Xe khách Hải Phòng – Quảng Ninh: Vì sao còn doanh nghiệp không "mặn mà" với việc điều chuyển?

(PLO) - Tính đến thời điểm hiện tại, Thượng Lý là bến xe được đầu tư và xây dựng bài bản nhất tại TP Cảng với tổng số vốn trên 50 tỷ đồng. Vậy vì sao nhiều doanh nghiệp vận tải chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh lại không "mặn mà" với việc điều chuyển theo Quyết định số 126 của UBND TP Hải Phòng? 
Bến xe Thượng Lý chưa thực sự hút khách
Bến xe Thượng Lý chưa thực sự hút khách

“Bất lực” vì xe dù…

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 60 lượt xe (tức khoảng 50% số lượt) được cấp phép chạy tuyến cố định từ Hải Phòng đi Quảng Ninh đã không điều chuyển về Bến xe Thượng Lý theo Quyết định số 126 của UBND TP Hải Phòng.

Sở GTVT TP Hải Phòng thừa nhận điều này gây nên sự “bát nháo” trong hoạt động vận tải hành khách. Mặc dù Thanh tra Sở GTVT đã lập Đoàn công tác làm việc trực tiếp tại Bến xe Thượng Lý để hướng dẫn việc điều chuyển và bố trí lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực Bến xe Lạc Long để xử lý vi phạm, tuy nhiên, lượt xe chạy sai tuyến, sai hành trình vẫn khá lớn.

Tại sao nhiều doanh nghiệp lại không “mặn mà” với việc điều chuyển về Bến xe Thượng Lý trong khi đây là bến xe được đầu tư và xây dựng bài bản bậc nhất tại Hải Phòng cho đến thời điểm hiện tại? Và trong số 50% số lượt không điều chuyển trên có bao nhiêu xe đã bỏ “lốt”? 

Bà Trần Thị Thủy, đại diện cho Nhà xe Phú Hưng (đăng ký vào “lốt” là 14 xe, trên thực tế hoạt động là 3 xe, 1 xe xin nghỉ - PV) thừa nhận việc hoạt động của các nhà xe không chấp hành “lệnh” điều chuyển thực chất là xe “dù”, bến “cóc”. Nhưng nếu không hoạt động kiểu “chống đối” như vậy thì nhà xe khó có thể tồn tại.

Theo bà Thủy, nguyên nhân mà Nhà xe Phú Hưng và một số đơn vị khác chưa chịu “đầu quân” về Bến xe Thượng Lý xuất phát từ việc đơn vị này không hỗ trợ họ về mặt thời gian xuất bến, thời gian lưu lại bến, không minh bạch trong các khoản thu, thậm chí có khoản thu vô lý như thu 50 ngàn tiền coi giữ xe đối với những xe không chạy theo "lốt".

Một nguyên nhân khác nữa là do các xe về Bến xe Thượng Lý “thưa” khách hơn lúc còn hoạt động tại Bến xe Lạc Long. Anh Đinh Văn Hà, đại diện nhà xe Thịnh Hưng (đã nghỉ đồng loạt cả 6 xe – PV) lý giải rằng, do thói quen, hành khách vẫn đón xe đi Quảng Ninh tại Bến xe Lạc Long. Vì vậy, nhiều xe “dù”, xe hợp đồng “trá hình” vẫn đón khách tại khu vực này. Thậm chí các xe đóng “lệnh” ở Bến xe Thượng Lý bất chấp quy định, chạy quay lại bến cũ. Về phía hành khách, họ lại tỏ ra hài lòng hơn khi đón xe ở Bến xe Lạc Long vì không cần mất một đoạn đường dài từ nội đô sang Bến xe Thượng Lý.

Trên đoạn đường từ Ngã ba Xi măng đến cầu Bính, những xe làm ăn chân chính khó có thể cạnh tranh được với đám xe “dù”. Bởi, phần lớn các xe chạy tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh đều đã cũ, nhiều xe xuống cấp trong khi các xe “dù” mà chủ yếu là xe Ford, xe Limousine có “đời” mới hơn, hiện đại hơn. 

Không riêng Nhà xe Thịnh Hưng, Phú Hưng, hơn 100 xe của Nhà xe Gia Khánh trước đây hoạt động hai chiều nhưng nay chỉ còn hơn chục xe; Nhà xe Thắng Lợi chỉ đăng ký vào bến 4 xe, báo nghỉ 3 xe; nhà xe 25/10 còn 11 xe đang hoạt động trong khi trước đó có 14 xe chạy Móng Cái và 1 xe chạy Cửa Ông.

Có hay không việc thất thu thuế?

Tính đến ngày 9/7, đã có 45/52 doanh nghiệp có phương tiện vận tải hành khách chạy tuyến cố định bằng ô tô tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh ký hợp đồng kinh tế với Bến xe Thượng Lý. 07 doanh nghiệp còn lại, đồng thời cũng là những đơn vị có số lượt xe đăng ký “lốt” đi Quảng Ninh khá lớn gồm: Công ty 25/10, Công ty Thắng Lợi, Công ty Phú Hưng… thì chưa tìm được "tiếng nói chung" với bến xe này.

Trong quá trình thực hiện việc điều chuyển, tháng 4, Bến xe Thượng Lý đã "khuyến mại" cho tất cả nhà xe phí xuất bến. Từ tháng 5 đến nay, tiền bến bãi của xe chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh được thu theo mức từ 120 ngàn đến 140 ngàn đồng/lượt. 

Một số nhà xe cho biết, quá trình nộp tiền cho nhân viên điều độ, họ không nhận được phiếu thu hay chứng từ liên quan. "Với những doanh nghiệp vận tải đã ký hợp đồng kinh tế với Bến xe Thượng Lý, họ có cơ sở để xuất hóa đơn. Vậy với những Nhà xe chưa ký hợp đồng như chúng tôi, họ lấy cơ sở gì để xuất hóa đơn?", đại diện Nhà xe 25/10 băn khoăn. Và như vậy, nhiều nhà xe đặt câu hỏi khoản tiền họ nộp sẽ vào "túi" ai? Liệu có hay không việc thất thu thuế từ việc làm này?

Về vấn đề trên, ông Lưu Thành Đông, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng (chủ đầu tư bến xe Thượng Lý-PV) khẳng định tất cả các khoản thu từ các nhà xe đều được Bến xe Thượng Lý hạch toán rõ ràng, tổng hợp tại phòng nghiệp vụ. Cuối mỗi tháng, trước khi xuất hóa đơn cho doanh nghiệp, Bến xe Thượng Lý sẽ gửi công văn đối chiếu về số lượng xe bỏ bến, bỏ "lốt" và đề nghị truy thu khoản tiền trên, chốt công nợ rõ ràng. 

"Hầu hết xe chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh đều hoạt động dưới mô hình hợp tác xã. Tức là dưới chủ doanh nghiệp vận tải còn có lái xe, chủ xe. Việc các lái xe hoặc chủ xe không nhận được hóa đơn cũng dễ hiểu bởi hóa đơn, chứng từ đã được chuyển đến doanh nghiệp", ông Đông lý giải. 

Thiết nghĩ, UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT TP Hải Phòng cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xử lý dứt điểm tình trạng xe "dù", bến "cóc" tuyến cố định Hải Phòng - Quảng Ninh. Bến xe Thượng Lý cũng cần có giải pháp khéo léo để "hút" khách hơn nữa, tránh tình trạng "bến bỏ xe" như phản ánh của các doanh nghiệp vận tải.

Đọc thêm