Xót tiền nhà nước, Trưởng phòng Khám bệnh đa khoa Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công thương 'lên tiếng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xót xa trước nhiều thiết bị máy móc trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không thể sử dụng trong việc khám chữa bệnh, gây lãng phí nên Bác sỹ chuyên khoa II – Nguyễn Bá Ngọc, Trưởng phòng Khám bệnh đa khoa Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công thương đã có đơn đề nghị lãm rõ trách nhiệm của ông Ninh Văn Thức, Giám đốc Trung tâm Y tế - Môi trường Lao động Công thương.
Nhiều thiết bị máy móc trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không thể sử dụng trong việc khám chữa bệnh. Ảnh: Mỵ Châu
Nhiều thiết bị máy móc trị giá nhiều tỷ đồng nhưng không thể sử dụng trong việc khám chữa bệnh. Ảnh: Mỵ Châu

“Đống máy móc tiền tỷ không phát huy hiệu quả”

Là trưởng phòng Khám bệnh nên bác sỹ chuyên khoa II, Nguyễn Bá Ngọc rất xót xa khi nhiều máy móc, thiết bị y tế như máy xét nghiệm miễn dịch tự động, máy siêu âm 4 chiều, máy đo điện não tại nơi mình làm việc không được sử dụng, mà để 1 chỗ.

Theo Bs Ngọc, từ nhiều năm nay dù Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công thương đã được đầu tư nhiều tỷ đồng để mua máy móc thiết bị, nhưng do mua không đúng chủng loại, không đúng tuyến bệnh viện, đặc biệt có dấu hiệu khai gian giá nên đống máy móc dù rất nhiều tiền nhưng bị vứt "chỏng chơ", bác sỹ không thể đem vào sử dụng.

Cụ thể máy miễn dịch tự động ATom – Marcoche – Italy giá 1.272946.754 đồng; máy siêu âm 04 chiều F37 – Hitachi aloka giá 1.197.315.172 đồng đều mua năm 2016; hệ thống số hóa máy XQ 200mmA giá 565.000.000 đồng mua năm 2017; máy điện não vi tính loại 58 kênh giá 628.000.000 đồng, máy siêu âm kỹ thuật xách tay KUP-111 giá 1.099.000.000 đồng, bàn mổ đa năng giá 431.000.000 đồng, máy phun dung dịch khử khuẩn cho phòng mổ giá 380.337.975 đồng đều mua năm 2018; máy siêu âm xách tay (logiq v2) giá 739.050.000 đồng mua năm 2019 và nhiều loại máy móc khác đều không phát huy hiệu quả trong khám bệnh, trong đó có nhiều máy mua mới mà không thể sử dụng được gây lãng phí.

Thiết bị máy móc không được đưa vào sử dụng. Ảnh: Mỵ Châu

Thiết bị máy móc không được đưa vào sử dụng. Ảnh: Mỵ Châu

Bên cạnh đó theo Bs Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế - Môi trường Lao động Công thương và Phòng Kế hoạch tài chính còn lập hồ sơ khống phần mềm quản lý bệnh viện NN:55.650.000 trị giá 153.650.000 đồng; phần mềm quản lý khám ngoại tuyến giá 75.000.000 đồng; phần mềm hệ thống kết nối mã vạch cho phòng xét nghiệm EZ1100 plus-Godex Đài Loan giá 166.600.000 đồng. Cả ba phần mềm trên đều chưa được bàn giao và đưa vào sử dụng nhưng vẫn được quyết toán đầy đủ.

Xót xa trước những máy móc không sử dụng được Bs Ngọc đã rất nhiều lần góp ý, kiến nghị lên Ban Giám đốc Trung tâm Y tế - Môi trường Lao động Công thương nhưng Giám đốc là ông Ninh Văn Thức đã không quan tâm xem xét, thậm chí còn có thái độ thách thức nên ông đã làm đơn kêu cứu mong các cấp có thẩm quyền và pháp luật làm rõ.

Cũng theo Bs Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế - Môi trường Lao động Công thương còn tổ chức cho đoàn thanh niên, công đoàn đi khám bệnh để gây quỹ hơn 1,5 tỷ đồng nhưng không công khai; tuyển dụng nhân viên không rõ ràng và cho thuê cơ sở vật chất của trung tâm để quầy thuốc, phòng thẩm mỹ không đúng quy định.

Câu trả lời chưa đạt lý

Để hiểu rõ thực hư những nội dung mà Bs Ngọc nêu, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Ninh Văn Thức, Giám đốc Trung tâm Y tế - Môi trường Lao động Công thương để tìm hiểu câu trả lời. Tuy nhiên ông Ninh Văn Thức không trả lời rõ những vấn đề mà cấp dưới phản ánh và hướng trách nhiệm trả lời lên Bộ Công thương.

Ông Ninh Văn Thức cho rằng, việc mua sắm trang thiết bị không phải câu chuyện mà báo chí cần phải quan tâm, “biết để làm gì”.

Theo ông Thức, “thiết bị y tế 2 năm vừa rồi COVID-19 làm gì có bệnh nhân”. Đồng thời khẳng định Bs Ngọc chỉ là Trưởng phòng, không có con dấu, không có tài sản gì cả và không có quyền phản ánh đến báo chí.

Ông Thức biện minh, “hồi ấy tôi chỉ làm chủ trương, quản lý thôi, còn mọi cái bàn giao cụ thể rồi hướng dẫn vận hành là cán bộ trên phòng Kế hoạch Tài chính. Các đồng chí nghỉ hưu hết rồi. Bây giờ truy thì anh biết tìm ai. Tiền nhà nước, bây giờ vẫn còn đây".

Về nội dung khai khống phần mềm ông Thức cho biết, “Bs Ngọc mới lên thôi, trước đó là lãnh đạo khác. Khi bàn giao mà tôi không phải là người bàn giao mà cán bộ của tôi, tôi chỉ quản lý”.

“Phần mềm bàn giao 2016, 2017, 2018 và không được đầu tư đầy đủ; máy móc, máy vi tính mua từng năm mua 1 vài chiếc. Không phải 1 phát có 1 cục tiền mua và vận hành ngay được. Ví dụ năm nay có phần mềm, năm sau có máy tính thì mới tập huấn, vận hành được”, ông Thức nói.

Ông Thức cũng khẳng định tất cả những gì liên quan đến câu chuyện tại Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công thương bản thân ông sẽ từ chối cung cấp tất cả các tài liệu.

Phóng viên đã liên hệ và đề nghị Bộ Công thương làm rõ và thông tin về sự việc này nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Ngày 22 tháng 2 năm 2022 Bộ Công thương ban hành Thông báo số 27/TB-BCT về nội dung tố cáo liên quan đến Trung tâm Y tế - Môi trường lao động Công thương và Giám đốc Ninh Văn Thức. Hiện nay, Tổ xác minh đang thực hiện xác minh tại Trung tâm theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Đọc thêm