Xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến mặt hàng khẩu trang

(PLVN) - Thời dịch Covid, khẩu trang trở thành món hàng quý hiếm đến mức các hiện tượng vi phạm liên quan đến khẩu trang ngày càng gia tăng, từ nâng giá lên gấp chục lần đến sản xuất khẩu trang giả, sản xuất khẩu trang không phép…
Kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang không phép ở Bình Phước
Kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang không phép ở Bình Phước

Hiệu quả bước đầu

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong ngày 28/2, kiểm tra giám sát 93 cơ sở, xử phạt 19 cơ sở; ngày 29/2 kiểm tra 63 cơ sở nhưng chỉ có 5 vụ bị xử phạt; ngày 1/3 kiểm tra 50 cơ sở và không có cơ sở nào bị phạt vì các hành vi vi phạm.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, số vụ xử phạt giảm mạnh, thậm chí không còn chứng tỏ sự vào cuộc của QLTT đã có những hiệu quả nhất định trong “cuộc chiến chưa hồi kết” với thị trường khẩu trang. Tính từ ngày bắt đầu ra quân kiểm soát mạnh thị trường khẩu trang và thiết bị y tế phòng dịch, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát hơn 5.500 vụ và thu được gần 1,7 tỷ đồng tiền xử phạt vi phạm hành chính.

Trong đó, số vụ nhận thông tin qua đường dây nóng Tổng cục QLTT và các địa phương là 198 vụ, đã thẩm tra, xác minh 171 vụ, đang thẩm tra, xác minh 27 vụ, số vụ kiểm tra 12 vụ, tạm giữ 26.984 chiếc khẩu trang các loại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, đường dây nóng của Tổng cục và đường dây nóng tại các địa phương luôn mở 24/24h để sẵn sàng tiếp nhận các nguồn thông tin từ người dân để phân loại, xác minh và xử lý, không chỉ trong lĩnh vực khẩu trang y tế và các thiết bị, vật dụng phòng dịch.  

“Qua quá trình vận hành đường dây nóng của lực lượng QLTT, chúng tôi nhận thấy, các tỉnh, thành phố đã tiến hành xác minh, xử lý thông tin nhanh, hiệu quả các vụ việc được phản ánh qua đường dây nóng. Điều quan trọng, cán bộ trực đường dây nóng luôn sẵn sàng nhận các cuộc gọi tố cáo lợi dụng đại dịch để trục lợi” - đại diện Tổng cục QLTT chia sẻ. 

Tiếp tục phát hiện trường hợp sản xuất khẩu trang giả

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện tình trạng làm khẩu trang giả và sản xuất khẩu trang không phép nhằm trục lợi khi thị trường đang khan hiếm. Trong đó có một vụ việc làm khẩu trang giả đã được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý hình sự theo quy định về sản xuất hàng giả, hàng nhái. 

Trong khi chờ đợi các cơ quan pháp luật củng cố hồ sơ vụ việc làm giả khẩu trang thì lực lượng QLTT lại phát hiện thêm một trường hợp sản xuất khẩu trang không có giấy phép sản xuất. Cụ thể, từ nguồn tin báo của quần chúng về việc có 1 xe ô tô dừng đỗ tại địa chỉ tổ 3, khu phố Xuân Lộc, phường Tân Xuân, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang vận chuyển bốc xếp hàng hóa là khẩu trang từ cơ sở sản xuất của ông Đoàn Văn Bốn, lực lượng QLTT Bình Phước đã ngay lập tức tổ chức đoàn kiểm tra đến kiểm tra cơ sở sản xuất này. 

Tại thời điểm kiểm tra, ghi nhận trên xe có 13 thùng, mỗi thùng có 50 hộp (50 chiếc/hộp), tổng cộng 32.500 chiếc khẩu trang y tế nhãn hiệu Hồng Thủy PARAMAX đã được đưa lên chiếc xe tải biển số 51C-152.83 để đưa đi tiêu thụ.

Qua kiểm tra, xưởng khẩu trang này đang hoạt động không phép do ông Đoàn Văn Bốn làm chủ. Cục QLTT Bình Phước đã tạm giữ 148 cuộn vải, bịch dây cột, bao giấy kính và 01 xe ô tô biển số 51C-152.83, đồng thời niêm phong khu vực sản xuất và toàn bộ tang vật, máy móc để tiếp tục xử lý, xác minh.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra cơ sở kinh doanh tạp hóa nhà ông Đoàn Văn Bốn, địa chỉ tại đường Hai Bà Trưng, tổ 3, khu phố Phú Thanh, phường Tân Phú, TP Đồng Xoài phát hiện, tạm giữ 2 thùng, mỗi thùng có 50 hộp (50 chiếc/hộp) với tổng số 5.000 chiếc khẩu trang mang nhãn hiệu Hồng Thủy PARAMAX, 11kg dây đeo khẩu trang màu trắng và hàng nghìn hộp không khác đã có sẵn nhãn hiệu khẩu trang MEKOMED. Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, việc xử lý sản xuất khẩu trang giả cũng tương tự như hành vi sản xuất hàng giả, hàng nhái đã được quy định cụ thể trong Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017, tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tùy các trường hợp có thể bị phạt mức tiền cao nhất từ 100 triệu - 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm; thậm chí có thể bị phạt đến 10 năm tù nếu đã thu lợi bất chính từ hoạt động sản xuất hàng giả từ 100-500 triệu đồng.