên có thể ghi hình một cách đầy đủ về những khối gỗ được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng.
Phóng viên có thể ghi hình một cách đầy đủ về những khối gỗ được “lâm tặc” vận chuyển ra khỏi rừng. |
Tại khu vực giáp ranh giữa xã Hra và Lơ Phang, PV có phát hiện thêm những gốc cây mới bị cắt, nhựa cây chảy ra cạnh gốc vẫn còn tươi rói, xung quanh có nhiều cành nhỏ vứt rải rác. Mặc dù trời đã về chiều, những tiếng cưa máy vẫn liên tục vang lên như tiếng gào thét của những cánh rừng đang kêu cứu.
Gỗ bị đưa ra khỏi rừng là gỗ keo?
Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Long Sơn, hạt trưởng hạt kiểm lâm Mang Yang, ông Sơn cho biết “Khu vực này thuộc lâm phần quản lý của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Chiêng, huyện Mang Yang. Ngay sau khi nhận được tin của báo chí phản ánh, tôi có trao đổi với anh em ở trạm thì được thông tin là không có tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn hạt quản lý. Những khúc gỗ mà anh em phản ánh là gỗ keo, khai thác theo chỉ tiêu của công ty sản xuất ván ép trên địa bàn huyện”.
Những khối gỗ này là gỗ keo? |
Để tìm hiểu rõ hơn PV làm việc với đơn vị chủ rừng, lãnh đạo công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Chiêng cho biết “Sau khi xem hình ảnh mà phóng viên phản ánh, chúng tôi khẳng định đây là gỗ rừng. Tuy nhiên việc vận chuyển gỗ như thế nào thì còn đợi xác minh lại…”
Tiếng gầm rú của những chiếc xe độ chế, tiếng máy cưa vẫn tiếp tục vang lên. Người dân sống xung quanh ai cũng biết. Thế nhưng chỉ có những cán bộ quản lý rừng nơi đây vẫn làm ngơ. Liệu rằng, “máu” rừng còn tiếp tục đổ đến bao giờ?