Điển hình là ngày 8/2, Đội QLTT số 26, Cuc QLTT Hà Nội phối hợp với cơ quan Công an kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816 - CT2, Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ.
Đáng chú ý, bà Vân mua cồn 90 độ, dung dịch glycerin để pha chế cùng với nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ bán ra thị trường.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được công bố chất lượng và đăng ký kinh doanh nên đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định.
Ngày 7/2, Đội QLTT số 3, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện khoảng 86 kiện hàng chứa 150.000 chiếc khẩu trang các loại chưa xác định được chủ sở hữu và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 1/2, lực lượng QLTT Lào Cai mở niêm phong xử lý 86.000 chiếc khẩu trang y tế các và 6.000 chiếc găng tay cao su y tế các loại chưa xác nhận được chủ sở hữu.
Được biết, từ ngày 31/1, để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, Tổng cục QLTT chỉ đạo các Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona.
Lực lượng QLTT cũng đã phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.