Trên thực tế, số lượng phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ thời gian vừa qua ngày càng lớn, dẫn tới tình trạng quá tải tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Việc gia tăng số lượng và tình trạng quá tải các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ tại các bãi trông giữ phương tiện vi phạm theo Bộ Tư pháp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định liên quan đến xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đơn cử, liên quan đến mức tiền phạt vi phạm hành chính: Chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện bị tạm giữ cố tình không đến nhận phương tiện do mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quá cao, thậm chí cao hơn nhiều lần giá trị của phương tiện bị tạm giữ.
Trường hợp này, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện sẵn sàng từ bỏ phương tiện, không đến cơ quan có thẩm quyền tạm giữ để giải quyết hoặc trường hợp phương tiện thuộc diện mua đi bán lại nhiều lần, không đủ giấy tờ hợp pháp nên không đủ căn cứ trả lại.
Bên cạnh đó, một số phương tiện bị lực lượng chức năng tạm giữ có dấu hiệu hình sự nên người vi phạm cũng không quay lại cơ quan chức năng để nộp phạt, nhận lại phương tiện…
Hay liên quan đến trình tự, thủ tục xử lý, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc xử lý các phương tiện giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn do quy định pháp luật về trình tự, thủ tục tịch thu sung công quỹ nhà nước, bán đấu giá, thanh lý phương tiện bị tạm giữ mặc dù đã tương đối đầy đủ.
Cụ thể những nội dung còn phức tạp và có một số bất cập, chẳng hạn như việc xác minh chủ sở hữu phương tiện: Để có thể đấu giá và sung công quỹ nhà nước số phương tiện “vô chủ”, quá trình tiến hành xác minh rất mất thời gian, vì có trường hợp phương tiện được mua bán qua nhiều chủ sở hữu; phương tiện bị “đục lại số khung, số máy”, thay đổi kết cấu, tổng thành phương tiện... (có trường hợp mất tới vài tháng, vài năm).
Việc xử lý đối với các phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị cũng khó khăn tương tự. Theo quy định pháp luật hiện hành thì một số phương tiện có giá trị thấp hoặc không còn giá trị, không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông, nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục...
Đáng chú ý, khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC và Điều 17 Nghị định số 115/2013/NĐ-CP quy định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo ít nhất 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 Luật XLVPHC và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Quy định nêu trên chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Thực tế nêu trên đòi hỏi cần có những giải pháp xử lý tình thế linh hoạt, phù hợp quy định pháp luật để tránh lãng phí và hạn chế tình trạng quá tải ở một số điểm trông giữ phương tiện vi phạm bị tạm giữ.
Tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, bước đầu đã rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến trình tự, thủ tục tạm giữ, tịch thu, bán đấu giá, thanh lý tài sản nhà nước theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Cụ thể là rút ngắn thời gian và số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận (không có lý do chính đáng) hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm (quy định tại khoản 4 Điều 126 Luật XLVPHC) để cơ quan có thẩm quyền có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm.
Đối với các tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp phương tiện không đến nhận lại thì có thể tiến hành ngay các thủ tục để bán đấu giá, thanh lý tài sản, tránh trường hợp tang vật, phương tiện để lâu ngày, bị tồn đọng tại các điểm trông giữ tang vật, phương tiện vi phạm.