Trong tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em – im lặng hay lên tiếng” diễn ra mới đây, với tư cách là một chuyên gia về pháp luật hình sự, Luật sư Lê Văn Luân đã bày tỏ rằng vụ việc xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở Hoàng Mai, HN là một vụ… “may mắn” vì có nhiều chứng cứ như: có nhân chứng chứng kiến, trên cơ thể nạn nhân có dấu vết phù nề, có sự thừa nhận của nghi can trong băng ghi âm. Nhưng không phải vụ xâm hại tình dục trẻ em nào cũng có được “may mắn” nhiều chứng cứ như vậy.
Ở góc độ địa phương, trực tiếp đối mặt và giải quyết với nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, bà Tô Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cũng đồng quan điểm và đã chỉ ra những nguyên nhân từ pháp luật khiến các vụ xâm hại tình dục trẻ em trở nên ít chứng cứ. Theo bà Tô Thị Kim Hoa, chứng cứ trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em rất khó xác định vì thường không bắt được quả tang, không có người làm chứng, trẻ bị hại còn quá nhỏ chưa nhận thức được hoặc hạn chế nhận thức…
Chứng cứ khó như thế nhưng hiện nay việc giám định pháp y còn hạn chế, không quy định trưng cầu giám định pháp y tình dục trẻ em là loại đặc biệt để được thực hiện nhanh nhằm phát hiện tội phạm nên đến khi giám định thì chứng cứ đã mất. Trong khi đó hiện nay các cơ quan điều tra trọng chứng hơn trọng cung, luôn yêu cầu phải có “dấu vết vật chất” vì thế mà nhiều vụ dâm ô trẻ em mãi bị “chìm xuồng”.
Đừng để mất “dấu chân” thủ phạm
Từ những thực tế trên và trước các vụ xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay, hôm qua – 16/3 phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia - cơ quan chuyên môn sâu về hoạt động giám định pháp y - thì được biết bản thân các giám định viên cũng rất trăn trở về vấn đề này.
Cụ thể theo TS. Nguyễn Đức Nhự, xâm hại tình dục trẻ em không chỉ có hành vi hiếp dâm, giao cấu mà còn có các hình thức dâm ô biểu hiện bằng các hành động rất đa dạng như đụng chạm bằng tay, sờ mó vào các bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác của cơ thể, cọ xát dương vật vào bộ phận sinh dục, hoặc các bộ phận khác của cơ thể …
Các hành vi này có thể gây nên hậu quả như tổn thương hoặc các dấu vết dưới dạng vết nứt, vết xước, vết rách, xuất huyết mô màng trinh, viêm, sưng tấy đỏ, đau bộ phận sinh dục… có thể rách màng trinh nếu bị tác động.
Dước góc dộ giám định pháp y, dấu vết của hành động dâm ô để lại trên người nạn nhân có thể là các tổn thương thường nhẹ, các vết xước không lớn, vết xuất huyết, vết rạn, sây sát da niêm mạc nhanh chóng biến mất và có thể không để lại dấu vết, một số cháu nhỏ 5-7 tuổi có thể bị những tổn thương nặng hơn vì các cháu không biết chống cự. Có thể phát hiện thấy tinh dịch hoặc lông, tóc, thậm chí cả ADN của kẻ dâm ô trên cơ thể của các cháu…
Dấu vết trong giám định pháp y là rất quan trọng vì thế khi thấy con em của mình là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục thì gia đình, người thân cần phải báo ngay với cơ quan công an để đề nghị đưa các cháu đi khám giám định càng sớm càng tốt và lưu ý khám đúng địa chỉ là cơ quan giám định pháp y để có bằng chứng phục vụ cho công tác điều tra.
“Như hiện nay có một thực tế là nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em khi đến với cơ quan giám định trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất nhưng cơ quan giám định cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chứng cứ đã bị… xóa sạch, khi vụ việc xảy ra, gia đình, chính quyền, cơ quan công an thường đưa nạn nhân đến các cơ sở sản khoa của bệnh viện để thăm khám.
Do không có nghiệp vụ pháp y mà chỉ có nghiệp vụ sản khoa nên trong quá trình thăm khám các y bác sĩ trong nhiều trường hợp đã vô tình có tác động làm mất dấu vi vết sinh học hoặc bỏ sót các thương tích ở các vùng khác của cơ thể có liên quan như: vết tinh dịch, lông bộ phận sinh dục, dấu hiệu chống đỡ… là những bằng chứng rất quan trọng giúp tìm ra thủ phạm.
Cũng có những trường hợp gia đình nạn nhân do dự trong việc tố giác tội phạm, nên trình báo cơ quan chức năng muộn cũng là nguyên nhân khó khăn cho việc giám định và truy nguyên nghi can” – ông Nhự cho biết.
Cần có cơ chế cho phép đương sự tự yêu cầu giám định từ giai đoạn tiền tố tụng
Ở góc độ pháp luật, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Nguyễn Đức Nhự cũng có nhiều băn khoăn. Bởi, theo Luật Giám định tư pháp nếu người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
“Như vậy có thể hiểu nếu gia đình đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cho các cháu đi giám định mà không được đi giám định ngay thì phải đợi sau 7 ngày khi nhận được thông báo từ chối mới có thể có quyền tự mình yêu cầu giám định. Như vậy là quá lâu đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần đi giám định ngay.
Do đó chúng tôi đề nghị đối với các trường hợp liên quan đến xâm hại tình dục cần có cơ chế cho phép đương sự tự yêu cầu giám định từ giai đoạn tiền tố tụng (thực tế đối với các trường hợp khác như xét nghiệm ADN thì các cơ quan tố tụng có thể chấp nhận kết quả xét nghiệm trước đó như là giám định tiền tố tụng; còn đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục thì phần lớn do gia đình không biết để đề nghị cơ quan công an cho đi giám định sớm, nếu họ tự đi giám định trước thì theo luật lại vướng như đã nói trên).
Khi cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận giám định đó để giải quyết vụ án thì sẽ trở thành kết quả giám định tư pháp” – ông Nhự kiến nghị.
Hiện nay gần tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Trung tâm Pháp y có chức năng nhiệm vụ thực hiện giám định tư pháp về pháp y với nhiều loại hình giám định trong đó có giám định pháp y tình dục. Hoạt động giám định ở góc độ cơ quan giám định rất nhanh gọn, có thể có kết quả ngay trong ngày nếu như không phải làm thêm các xét nghiệm bổ sung... Việc thời gian kéo dài là phụ thuộc vào quy trình điều tra, trưng cầu của cơ quan tố tụng.