Xử lý hành vi gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chiều nay, 8/6, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp.

Giá bất động sản tăng cao hơn so với thu nhập của người dân

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia thị trường, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện, gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… và nhiều nghị định, thông tư được ban hành để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, trong năm 2021 và quý 1/2022, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế đất nước và bảo đảm bảo an sinh xã hội, thị trường bất động sản đang bộc lộ các hạn chế, bất cập, có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh nổi lên.

Cụ thể, thứ nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn bất cập cần sửa đổi để thống nhất, như là về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất; về chế độ sử dụng đất; quy định đối với các loại hình bất động sản mới, hỗn hợp, đa chức năng; về quy trình, thủ tục triển khai các dự án bất động sản.

Thứ hai, khó khăn về nguồn cung bất động sản, việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương gặp nhiều khó khăn khiến nguồn cung bất động sản sụt giảm ở các phân khúc, khiến số lượng các dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đối với nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Thứ ba, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp, phổ biến là bất động sản các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch, trong khi đó thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp cho các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Thứ tư, giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng, cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp càng khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.

Thứ năm, các sàn giao dịch bất động sản hoạt động thiếu ổn định, hoạt động môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt.

Thứ sáu, công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và thị trường bất động sản tại các địa phương còn tồn tại bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Công tác thông tin công khai, minh bạch về quy hoạch các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời.

Thứ bảy, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, vẫn còn phản ánh của doanh nghiệp về việc khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng và huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chưa có nguồn vốn dài hạn, ổn định cho thị trường bất động sản.

Thứ tám, chính sách thuế đối với sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản còn chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư kinh doanh, mua đi bán lại dẫn đến hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản, thậm chí còn trốn thuế trong giao dịch bất động sản làm thất thu ngân sách.

Thứ chín, hoạt động của thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do thiếu hệ thống thông tin dẫn đến lợi dụng tung tin nhiễu, loạn thị trường.

Từ các khó khăn, vướng mắc, bất cập như trên và kinh nghiệm các nước, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển của nền kinh tế, Bộ Xây dựng đề xuất một số giải pháp chính.

Thứ nhất, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp.

Thứ hai, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường bất động sản để kịp thời có biện pháp ổn định, lành mạnh thị trường khi cần thiết. Kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở kinh doanh bất động sản để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư đất đai, quy hoạch xây dựng để thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường.

Thứ ba, rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định, thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.

Thứ tư, kiểm soát cơ cấu lại tín dụng bất động sản, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật.

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất các quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản để hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản. Nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan về đấu giá quyền sử dụng đất để xác định giá đất, đảm bảo thống nhất, phù hợp với thực tế địa phương…”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Thứ sáu, hoàn thiện thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản, xử lý hành vi thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Thứ tám, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp các bộ, ngành chuẩn bị hội nghị về phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Bộ đang khẩn trương tập trung nghiên cứu, đánh giá về thực trạng của thị trường bất động sản, kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế và trong nước, dự báo tình hình các yếu tố tác động, xu hướng phát triển của thị trường, xác định mục tiêu, yêu cầu và đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp đối với thị trường bất động sản để thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Đọc thêm