Xu hướng bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng
Trong thời gian giãn cách xã hội ở Việt Nam, nhiều blogger du lịch đã giới thiệu cho người xem cách họ tận hưởng không gian ở nhà như đang đi nghỉ dưỡng ở một nơi nào đó. Đây cũng là một hình thức “staycation”, tức là nghỉ dưỡng tại gia.
Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ bó buộc trong khuôn khổ căn nhà của mỗi người mà còn đa dạng hơn thế. “Staycation” được định nghĩa trong từ điển Oxford là “một kỳ nghỉ tại quê hương của mình, không cần xuất ngoại, hoặc dành thời gian ở nhà và có những chuyến du lịch ngắn đến các điểm thú vị trong vùng”.
Đây là một mô hình kỳ nghỉ phổ biến với sinh viên hoặc những du khách có ngân sách thấp. Xu hướng này xuất hiện đầu tiên ở Hoa Kỳ tại thời điểm khủng hoảng kinh tế năm 2008. Chính vì thế, các hộ gia đình phải “thắt lưng buộc bụng” với mọi khoản chi tiêu, trong đó có ngân sách kỳ nghỉ của họ.
“Staycation” được xem là một cách du lịch ứng biến của tầng lớp trung lưu trong thời kỳ biến động. Không nhất thiết phải gói ghém đồ đạc để “đổi gió” tại những bãi biển hay những vùng đất cách hơn hàng trăm, hàng ngàn ki-lô-mét, họ tận hưởng kì nghỉ ngay tại nhà của mình.
Không chỉ dừng ở một chuyến đi chơi thông thường, du khách kiểu “staycation” cũng lên kế hoạch chuyến đi của họ y như cách tổ chức các chuyến đi du lịch xa nhà, với mục đích khám phá vẻ đẹp của địa phương, thành phố mà mình sinh sống.
Đó có thể là những hoạt động mà một người không bao giờ thực hiện vì lịch trình công việc bận rộn; như thưởng thức nghệ thuật, tập luyện thể thao ngoài trời, thăm thú các phiên chợ tại địa phương,…hoặc thậm chí là qua đêm trong một khách sạn thú vị nào đó.
Sẽ có những quán cà phê và nhà hàng mà bạn chưa từng thử, những tòa nhà lịch sử mà bạn chưa từng thấy trước đây và những công viên tự nhiên mà bạn không bao giờ ghé thăm. Hoặc cũng có thể là những điểm đến bạn đã từng tham quan nhưng muốn quay lại và tái khám phá nó.
Khu chợ rau tại quận Bình Thạnh (Sài Gòn) vẫn hoạt động tấp nập lúc 2h sáng |
Đến nay, nhiều du khách ưu chuộng xu hướng “staycation” còn bởi vì những lợi thế của nó. Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng nổ, ngành du lịch đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo những hệ luỵ khách du lịch quá tải, giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường… thì xu hướng “staycation” được xem như một giải pháp tuyệt vời cho những thách thức này.
Đây cũng là phương án tiết kiệm cho du khách cả về mặt thời gian và tiền bạc, đặc biệt đối với những chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày. Theo đó, du khách hầu như không phải bỏ tiền ra chi trả cho việc đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ và chi phí vận chuyển, ước tính trung bình chiếm khoảng 15% ngân sách du lịch của mỗi người.
Xu hướng này cũng hạn chế các khâu đoạn rườm rà để tổ chức một chuyến đi như việc lên kế hoạch, chuẩn bị vali, sắp xếp quần áo, … Đồng thời, khi ô tô, tàu thuyền, máy bay ít được sử dụng, các phương tiện giao thông công cộng, xe đạp, xe máy điện hoặc chỉ đi bộ được ưa chuộng hơn, góp phần giảm thiểu khí thải các-bon ra môi trường không khí.
“Staycation” còn được coi là một phong trào du lịch bền vững khi khuyến khích “du khách” sống chậm lại để khám phá hoặc khám phá lại vẻ đẹp của thành phố, khu vực nơi mình sống – điều mà chúng ta thường bỏ quên do thói quen và guồng quay cuộc sống hối hả.
Với đặc trưng “lấy ngôi nhà của mình là trung tâm”, xu hướng “staycation” phù hợp với những người bận rộn, mong muốn giải toả áp lực trong cuộc sống. Các vấn đề chung tại chốn đô thị như đất chật người đông, mức độ ô nhiễm cao, biến động kinh tế… buộc cư dân phải liên tục “tăng tốc” để bắt kịp nhịp sống, từ đó sức khoẻ tâm thần của họ cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, thời điểm này hàng năm lại là mùa thi cử - một áp lực rất lớn đối với các em học sinh cũng như gia đình. Một chuyến nghỉ dưỡng tách biệt bản thân khỏi những áp lực đè nặng trước mắt thường được xem là liều thuốc hữu hiệu, giúp các em có một tâm lý thoải mái trước khi đi thi.
Tuy nhiên, để có một chuyến đi nghỉ dưỡng mà không làm ngắt quãng lịch trình ôn thi dày đặc của các em học sinh là một vấn đề mà du lịch xa nhà không giải quyết được. Một chuyến đi gần nhà, tiết kiệm chi phí và thời gian nhưng vẫn đạt hiệu quả về nghỉ dưỡng có thể là lựa chọn hợp lý hơn.
Trải nghiệm tại một homestay xinh xắn ở phố cổ |
Sáng tạo với nhu cầu nghỉ dưỡng của bản thân
Tổ chức Du lịch Thế giới ước tính lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm 60-80% trong năm 2020. Tuy nhiên, Adam Blake, giáo sư kinh tế, đồng thời là Trưởng khoa du lịch Đại học Bournemouth chia sẻ: “Mọi người vẫn sẽ muốn đi du lịch, có điều họ sẽ cẩn thận hơn thôi”. Có lẽ không chỉ cẩn thận, chúng ta sẽ ngày càng sáng tạo hơn đối với nhu cầu nghỉ dưỡng của bản thân.
Có rất nhiều ý tưởng cho một kỳ nghỉ dưỡng kiểu “staycation” đúng nghĩa. Đài GMA (Good Morning America) từng nhắc đến staycation như là một chương trình sinh hoạt hè của các gia đình. Họ từng nhấn mạnh vào 4 quy tắc vàng khi thực hiện một chuyến “staycation”.
Đó là lên lịch trình có ngày bắt đầu và ngày kết thúc; lưu giữ kỷ niệm chuyến nghỉ dưỡng tương tự như hình thức du lịch truyền thống (như chụp hình, quay phim...); loại bỏ toàn bộ công việc, việc nhà như trả lời điện thoại, kiểm tra email, dọn dẹp giường ngủ, tủ quần áo, hút bụi, lau nhà... ra khỏi lịch trình; dùng tất cả gói thời gian vào các hoạt động thể thao hoặc thư giãn đúng nghĩa bên cạnh người thân, bạn bè.
Hiện nay, có nhiều blog, website về du lịch chia sẻ về các lịch trình và cách khám phá nơi sống của mình theo hình thức “staycation”. Đơn cử, trang web Wowweekend có bài viết chia sẻ về xu hướng này như sau: “Ở đâu chứ ở đất Sài Gòn này không thiếu những chỗ hay ho để bạn khám phá. Staycation ngay giữa đất Sài Gòn, bạn có thể cùng người thương nhập vai khách du lịch, đưa nhau đi khắp các ngõ ngách xưa cũ của Sài Gòn, để Sài Gòn kể cho bạn nghe về lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Hoặc mình làm hẳn một food tour ăn hết Sài Gòn. Lên danh sách quán, rồi dành trọn 1 ngày từ sáng đến tối để “rảo” hết các quán, nhâm nhi những món ăn, đồ uống đặc sắc nhất”.
Khám phá khu chợ ẩm thực nước ngoài tại Việt Nam |
Trong bối cảnh Covid-19, xu hướng “du lịch không cần đi xa” được giới trẻ Việt Nam đón nhận hơn. Chị Trúc Quỳnh, một cư dân sống tại Hà Nội chia sẻ: “Điều quan trọng nhất của một kỳ nghỉ dưỡng là không có những cuộc réo gọi bởi công việc, không cần kiểm tra điện thoại, email, zalo, facebook, twitter hay các ứng dụng công việc khác. Khi đã quyết định tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ tại gia, tôi thường sắp xếp hết các công việc cần thiết và bàn giao lại với đồng nghiệp, lên kế hoạch, thời gian, để dành tiền bạc y như mọi chuyến du lịch xa nhà khác. Như vậy tôi mới có thể yên tâm nghỉ ngơi, trải nghiệm, khám phá”.
Mặt khác, xu hướng “staycation” chuyển ra sống ven đô cũng đang hình thành tại Việt Nam từ khoảng cuối năm 2019. Nhiều năm nay, những cá nhân, gia đình có điều kiện khá giả bắt đầu tìm kiếm “khả năng di cư” ra ngoại thành, tránh xa trung tâm ồn ào, đông đúc, ô nhiễm khói bụi.
Sự gia tăng của những bất động sản ven đô như biệt thự sân golf đã và đang nhận được sự quan tâm của phân khúc du khách cao cấp. Một ngôi nhà thoáng đẹp, đầy đủ tiện nghi tạo không gian cho những trải nghiệm sống chậm của từng cá nhân như dành thời gian cho riêng mình, đạp xe xung quanh nơi ở hay chỉ đơn giản là ngồi ngoài trời và đọc sách.
Nhiều “du khách” cho rằng “staycation” là một xu hướng nghỉ dưỡng vừa lạ mà vừa quen. Cái lạ nằm ở chỗ “du khách” cũng đồng thời là cư dân bản địa phải tìm kiếm những địa điểm, trải nghiệm mới lạ tại chính nơi mình đã sinh sống lâu dài. Hoặc họ tìm ra những ý nghĩa mới từ những điểm đến, hành động mà họ vẫn đi qua, vẫn thực hiện hàng ngày. Thông qua đó, du lịch tại chỗ cũng là một hình thức trải nghiệm, khám phá bản thân như mọi loại hình du lịch khác.