Đến nay, 60 lượt xe (tức khoảng 50% số lượt) được cấp phép chạy tuyến cố định từ Hải Phòng đi Quảng Ninh đã không điều chuyển về Bến xe Thượng Lý theo Quyết định số 126 của UBND TP Hải Phòng. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hải Phòng thừa nhận điều này gây ra sự "bát nháo" trong hoạt động vận tải hành khách.
Vị trưởng phòng “kỳ lạ”
Trong số báo 187, Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về việc hàng loạt xe khách tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh “đánh đu” với pháp luật khi tự ý chạy sai tuyến, sai hành trình, tức là không chấp hành sự điều chuyển theo Quyết định số 126 của UBND TP Hải Phòng. Sau khi đặt lịch với Sở GTVT TP Hải Phòng, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam được sắp xếp làm việc với Phòng Quản lý vận tải.
Về vấn đề này, ông Ngô Hồng Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải thừa nhận có tình trạng “náo loạn” trong vận tải hành khách như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh. Tức là có hiện tượng các xe khách chạy tuyến cố định Hải Phòng – Quảng Ninh đón, trả khách không đúng điểm, rất nhiều các xe chạy sai tuyến, sai hành trình và không ít “xe dù” tranh giành khách với các doanh nghiệp vận tải kinh doanh chân chính. Tuy nhiên, về số lượng xe vi phạm, ông Quang không nắm được bởi chưa nhận được văn bản tổng hợp từ Thanh tra Sở.
Ngày 30/3, Sở GTVT TP Hải Phòng ban hành Văn bản số 870/SGTVT-QLVT về việc sắp xếp, điều chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô tại một số bến xe trong khu vực nội đô để đảm bảo trật tự an toàn giao thông gửi các đơn vị liên quan. Nội dung văn bản chỉ rõ, Sở GTVT đề nghị Bến xe Lạc Long không làm thủ tục xe ra vào bến cho các phương tiện thuộc diện phải điều chuyển, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng (chủ đầu tư-PV) tạo điều kiện tối đa cho các phương tiện về hoạt động Bến xe Thượng Lý.
Đồng thời, Sở GTVT TP Hải Phòng cũng đề nghị Công an TP chỉ đạo lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong quá trình sắp xếp, điều chuyển tuyến vận tải khách cố định về bến Thượng Lý, trong đó xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình hoạt động tại các khu vực bến xe Lạc Long, đoạn từ ngã ba Xi măng đến cầu Bính… Lực lượng Thanh tra Sở phải bố trí lực lượng thường trực tại các bến xe đến hết ngày 30/4 để tập trung kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện xe khách vi phạm điều kiện kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, chỉ hơn nửa tháng sau, ngày 18/4/2018, Quyết định số 126 chưa được thực hiện nghiêm túc, Sở GTVT “tức tốc” ban hành Quyết định số 1043/SGTVT-QLVT về việc xử lý vi phạm quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Theo đó, Sở GTVT TP Hải Phòng giao Thanh tra Sở lập Đoàn công tác làm việc trực tiếp tại bến xe Thượng Lý để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc điều chuyển bến xe. Qua tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện phương tiện của đơn vị vận tải cố tình vi phạm thì ban hành Quyết định kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Theo Phòng Quản lý vận tải, sau 1 tháng tiến hành việc điều chuyển nói trên, Sở GTVT TP Hải Phòng đã có báo cáo gửi UBND TP Hải Phòng về tình hình triển khai và kết quả xử lý vi phạm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ông Ngô Hồng Quang từ chối cung cấp cho phóng viên báo cáo này.
Tước 9 giấy phép lái xe
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục làm việc với Thanh tra Sở GTVT về kết quả xử lý vi phạm. Được giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực bến xe Lạc Long, Thanh tra Sở GTVT đã lập kế hoạch cụ thể, trong đó phân công các thành viên túc trực tại các điểm mà vi phạm diễn ra công khai như các tuyến đường Tam Bạc, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Thượng Hiền, Cù Chính Lan…
Song song với điều đó, Thanh tra Sở cũng “cắm” chốt tại ngã ba Cù Chính Lan – Nguyễn Tri Phương, ngã ba Tam Bạc – Nguyễn Tri Phương, thậm chí bố trí 2 cán bộ túc trực tại Bến xe Lạc Long từ 6h đến 12h và từ 13h đến 18h hàng ngày. Vậy nhưng, số lượng xe vi phạm không có dấu hiệu thuyên giảm. Lượng xe chạy sai tuyến, sai hành trình, dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn tồn tại khá lớn.
Xe đi Móng Cái chưng logo sai quy định để đón khách tại chân cầu Lạc Long. |
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của lực lượng Thanh tra, từ thời điểm thực hiện việc điều chuyển đến 27/6, 47 trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, trong đó 40 trường hợp đã chấp hành quyết định xử phạt. Thanh tra Giao thông đã nộp Kho bạc Nhà nước trên 33 triệu đồng và tước giấy phép lái xe của 09 trường hợp.
Việc thanh tra, kiểm soát hoạt động của các lượt xe chạy tuyến cố định Hải Phòng – Quảng Ninh này được ông Nguyễn Đức Chi, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT ví von như “thả gà ra đuổi”. Bởi khâu kiểm soát “đầu vào” tại Bến xe Lạc Long thực hiện không chặt chẽ. Do Bến xe Lạc Long vẫn được phép trông giữ xe ô tô, do đó, các nhà xe vẫn ngang nhiên đón khách trong bến. Và khi đó, những “khách vãng lai” (theo cách gọi của Bến xe Lạc Long) này đã “lách luật” một cách ngoạn mục để hoạt động trái quy định. Trong khi đó, ông Chi cũng cho rằng phía Bến xe Thượng Lý chưa tìm được “tiếng nói chung” với phía các doanh nghiệp vận tải.
Còn đối với những xe hợp đồng, Thanh tra Sở GTVT cũng gặp “khó” khi kiểm soát danh sách khách hàng có “khớp” với nội dung hợp đồng đã đăng ký với Phòng Quản lý vận tải hay không bởi không phải khách hàng nào cũng mang giấy tờ tùy thân để đối chiếu. Đồng thời nếu nhà xe “dàn xếp” trước đối với khách hàng thì lực lượng Thanh tra đành “bó tay”.
Ở đây, cần phải nói thêm rằng, Phòng Quản lý vận tải là đơn vị nắm rõ nhất về hành trình chạy xe, cự ly, lưu lượng quy hoạch, phân loại tuyến quy hoạch và có chức năng giám sát hành trình. Với những sai phạm diễn ra công khai như hiện tại, Phòng Quản lý vận tải có thể xử lý “nguội”. Tuy nhiên, ông Quang từ chối cung cấp tất cả các tài liệu liên quan.
Thái độ “kỳ lạ” của vị Trưởng phòng này khiến dư luận hoài nghi rằng, liệu có sự bảo kê, bao che của cơ quan chức năng đối với những sai phạm của các nhà xe chạy tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh hay không? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.