Xét xử lại nghi án “phân rởm” ở Sóc Trăng: Nhiều điều uẩn khúc gây tranh cãi vẫn chưa được làm rõ

(PLVN) - Trải qua 3 ngày (26, 27, 28/6) xét hỏi ở phiên sơ thẩm, nhiều vấn đề mới trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh là Kiểm soát viên Đội QLTT số 7 kêu oan, dần hé lộ.
Ông Phương và ông Thanh tại toà (hàng đầu, trái qua phải)
Ông Phương và ông Thanh tại toà (hàng đầu, trái qua phải)

Dấu hiệu điều tra chưa độc lập, khách quan 

Như Báo PLVN từng phản ánh, ngày 13/4/2016, ông Phương là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Thanh là thành viên của Đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra tại Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện 3 loại phân bón với số lượng 198 bao do Tập đoàn Con Cò Vàng (TP HCM) sản xuất nhưng chưa cung cấp được chứng từ về hợp chuẩn nên tiến hành lấy mẫu đưa đi giám định.

Kết quả 2 lần giám định tại 2 cơ quan khác nhau, 3 mẫu phân không đạt chất lượng. Theo cáo trạng, kết quả lần 2 là cơ sở cuối cùng để xử lý Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên nhưng ông Phương và Thanh “lợi dụng chức vụ” nên đưa mẫu phân bón đi kiểm nghiệm lần thứ 3 dựa vào công văn của nhà sản xuất phân bón là Tập đoàn Con Cò Vàng. Kết quả kiểm nghiệm lần 3 tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP HCM), 3 mẫu phân bón đều đạt chất lượng. Có kết quả lần 3, ông Phương cho tháo niêm phong, trả số phân bón lại cho Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên.

Cáo trạng cho rằng hành vi trên của ông Phương và Thanh đã gây thiệt hại cho người sử dụng (người mua phân bón sau khi tháo niêm phong) số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó có 2 hộ nông dân tại thị xã Ngã Năm yêu cầu Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên bồi thường 73 triệu đồng.

Tại phiên toà lần này, có nhiều lời khai, chứng cứ cho thấy quá trình điều tra diễn ra không độc lập. Cụ thể, sau khi có đơn tố cáo, Sở Công Thương thành lập tổ kiểm tra xử lý. Trong đó, ông Huỳnh Minh Trí (Phó Chánh Thanh tra Sở Công Thương) là Tổ phó. Dựa vào kết quả 2 lần kiểm nghiệm, ông Trí kết luận phân bón giả và lập hồ sơ đề nghị chuyển sang cơ quan ANĐT vì có dấu hiệu phạm tội. Tuy nhiên, khi điều tra, ông Trí lại được Cơ quan ANĐT phân công làm giám định viên cho vụ án. Ông Trí lại 1 lần nữa kết luận phân bón là giả.

Khi chủ toạ hỏi, quá trình nêu trên liệu có khách quan hay không? Khi cơ quan ANĐT có quyết định nêu đích danh ông làm giám định viên, ông có báo cáo lãnh đạo cơ quan hay không? Ông Trí nói cơ quan điều tra yêu cầu thì ông làm.

Về khía cạnh vụ việc đã gây ra thiệt hại hay chưa, bà Khưu Thị Diệu Huyền, Giám định viên tư pháp Sở Nội vụ, cho biết đến nay bà có ba kết luận giám định. Tất cả giám định thiệt hại phi vật chất đều căn cứ vào các công văn của cơ quan điều tra. Tuy nhiên khi cung cấp hồ sơ giám định, cơ quan ANĐT không cung cấp Công văn 124/QLT-NVTH ngày 9/3/2017 của Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng, trong đó có nội dung “Đoàn kiểm tra chưa gây ra hậu quả hay thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xã hội”.

Trước đây, ông Phạm Thanh Sơn – Giám định viên tư pháp Sở NN & PTNT Sóc Trăng từng đưa ra giám định thiệt hại vật chất của vụ án dựa trên bài báo “Tính toán nhu cầu phân bón của cây lúa bằng kỹ thuật ô khuyết” trên Báo Nông nghiệp. Sau khi toà trả hồ sơ yêu cầu làm rõ giám định thì ông Sơn đã nghỉ hưu và không còn là giám định viên nữa. Đến nay, thiệt hại vật chất vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoài việc chưa độc lập, khách quan thể hiện ở các giám định nêu trên, còn một vấn đề khác cần lưu ý. Sau khi cơ quan ANĐT Sóc Trăng khởi tố vụ án đã có văn bản gửi Công an quận 7 (TP HCM) nhằm xử lý hành vi “Sản xuất và buôn bán phân bón giả” của Cty Con Cò Vàng. Tuy nhiên, Công an quận 7 không khởi tố vì “không có tang vật phân bón để gửi giám định”. Điều này cho thấy, Công an quận 7 không dựa vào 3 kết quả kiểm nghiệm phân bón trước đây để kết tội mà buộc phải đi giám định độc lập. Vậy tại sao cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng lại không giám định độc lập mà lại dựa vào kết quả kiểm nghiệm để khởi tố, truy tố?

Nghịch lý chất lượng phân bón “rởm” 

Tại toà, Phạm Thanh Sơn – Giám định viên tư pháp Sở NN và PTNT Sóc Trăng nói khi giám định căn cứ số liệu của Tổng cục Thống kê để đưa ra năng suất bình quân của vụ lúa trong thời điểm xảy ra vụ án là 6 tấn/ha. Nghĩa là khi bón phân bón “rởm” mà ông Phương giải phóng, năng suất lúa không đạt 6 tấn/ha. Tuy nhiên, nông dân Võ Minh Tuấn khẳng định ruộng lúa của ông đạt năng suất trên 7 tấn/ha, khi sử dụng phân bón của đại lý Hồ Mỹ Nhiên. Ông Tuấn cũng cho hay, khi cơ quan ANĐT tới nhà làm việc thì ông mới biết lúa mình bị giảm năng suất do “bón phân bón rởm”.

Tại toà, ông Nguyễn Việt Trung (Phó GĐ Sở Công Thương), người ký công văn 124/QLTT-NVTH cho rằng với vụ việc của DN Hồ Mỹ Nhiên đến nay chỉ có thể xử lý vi phạm căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Sau khi Sở Công Thương có Công văn 124 nói rằng việc làm của đoàn kiểm tra là không gây thiệt hại, sau đó Giám đốc Sở Công Thương là ông Võ Văn Chiêu có ký Công văn số 365/SCT-TTr, gửi Cơ quan ANĐT, trong đó nêu: “Việc làm của Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện không đúng theo quy trình được pháp luật quy định đã làm ảnh hưởng không tốt đến việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ảnh hưởng đến uy tín của công chức trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và lợi ích của người dân sử dụng loại phân bón này”. Như vậy, cùng một cơ quan ban hành, hai Công văn 365 và Công văn 124 lại có quan điểm “tréo ngoe” nhau.

Được triệu tập đến phiên toà lần này, ông Kiều Dương, đại diện cho Bộ Công Thương lại trả lời khá chung chung, cho rằng “những vấn đề mà cơ quan ANĐT hỏi đã được phúc đáp rõ ràng”. Vị đại diện Bộ Công Thương từ chối câu hỏi của công tố viên về yêu cầu so sánh, đánh giá những nội dung được cho là chồng chéo nhau trong Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Ông Dương lại đề nghị đại diện VKSND “nên nghiên cứu chức năng, quyền hạn của Đoàn kiểm tra liên ngành được quy định trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa để giải quyết vụ án”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến phiên xử.

Đọc thêm