Xử lý thuốc lá điếu nhập lậu: Đề xuất thí điểm bán đấu giá

(PLVN) - Chưa có mặt hàng nào mà lực lượng quản lý thị trường (QLTT) chuyển hồ sơ sang Công an nhiều như thuốc lá điếu nhập lậu. Dù các lực lượng chống buôn lậu thuốc lá đã “căng mình” trên nhiều mặt trận, nhưng các đối tượng buôn lậu vẫn tìm mọi cách để “qua mặt”. 
Tiền thu được từ việc bán đấu giá thuốc lá nhập lậu một phần được sử dụng cho công tác quản lý, chống buôn lậu
Tiền thu được từ việc bán đấu giá thuốc lá nhập lậu một phần được sử dụng cho công tác quản lý, chống buôn lậu

Thông tin về thu giữ số lượng lớn thuốc lá nhập lậu vẫn được cập nhật hàng ngày, đặc biệt ở các tỉnh giáp biên. Mới đây nhất, lực lượng QLTT Long An đã bắt giữ 11.940 gói thuốc lá điếu nhập lậu. Trước đó, số vụ bắt giữ số lượng lớn thuốc lá nhập diễn ra trên nhiều tỉnh, thành, cá biệt có tỉnh lên tới 18.600 bao/vụ. Thậm chí, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 173 vụ nhưng việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, do các đối tượng buôn lậu thuốc lá sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động liên tục để đối phó nên dù các lực lượng chức năng đã tăng cường quản lý, siết chặt kiểm tra, kiểm soát rất mạnh mẽ và tần suất cao nhưng vẫn chưa thể bao quát được mặt hàng này. 

Đặc biệt, phương thức gian lận được các đối tượng áp dụng gần đây là ngụy trang cất giấu lượng lớn thuốc lá nhập lậu trong các bao tải, thùng hàng chung với hàng hóa hoặc xé lẻ chứa hàng trong cốp xe, bình xăng, yên xe máy nên việc kiểm tra, thu giữ càng khó khăn hơn. Trong khi đó, dù lực lượng chức năng đã tổ chức ký cam kết không buôn bán thuốc lá nhập lậu với nhiều cửa hàng trong nội địa nhưng vì lợi nhuận lớn, các chủ cửa hàng này vẫn lén lút tiêu thụ hàng lậu khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. 

Trước thực tế này, một mặt Tổng cục QLTT vẫn tổ chức tuyên truyền tại các địa điểm công cộng trên các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá điếu như TP HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, An Giang, Đồng Tháp… mặt khác chủ động xây dựng các kế hoạch, chuyên đề kiểm tra, đấu tranh hiệu quả đối với buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu trên địa bàn.

Đồng thời kiến nghị thực hiện nghiêm cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu trong đó có buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài ở địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách; Kiến nghị chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã biên giới tăng cường vận động, giáo dục cư dân biên giới không tham gia tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng nhập lậu; có những chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm.

Ngoài ra, cần khẩn trương có những quy định mới trong việc xử lý thuốc lá nhập lậu do hiện nay mới chỉ có duy nhất biện pháp tiêu hủy khiến cho công tác này khó có bước đột phá. Được biết, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu. Theo đó, số hàng lậu bị tịch thu sẽ được tiêu hủy hoặc thí điểm bán đấu giá để xuất khẩu ra nước ngoài. 

Số tiền thu được từ việc bán đấu giá thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng để phục vụ công tác giám sát, quản lý, chống buôn lậu thuốc lá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ này đã dự thảo Thông tư quy định về xử lý số tiền thu được từ đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu sẽ dành cho nhiều hoạt động như chi từ 100 - 200 triệu đồng để mua tin buôn lậu thuốc lá ngoại đối với các vụ việc thu giữ có giá trị trên, dưới 5 tỷ đồng.

Đọc thêm