Xét xử hai vụ án chống nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền

(PLO) - Hôm nay, TAND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đồng loạt đưa ra xét xử hai vụ án liên quan đến hành vi nhằm lật đổ chính quyền, chống phá nhà nước.

Sáng nay, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Xuân (42 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) vì  hành vi “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1, Điều 79, Bộ Luật hình sự.

Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 7/2016, thông qua một số người quen và mạng xã hội, Trần Thị Xuân đã làm quen với một số đối tượng phản động, được bầu làm Phó Ban điều hành chi hội Anh em dân chủ miền Trung.

Trần Thị Xuân đã nhận 170 triệu đồng của tổ chức khủng bố, phản động lưu vong ở nước ngoài và các đối tượng cực đoan trong nước.  

Bị cáo Trần Thị Xuân (42 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ảnh. VNN)
 Bị cáo Trần Thị Xuân (42 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ảnh. VNN)

Xuân đã dùng số tiền trên tham gia các hoạt động “vì cộng đồng”, “từ thiện”, nhưng thực chất là dùng tiền, vật chất của các tổ chức phản động lôi kéo, móc nối các đối tượng khác trên địa bàn cùng tham gia các hội, nhóm chống đối nhằm khuyếch trương cho cái gọi là xây dựng xã hội “dân chủ”. 

Ngày 3/4/2017, Xuân đã tham gia tụ tập đông người, gây rối tại trụ sở làm việc UBND huyện Lộc Hà. Xuân đã trực tiếp cầm micro hô hét, kích động người dân đập phá tài sản, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của huyện Lộc Hà nhiều giờ.

Theo nhận định của HĐXX, hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân. Vì vậy cần thiết phải xử phạt bị cáo thật nghiêm nhằm đủ thời gian để giáo dục, cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích, đồng thời đủ sức răn đe, trừng phạt cũng như phòng ngừa chung. Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Được nói lời sau cùng tại toà, bị cáo Xuân đã tỏ ra ăn năn hối cải và mong muốn được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, chứng cứ, lời khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Xuân 9 năm tù giam, hình phạt bổ sung 5 năm quản chế nơi cư trú sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ở một diễn biến khác, tại Nghệ An, sáng nay, TAND tỉnh Nghệ An cũng đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Viết Dũng về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Bị cáo Nguyễn Viết Dũng, sinh ngày 19/6/1986, thường trú tại xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Lao động tự do; tôn giáo: Không.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Nguyễn Viết Dũng (tức “Dũng Phi Hổ”) từng bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử phạt 12 tháng tù về tội "Gây rối trật tự công cộng."  Sau khi ra tù, Dũng  lên mạng xã hội, cấu kết với các đối tượng cực đoan, phản động để viết bài, chụp ảnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, chống phá đất nước, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ngày 27/9/2017 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Viết Dũng về hành vi “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự.

Trong thời gian từ ngày 30/4/2017 đến ngày 19/5/2017 Nguyễn Viết Dũng đã có hành vi đăng tải trên Facebook cá nhân nhiều bài viết do Dũng tự soạn thảo, sao chép và dùng ý kiến cá nhân có nội dung tuyên truyền sai trái các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hồ sơ vụ án cũng cho biết,  tại nhà riêng Nguyễn Viết Dũng còn có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành 4 lá cờ vàng ba sọc đỏ.

Bị cáo Nguyễn Viết Dũng, sinh ngày 19/6/1986, thường trú tại xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (Ảnh. Báo Nghệ An)
Bị cáo Nguyễn Viết Dũng, sinh ngày 19/6/1986, thường trú tại xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An (Ảnh. Báo Nghệ An)

Đặc biệt Nguyễn Viết Dũng còn có hành vi  treo cờ vàng ba sọc đỏ tại Khu di tích lịch sử Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại Khu du lịch Cồn Thái Sơn (tỉnh Tiền Giang) rồi chụp ảnh, quay video sau đó đăng tải trên trang Facebook cá nhân, chia sẻ phát tán công khai trên mạng Internet nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo nhận định của HĐXX, bị cáo Nguyễn Viết Dũng phạm tội trong bối cảnh các thế lực thù địch đang lợi dụng các trang mạng xã hội đưa tin xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bôi nhọ hệ thống cơ quan công quyền nhằm phá hoại tư tưởng, chia rẽ đại đoàn kết dân tộc, giảm lòng tin của nhân dân, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước.

Mặc dù bị cáo đã nhiều lần được chính quyền địa phương và cơ quan công an nhắc nhở, giáo dục và bị cáo cũng nhận thức rõ các hành vi vi phạm, nhưng bị cáo vẫn tiếp tục bất chấp, thực hiện hành vi  đăng tải trên trang Facebook cá nhân nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Điều đó  thể hiện quyết tâm chống Đảng, chống Nhà nước đến cùng của bị cáo

Hành vi phạm tội của bị cáo đi ngược với lợi ích của dân tộc, nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân vào chính quyền, vào Đảng, Nhà nước, làm giảm uy tín của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, đối nội của nhà nước ta.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của bị cáo Nguyễn Viết Dũng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sự tồn tại vững mạnh của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Viết Dũng 7 năm tù về tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và buộc bị cáo phải chịu hình phạt quản chế tại địa phương trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù./.

Đọc thêm