Xin miễn thuế cho... xe kéo tay của mẹ Vua Thành Thái

(PLO) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn gửi Bộ Tài chính xin miễn thuế giá trị gia tăng đối với chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh, được coi là cổ vật quý nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam. Tuy nhiên sau hai tháng “ngâm đơn” , Bộ này cũng không quyết được mà vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh
Chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh
Lịch sử và 10% giá trị 
gia tăng

Trước đó hôm 21/4, chiếc xe kéo của bà Hoàng thái hậu đã được chuyển an toàn về Cố đô Huế và ngay ngày hôm sau (22/4), đã được trưng bày tại nhà Tả Trà (thuộc cung Diên Thọ). Chiếc xe đã lưu lạc trên đất Pháp hơn 100 năm được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và kiều bào đấu giá thành công vào tháng 6/2014 tại Pháp với mức giá 45.000 EURO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật quốc gia về lại quê hương.
Bà Thái hậu Từ Minh là mẹ Vua Thành Thái. Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thì chiếc xe kéo tay bằng gỗ khảm xà cừ công phu vốn do Vua Thành Thái đặt các thợ mộc giỏi nhất của làng Kinh Lược, Hà Nội làm cho thân mẫu của mình để dạo chơi trong cung. Phần thân xe, tay vịn, ghế ngồi được trang trí công phu bằng cách khảm xà cừ các bức tranh, hoa lá, chữ thọ cách điệu theo phong cách cung đình Huế. 
Năm 1907, Vua Thành Thái bị thực dân Pháp phế truất và đưa đi an trí tại Vũng Tàu. Một số đồ ngự dụng vốn gắn bó thân thiết của ông đã được đem đi bán hay cầm cố. Ngày 18/10/1907, chiếc long sàng và chiếc xe kéo của nhà vua đã được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ bản xứ của Hoàng đế. 
Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ trong gia đình. Tất cả tưởng như chìm vào quên lãng nếu không có sự kiện ngày 13/6/2014, tại thành phố Tour cách Paris ngót 200km, nhà bán đấu giá Rouillac, với sự ủy nhiệm của gia đình Prosper Jourdan, đã đem bán đấu giá hai món cổ vật này...
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế, việc đấu giá để đưa chiếc xe từ Pháp về Việt Nam nhằm bảo lưu một cổ vật quý của quốc gia, phục vụ quảng bá giá trị văn hoá Huế và Việt Nam, hoàn toàn không vì mục đích thương mại, kinh doanh. Thế nhưng khi về Việt Nam, chiếc xe vẫn phải mất 10% thuế  giá  trị gia tăng (GTGT) nữa, mặc dù trước đó Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan cho miễn thuế nhập khẩu. 
Vì vậy, trong công văn ký ngày 17/4, UBND tỉnh này đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn thuế GTGT cho hiện vật này với số tiền thuế phải nộp khoảng 129 triệu đồng. 
Cổ vật hồi hương sẽ được miễn thuế
Sau hai tháng “ngâm đơn”, trong văn bản báo cáo Thủ tướng hôm 22/6, Bộ Tài chính dẫn quy định tại Điều 3 Luật Thuế GTGT: “Hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT, trừ quy định tại Điều 5 của Luật này”. Tại Khoản 20 Điều 5, Luật Thuế GTGT quy định: “Hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Theo Bộ Tài chính thì Luật và cả các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật  chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp hàng hoá là hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá của Việt Nam mang ra nước ngoài, nhưng được nhập khẩu trở lại để bảo tồn, gìn giữ và trưng bày tại Việt Nam. 
Tuy nhiên, xét thấy mặt hàng cổ vật chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh là trường hợp phát sinh trong thực tiễn, có giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam bị lưu lạc ở nước ngoài, nay được nhập khẩu trở lại, không vì mục đích thương mại, kinh doanh, chỉ để bảo tồn, gìn giữ giá trị lịch sử của dân tộc, do đó Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ vận dụng quy định tại Điều 3 Luật Thuế GTGT hoặc Khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT áp dụng không thu thuế GTGT đối với trường hợp chiếc xe kéo tay của Hoàng thái hậu Từ Minh và các trường hợp tương tự (nếu có phát sinh) là cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam lưu lạc ở nước ngoài, nay được các tổ chức, cá nhân nhập khẩu trở lại Việt Nam để bảo tồn, gìn giữ và trưng bày phục vụ cộng đồng, không dùng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. 

Đọc thêm