Trường làng cũng… “tiền khủng”
Tuần qua, nhiều phụ huynh ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) xôn xao trước thông tin học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Chu Văn An (TP Cao Lãnh) phải đóng 16 triệu đồng cho các khoản thu đầu năm.
Cụ thể, ngày 8/9, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An gửi thông báo cho các phụ huynh về các khoản thu năm học 2017-2018, trong đó có các khoản thu tự nguyện và thu theo từng tháng với các chi phí cụ thể; tổng cộng mỗi học sinh phải nộp lên tới 16 triệu đồng. Ngày 15/9, địa phương này đã họp báo và giải thích nhà trường đã làm đúng quy trình, lỗi là ở phụ huynh đã không thống nhất được các khoản thu xã hội hóa (!).
Trước đó, ngày 11/9, UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Hữu Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân vì nhà trường có nhiều khoản thu ngoài quy định. Trước đó, trên diễn đàn xã hội xuất hiện ảnh chụp thông báo các khoản thu đầu năm được ghi là của Trường THCS Minh Tân gồm 20 khoản với tổng số tiền hơn 9 triệu đồng. Qua kiểm tra cho thấy có 18 khoản thu trùng khớp trong 20 khoản của tờ thông báo trên mạng xã hội.
Còn tại Trường Tiểu học Đặng Cương huyện An Dương (Hải Phòng), năm học 2017-2018 các phụ huynh cũng kêu than về các loại phí phải đóng đầu năm học. Cụ thể, đối với học sinh lớp 1, các phụ huynh phải đóng 14 khoản tiền như: ủng hộ cơ sở vật chất, câu lạc bộ hè 2 triệu 650 nghìn đồng; sách giáo khoa 805 nghìn đồng; kỹ năng sống 1 triệu đồng /1 năm; Tiếng Anh 2 triệu đồng... và nhiều khoản thu khác với tổng cộng là hơn 10 triệu đồng /1 học sinh. Với học sinh lớp 4 và lớp 5, các loại phí đầu năm học cũng lên tới 6 triệu đồng với nhiều khoản thu như: trải nghiệm sáng tạo, hoạt động ngoài giờ kỹ năng sống, tạp phí, lao động, bảo vệ hỗ trợ chuyên môn, tăng giờ; sinh hoạt hè...
Ngoài các loại tiền liên quan đến học tập, hơn 800 học sinh của Trường Tiểu học Đặng Cương còn phải nộp thêm các khoản như: ủng hộ khai giảng 50 nghìn đồng, ủng hộ các ngày lễ lớn 100 nghìn đồng, trang trí tu sửa khuôn viên 100 nghìn đồng và các khoản tiền thăm hỏi, phong trào, tiền khen thưởng... Những khoản thu này dù ít hay nhiều đều được núp dưới danh nghĩa là “tự nguyện” hoặc “xã hội hóa” do Hội phụ huynh học sinh của trường chủ trì, nhà trường chỉ đứng ra thu hộ.
Theo xác minh ban đầu, các lớp học tại Trường Tiểu học Đặng Cương đã thực hiện thu đầu năm học. Cụ thể, khối lớp 1, các học sinh phải đóng 14 khoản với tổng số kinh phí 10 triệu 131 nghìn đồng; khối lớp 4 phải đóng 9 khoản với tổng số tiền 5 triệu 966 nghìn đồng; khối lớp 5 phải đóng 10 khoản với tổng số tiền 6 triệu 191 nghìn đồng. Hiện, các gia đình học sinh có điều kiện đã đóng đủ tiền, một số gia đình chưa có điều kiện mới đóng một phần…
Phụ huynh cần lên tiếng
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các phụ huynh chỉ đóng góp 2 khoản bắt buộc là học phí (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền học bán trú đối với các trường dạy 2 buổi/ngày và Bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, do các trường đứng ra thu hộ. Trong khi đó, những khoản thu này đều được cho là theo ý nguyện của Hội phụ huynh học sinh nên ngành chức năng rất khó xử lý các trường vi phạm.
Chia sẻ về ấn đề này, GS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay Nhà nước vẫn chưa thể cung cấp đủ kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục. Do đó, các trường nhận thấy có một khoản có thể huy động xã hội đóng góp được. Khoản nào Nhà nước không thể hỗ trợ thì cho phép các trường được thu dưới dạng xã hội hóa. Thế nhưng, điều cực kỳ quan trọng là phải đảm bảo yếu tố minh bạch trong thu, chi. Nghĩa là mức thu cụ thể là bao nhiêu? Thu để làm gì phải nói rõ ràng, chứ không thể để cho các trường làm một cách tùy tiện, mỗi trường thu một kiểu. Ở đây đang thiếu đi sự quản lý của Nhà nước ở điểm này. Nếu ta quản lý chặt thì sẽ không còn lạm thu, GS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.
Ở góc độ quản lý, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT thẳng thắn nhận định: “Câu chuyện lạm thu đầu năm học không phải mới, năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa “tự nguyện” hay “thu các khoản thu ngoài quy định của Nhà nước”, gây ra những phản ứng trong dư luận. Để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục các địa phương. Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã “vô tình” để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội”.
Điều lệ hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Về các khoản thu xã hội hóa, thu hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động giáo dục, tài trợ học bổng trợ cấp cho người học, Bộ GD&ĐT đã quy định, hướng dẫn rất rõ tại các Thông tư. Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT.
Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã quy định, đơn vị sự nghiệp nói chung được thu hoạt động sự nghiệp khác. Vì vậy, trong trường hợp các cơ sở GD&ĐT có tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo như tổ chức bữa ăn trưa, trông giữ xe, thu phí vào bể bơi trong trường… thì phải báo cáo thông qua Hội đồng nhân dân địa phương và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng nhưng về nguyên tắc phải đảm bảo chi cho lương là 82% và 18% cho các hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương do ngân sách hạn hẹp nên khi phân bổ chưa đảm bảo cơ cấu chi như trên mà đa phần là chi tới 90% hoặc cao hơn cho lương và các khoản theo lương, dẫn tới thiếu hụt phần chi cho hoạt động thường xuyên.
“Có một thực tế hiện nay là do cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học nên các địa phương đã vận dụng xã hội hóa để thu. Tuy nhiên, do một số nơi chưa xây dựng danh mục xã hội hóa để trình HĐND tỉnh thông qua và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện nên dẫn tới có tình trạng thu chưa đúng quy định”, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT bày tỏ.
Chính vì thế, ông Khánh cho biết, thời gian tới, cùng với những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tài chính, thu, chi trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra tại các địa phương để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm (nếu có). Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý là trách nhiệm của địa phương, Bộ không có thẩm quyền để xử lý trực tiếp. Ở đây đòi hỏi trách nhiệm của chính địa phương phải được nâng cao hơn nữa, mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người đứng đầu cơ sở vi phạm thì việc xử lý mới có thể dứt điểm được. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh, giáo viên để họ hiểu rõ Điều lệ cha mẹ học sinh, từ đó thực hiện cho tốt.