Xử lý công trình xây dựng tại KĐT mới Cầu Giấy: CĐT khởi kiện hành vi hành chính của Chủ tịch phường

(PLO) - Ngày 26/3 vừa qua, TAND quận Cầu Giấy đã có Thông báo thụ lý vụ kiện hành chính đối với hành vi hành chính của Chủ tịch UBND Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự đô thị...
Quang cảnh buổi cưỡng chế ngày 11/1/2018

Người khởi kiện- Cty TNHH Thương mại Dịch vụ và Thể thao Châu An- chính là một đơn vị đã hợp tác với Tổng Cty Đầu tư Phát triển Nhà Hà Nội (Handico) để dựng nhà tạm, khai thác khu đất E4, E5- Khu đô thị mới Cầu Giấy từ năm 2013, sau khi có sự đồng ý của UBND TP Hà Nội.

Xây dựng công trình có sự đồng ý của thành phố

Như PLVN đã từng thông tin thì các ô đất E4, E5- Khu đô thị mới Cầu Giấy là khu vực bố trí trụ sở của một số Tổng Cty. Trong thời gian chưa có quyết định giao đất chính thức, tháng 10/2012, UBND TP Hà Nội đã có Công văn cho phép Handico được tạm sử dụng mặt bằng các ô đất để khai thác tạo nguồn thu bù đắp chi phí đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ và chi phí duy trì bảo vệ ô đất, chống lấn chiếm. Khi TP có quyết định thu hồi đất giao cho các đơn vị liên quan, trong thời hạn 30 ngày, Tổng Cty có trách nhiệm bàn giao, hoàn trả mặt bằng nguyên trạng cho đơn vị được giao đất.

Tiếp đó, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Công văn cho phép xây dựng các công trình nhà tạm (nhà khung thép, mái tôn, kết cấu đơn giản, không kiên cố, dễ tháo dỡ) trong phạm vi các ô đất nói trên. Từ sự cho phép này, Handico đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với một số đơn vị, trong đó có Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Thể thao Châu An (Cty Châu An) để khai thác làm kho bãi trông giữ xe, gara ô tô…

Đến tháng 11/ 2014, UBND phường Yên Hòa lập biên bản và ra một loạt Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vì cho rằng các đơn vị này đã  “xây dựng không có phép xây dựng” trên khu đất E4, E5. Trong khi đó, Cty Châu An có đề nghị  được tiếp tục sử dụng tạm thời khu đất theo đúng tinh thần nêu tại văn bản năm 2012, năm 2013 của UBND TP Hà Nội, đảm bảo cho doanh nghiệp “hoàn vốn” và tránh để “đất hoang”. Nếu phải phá dỡ thì cũng cần có lộ trình phù hợp để tránh thiệt hại.

Triển khai thực hiện quyết định cưỡng chế sau 3 năm ban hành

Mới đây, vào tháng 1/2018 thì UBND phường Yên Hòa đã triển khai lực lượng tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình theo các quyết định đã ban hành trước đó hơn 3 năm.

Theo Cty Châu An thì ngày 11/01/2018, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (ông Hoàng Trung Kiên) đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế phá dỡ,hơn 7.000m2 nhà kho và gara ô tô tại lô đất E4.

Cho rằng việc cưỡng chế trên đây là  không đúng trình tự thủ tục, Cty Châu An đã có đơn khởi kiện hành vi hành chính của Chủ tịch UBND phường Yên Hòa như đã nêu.

Theo người khởi kiện thì UBND phường Yên Hòa không thể coi các công trình này là “không phép” bởi việc xây dựng đã có sự đồng ý của UBND TP Hà Nội. Thời điểm đó, UBND phường Yên Hòa đã để cho các doanh nghiệp công khai xây dựng hàng chục nghìn m2 công trình nhà tạm tại lô đất E4, E5 mà không hề áp dụng bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào. Cơ quan này chỉ ban hành các quyết định xử lý khi các công trình xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện, cơ quan này chỉ quyết liệt xử lý phá dỡ, thu hồi đất mà không quan tâm đến việc cho các bên thanh lý hợp đồng, giải quyết quyền lợi với nhau. Trong khi đó, cả Sở Xây dựng TP Hà Nội và UBND TP Hà Nội đều có ý kiến chỉ đạo Handico phải tổ chức thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị liên quan.

Từ lý do này Cty Châu An cho rằng việc sử dụng lô đất E4, E5 là trên cơ sở các thỏa thuận dân sự với Handico nên việc UBND phường Yên Hòa ra Quyết định cưỡng chế phá dỡ hoặc Thông báo về việc “quây tôn” khu đất là hành chính hóa quan hệ dân sự, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các bên trong hợp đồng liên kết sử dụng đất. 

Hơn nữa, theo Cty Châu An thì đến thời điểm này, UBND phường Yên Hòa vẫn chưa gửi cho Cty và các đơn vị liên kết các Quyết định buộc khắc phục hậu quả, cưỡng chế phá dỡ đã ban hành năm 2014. Đồng nghĩa với việc các đối tượng chịu tác động  đã không thể khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định này để bảo vệ quyền lợi theo quy định.

Được biết, cùng với việc ra Thông báo thụ lý vụ kiện hành chính, TAND quận Cầu Giấy cũng đã có yêu cầu bên bị kiện (Chủ tịch UBND phường Yên Hòa) gửi văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của Cty Châu An, quan điểm về tính hợp pháp của hành vi bị kiện cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ kiện này. 

Đọc thêm