Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm
Báo cáo với Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc và triển khai kỹ lưỡng việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến 12 dự án thua lỗ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, trong khi thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao, bên cạnh yếu tố thuận lợi, cũng còn một số khó khăn, hạn chế như nhiều nội dung nhiệm vụ được giao có tính chất phức tạp, đặc biệt là các nhiệm vụ làm rõ và xử lý dứt điểm các tranh chấp, vướng mắc liên quan đến các gói thầu EPC và công tác quyết toán của các dự án.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Văn phòng Chính phủ duy trì thường xuyên việc kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp ngành Công Thương mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo giao cho các bộ, ngành, cơ quan để giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, tuy tiến độ xử lý các dự án còn chậm nhưng bước đầu đã có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần xác định rõ nhiệm vụ và nguyên nhân từ đâu mà xử lý chậm; do tập thể hay cá nhân cũng cần được làm rõ.
Có dự án âm cả vốn sở hữu
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành Công Thương là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đã hết sức cố gắng. Có 189 nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; đã hoàn thành 120 nhiệm vụ.
Hiện còn 54 nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn trong hạn và có 15 nhiệm vụ đã quá hạn mà chưa hoàn thành. “Yêu cầu đặt ra là phải chỉ đạo và quyết liệt thực hiện, dù trong quá trình thực hiện trên thực tế có những vấn đề rất khó” – ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Chủ nhiệm cũng thông tin thêm, ngày 13/4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, nghe Bộ Công Thương báo cáo về 12 dự án kém hiệu quả, thua lỗ. Theo đó, có dự án âm cả vốn sở hữu, có dự án lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. “Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất quyết tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, những gì có thể được từ cơ chế, ngay cả bảo hộ cho sản xuất trong nước, bảo hộ sản phẩm để các nhà máy có thể hoạt động được.
Nhưng nếu không hoạt động trở lại được thì phải có phương án. Bộ Công Thương đã có báo cáo từng phương án của từng nhà máy và có những dự án đặt phương án phá sản, có những dự án đặt phương án là bán”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng cho biết, trong xử lý vướng mắc, ngay cả vấn đề tăng vốn đầu tư, cần phải có đánh giá toàn bộ tổng thể dự án, thiết bị, công nghệ, tài chính, quản trị... Trong 15 nhiệm vụ quá hạn, yêu cầu các doanh nghiệp, Bộ Công Thương phải đưa ra kế hoạch chi tiết, cụ thể; Tổ công tác của Bộ Công Thương phải thường xuyên kiểm tra, thúc đẩy tiến độ.