Trước sự “bất nhất” này, nhiều chủ công trình cho rằng, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (HTKD) cần được làm thủ tục thanh lý trước khi thực hiện giải tỏa khu đất thì mới đúng theo thỏa thuận, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi của các bên.
Thành phố cho phép dựng công trình, phường yêu cầu tháo dỡ
Các ô đất ký hiệu E3, E4, E5- Khu đô thị mới Cầu Giấy là khu vực bố trí trụ sở của các Tổng Cty. Tuy nhiên, trong thời gian chưa có quyết định giao đất chính thức, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 8360/UBND-KT (ngày 19/10/2012) cho phép Handico được tạm sử dụng mặt bằng các ô đất (tuyệt đối không được xây dựng các công trình kiên cố) để khai thác tạo nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ và chi phí duy trì bảo vệ ô đất, chống lấn chiếm. Khi TP có quyết định thu hồi đất giao cho các đơn vị liên quan, trong thời hạn 30 ngày, Tổng Cty có trách nhiệm bàn giao, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng cho đơn vị được giao đất.
Tiếp đó, tại Công văn số 3719/UBND-KT ngày 24/3/2013, UBND TP Hà Nội tiếp tục cho phép xây dựng các công trình nhà tạm (nhà khung thép, mái tôn, kết cấu đơn giản, không kiên cố, dễ tháo dỡ) trong phạm vi ô đất.
Dự trên sự đồng ý tại hai văn bản trên, Handico đã tiến hành ký kết hợp đồng HTKD với một số đơn vị để khai thác các ô đất làm kho bãi lưu giữ hàng hóa, bãi trông giữ xe, sân bóng, gara bảo dưỡng sửa chữa xe ô tô…
Việc kinh doanh, khai thác trên được tiến hành đến tháng 11/2014 thì hàng loạt đối tác của Handico bất ngờ bị UBND phường Yên Hòa lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu dỡ bỏ công trình vì cho rằng các đơn vị này đã “xây dựng công trình không phép” trên khu đất do Handico được giao quản lý. Tiếp đó, cơ quan này đã ra các quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình tại ô đất E4, E5.
Thanh tra Bộ Xây dựng lên tiếng
Đứng trước sự việc trên, các đối tác của Handico đã có văn bản gửi cơ quan chức năng khẳng định việc xây dựng công trình tạm tại ô đất E4, E5 đã được chính quyền cho phép và công nhận về mặt pháp lý. Việc khai thác mặt bằng các ô đất không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách và biến khu đất hoang hóa thành khu vực khang trang, sạch đẹp.
Trao đổi với phóng viên, bà Trịnh Thị Thanh Thúy (Giám đốc Cty TNHH Thương mại Dịch vụ và Thể thao Châu An- một đối tác của Handico) cho rằng, tại Văn bản 8360/UBND-KT (19/10/2012), UBND TP Hà Nội đã nêu rõ, khi TP có “quyết định thu hồi đất giao cho các đơn vị liên quan” thì Handico có trách nhiệm bàn giao, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng cho đơn vị được giao đất.
Như vậy, nếu UBND TP có quyết định giao đất cho các Tổng Cty xây dựng trụ sở theo quy hoạch tại các ô đất E4, E5 thì chúng tôi sẵn sàng phá dỡ công trình để trả lại đất. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có bất kỳ quyết định giao đất nào như trên.
Vì vậy, trong khi dự án đang “treo” thì việc sử dụng tạm thời khu đất cần được tiếp tục duy trì theo đúng tinh thần nêu tại văn bản năm 2012, năm 2013 của UBND TP Hà Nội, đảm bảo khai thác đất đai một cách có hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp “hoàn vốn”.
Đồng quan điểm trên, vào cuối năm 2014, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 700/TTr-TD gửi UBND quận Cầu Giấy cho rằng, “với các tổ chức, cá nhân vi phạm gây cháy nổ, mất an toàn trong khu vực phải được xử lý nghiêm túc theo đúng quy định pháp luật; UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo UBND phường Yên Hòa thực hiện nghiêm túc văn bản số 3719/UBND-KT ngày 24/5/2013 của UBND TP Hà Nội để các hộ dân tiếp tục được kinh doanh cho đến khi UBND TP Hà Nội có quyết định thu hồi đất, sử dụng theo yêu cầu”.
Chưa thanh lý hợp đồng, tiến hành cưỡng chế ra sao?
Liên quan đến vụ việc trên, cho tới nay, tại các văn bản của mình, cả UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội… đều thừa nhận rằng, các đơn vị đang sử dụng, khai thác ô đất E4, E5 dựa trên cơ sở Hợp đồng HTKD với Handico. Vì vậy, để giải quyết vụ việc thì trước hết, Handico phải tiến hành thanh lý hợp đồng với các đối tác.
Đơn cử, vào các ngày 24/11/2016; 20/4/2017; Sở Xây dựng đã có 2 văn bản báo cáo UBNP TP Hà Nội kiến nghị TP chỉ đạo Handico tổ chức thanh lý các hợp đồng hợp tác với các đơn vị và tháo dỡ toàn bộ các công trình, bàn giao mặt bằng ô đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hà Nội quản lý, bảo vệ. Ngày 25/5/2017, UBND TP Hà Nội đã Văn bản số 2548/UBND-ĐT đồng ý với kiến nghị trên và ấn định: thời gian hoàn thành trước 30/6/2017.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Handico thì Tổng Cty đã tiến hành họp để thanh lý hợp đồng HTKD với các đơn vị liên quan. Các đơn vị đã nêu ra nhiều vướng mắc và đề nghị được “giãn tiến” độ bàn giao. Vì vậy, Tổng Cty cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao đất.
Mặc dù vây, thời điểm cuối năm 2017, đầu năm 2018, UBND phường Yên Hòa vẫn triển khai thực hiện cưỡng chế dỡ bỏ các công trình tại ô đất E4.
Bình luận về diễn biến trên, một số luật sư (LS) cho rằng, việc UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng yêu cầu Handico và các đối tác phải thanh lý hợp đồng HTKD là đúng đắn, vì việc hợp tác này là hợp pháp trên cơ sở thỏa thuận và cho phép của UBND TP Hà Nội. Thậm chí, trong hợp đồng HTKD , các bên còn thỏa thuận về việc “tranh chấp không giải quyết được sẽ được giải quyết tại TAND có thẩm quyền”.
Tuy nhiên, các LS này cũng cho rằng, việc phá dỡ, bàn giao mặt bằng chỉ được tiến hành khi các bên đã hoàn tất việc thanh lý hợp đồng chứ UBND TP Hà Nội không nên “ấn định” thời hạn phá dỡ, bàn giao mặt bằng, tức là không nên “hành chính hóa” quan hệ hợp tác kinh doanh hợp pháp của các bên. Nếu cứ kiên quyết phá dỡ công trình trong khi các bên chưa thanh lý hợp đồng thì sẽ phát sinh tranh chấp giữa các bên rất phức tạp và khó giải quyết.
Trong một diễn biến khác, một số công ty có công trình trên đất hiện đã có văn bản khiếu nại quyết định hành chính, khiếu nại về thủ tục thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình của UBND phường Yên Hòa.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.